16/09/2017 15:58 GMT+7

Phòng chống cận thị tuổi học đường

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Cận thị là tình trạng mà mắt chỉ có khả năng nhìn được các vật ở gần ngay trước mắt chứ không nhìn được các vật ở xa. Khoảng cách nhìn rõ các vật phụ thuộc vào mức độ cận thị.

Phòng chống cận thị tuổi học đường - Ảnh 1.

Nguyên nhân

Có 2 nguyên nhân phát sinh bệnh chính là do di truyền và yếu tố môi trường, lối sống.

- Yếu tố di truyền

Từ 6 đến 12 tháng tuổi những trẻ bị ảnh hưởng do di truyền bắt đầu bị cận thị. Do đó cận thị do di truyền thường được phát hiện sớm từ khi trẻ mới bắt đầu đi học.

- Yếu tố môi trường, lối sống, thói quen sinh hoạt

Hiện nay, nhiều học sinh có các đam mê với các hoạt động vui chơi giải trí phải sử dụng nhiều đến chức năng thị giác và ngồi với tư thế bất động lâu, làm hạn chế sự lưu thông tuần hoàn.

Sự vận động của thể lực đóng vai trò quan trọng, làm tăng cường lưu thông tuần hoàn, giúp quá trình nuôi dưỡng, phát triển hệ thống cơ xương và thải trừ các chất phát sinh trong quá trình chuyển hóa ra khỏi cơ thể. 

Các hoạt động thể lực còn giúp cho sự thư giãn của mắt, giúp cho mắt phục hồi sau thời gian phải điều tiết quá mức khi nhìn gần. Nhưng nhiều trẻ em lại dành thời gian thư giãn cho các sở thích đòi hỏi sự tập trung của thị giác, làm tăng gánh nặng và dẫn đến những tác động có hại cho cơ quan thị giác. 

Tỷ lệ cận thị ở những học sinh thường xuyên sử dụng máy vi tính, chơi trò chơi điện tử cao hơn ở nhóm học sinh thường tham gia các hoạt động ngoài trời.

Điều kiện vệ sinh học đường, thói quen sinh hoạt của học sinh là các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng tới hoạt động thị giác nói chung và tỷ lệ tật cận thị nói riêng. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: gánh nặng học tập căng thẳng, điều kiện chiếu sáng phòng học không đủ, bàn ghế không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, tư thế học tập không đúng, chế độ sinh hoạt, vui chơi giải trí không hợp lý…

Bàn ghế và tư thế ngồi học: Bàn ghế hợp lý sẽ giúp cho học sinh có khoảng cách giữa mắt và bàn phù hợp, hạn chế và điều tiết quá mức do khoảng cách nhìn quá gần. 

Các thiết bị, đồ dùng sử dụng trong lớp học cũng cần được quan tâm như bảng phải được chống lóa, được treo ở vị trí đủ ánh sáng, phù hợp với tầm nhìn của học sinh, đảm bảo góc nhìn chéo tới bảng ở bất kì vị trí nào của học sinh trong lớp. 

Các chữ viết trên bảng phải rõ và có kích thước phù hợp theo quy định vệ sinh. Sách và vở viết đảm bảo chất lượng, có độ tương phản tốt giữa chữ viết và nền. Các yếu tố này sẽ hạn chế các gánh nặng thị giác của học sinh.

Nguyên nhân phát sinh cận thị không chỉ từ điều kiện vệ sinh học đường mà còn từ các thói quen, điều kiện học tập ngoài nhà trường, thời gian biểu học tập, vui chơi không phù hợp.

Biện pháp phòng chống

Để phòng chống cận thị liên quan đến vệ sinh học đường, có 3 giải pháp cơ bản:

- Cải thiện điều kiện học tập: bao gồm môi trường học tập, trang thiết bị, kể cả thời gian biểu, chương trình học tập…

- Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của học sinh để các em tự giác thực hành vệ sinh học đường, nâng cao sức khỏe và phòng chống cận thị.

- Khám thị lực và xác định tật khúc xạ (cận thị) định kỳ để có thể xác định được sớm và đề xuất giải pháp xử trí kịp thời.

Phụ huynh học sinh cần trang bị đồ dùng học tập, chiếu sáng tại gia đình, nhắc nhở và hỗ trợ học sinh xây dựng, thực hiện thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi phù hợp đảm bảo sức khỏe, thư giãn thị giác.

Nâng cao sức khỏe thể chất, duy trì chế độ ăn uống hợp lý cũng rất quan trọng, muốn cho mắt khỏe mạnh thì truớc hết cơ thể phải khỏe mạnh. 

Vì vậy, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, mỗi bữa ăn cần đủ 4 nhóm thực phẩm là đường, đạm, dầu (hoặc mỡ) và rau, củ, quả để cung cấp các vitamin và chất khoáng. Cần ăn đa dạng các nhóm thực phẩm kể cả nhóm chất đạm, ngũ cốc hay hoa quả.

Các hoạt động thể chất ở lứa tuổi học đường đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phát triển của học sinh. Hoạt động thể chất giúp cho học sinh có hệ thống xương, cơ vững chắc và khỏe mạnh. 

Ngoài ra, hoạt động thể lực còn giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn đảm bảo việc nuôi dưỡng tốt cho các cơ quan trong cơ thể, giúp cho việc hoàn thiện các chức năng của cơ quan như hệ thống cân bằng, hệ thống vận động và thần kinh.

Thời gian nghỉ ngơi nói chung và thời gian ngủ đêm nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phục hồi các chức năng cơ thể, trong đó có chức năng thị giác.

Giữ vệ sinh thị giác

Không chỉ là cận thị, mà còn rất nhiều bệnh lý khác của cơ quan thị giác sau tật cận thị vì vậy giữ vệ sinh thị giác là rất quan trọng. Để giữ vệ sinh thị giác chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tránh gây quá tải cho mắt: Khi đọc hoặc làm việc với công việc nhìn gần nhiều, kéo dài cần phải sau mỗi khoảng 30 phút nên tạm nghỉ, đứng lên và nhìn ra xa (ví dụ ngắm quang cảnh ở xa qua cửa sổ) khoảng 5 phút.

- Chiếu sáng tốt: Đảm bảo ánh sáng đủ. Tránh làm việc chỉ có một nguồn sáng tại nơi làm việc còn nơi khác trong phòng tối. Tránh chói lóa từ mặt làm việc phản chiếu vào mắt do sử dụng nguồn đèn từ phía trước mặt chiếu vào, tốt nhất nguồn đèn nên chiếu từ phía sau, hoặc chiếu từ phía tay không cầm bút.

- Khoảng cách nhìn gần tốt nhất: Để thực hiện công việc nhìn gần như đọc, viết và các công việc khác nên đảm bảo khoảng cách nhìn tối thiểu bằng độ dài từ khuỷu tay tới đốt ngón tay giữa (đối với học sinh bé từ 21 - 30 cm, với học sinh lớn 35 - 40 cm).

- Tư thế làm việc với công việc nhìn gần: Ngồi với tư thế thẳng trong trạng thái ngồi tự nhiên, giữ khoảng cách phù hợp. Khi đọc, viết hoặc xem vô tuyến tránh nằm với các tư thế nằm ngửa, nghiêng, sấp. Khi viết chú ý cầm bút sao cho không bị che tầm nhìn dẫn đến phải nghiêng đầu, nghẹo cổ, vẹo người mới nhìn được.

- Khoảng cách xem vô tuyến: Có độ dài bằng 7 lần độ rộng của màn hình, nên ngồi thẳng và hạn chế thời gian xem vô tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên