Tuy xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, thậm chí còn được coi như một loại “văn hóa”, nhưng phong bì trong bệnh viện có vẻ gây phản cảm hơn vì không ít trường hợp đưa phong bì, người bệnh đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Người Việt Nam vốn giàu tình cảm gia đình, họ sẵn sàng bán nhà cửa, bán ruộng vườn để chạy chữa cho người thân. Nhưng vì bệnh viện quá tải, vì thiếu thầy thuốc, thiếu giường nằm, vì lương thầy thuốc còn thấp, vì nhiều người muốn được nhận dịch vụ tốt hơn... dần dần đã nảy sinh “văn hóa” phong bì ở nơi cần tình người nhất. Người giàu phong bì, người nghèo phong bì, ai ai cũng phong bì, khiến trên diễn đàn Quốc hội một đại biểu đã phải than thở không tưởng tượng được bệnh nhân ăn cơm từ thiện để dành tiền cho vào phong bì gửi bác sĩ.
Khảo sát Công bố giữa năm 2011 của Công đoàn y tế VN tại năm bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy khoảng 45% bệnh nhân và người nhà không hài lòng với dịch vụ y tế và các thủ tục hành chính. Đây là căn nguyên của cuộc vận động thực hiện y đức, trong đó có mục “nói không với phong bì” mà sau này báo giới gọi là cuộc vận động nói không với phong bì.
Nhưng chưa đầy một năm sau, cuộc vận động này đã chết yểu bởi những người có trách nhiệm nhất như lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Y tế đều không đồng tình, như lời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên diễn đàn Quốc hội. Và ngay bà Tiến cũng chối bà không phát động nói không với phong bì.
Khi bà Tiến kêu gọi đồng nghiệp không nhận phong bì trên diễn đàn Quốc hội, có thể có những thầy thuốc tự trọng sẽ thấy buồn. Bởi nghề thầy thuốc đã, luôn và sẽ được xã hội kính trọng. Nhưng trong thời buổi cung không đủ cầu, thầy thuốc là nghề có được nhiều quyền lợi. Với lòng tự trọng, họ có thể nhiều lần từ chối nhận phong bì, nhưng với một bối cảnh nhiều người đưa, lắm kẻ nhận như vậy, sẽ có lúc không ít người rồi cũng nhận phong bì.
Vì sao với đủ bộ máy, đủ quyền lực trong tay, bà Tiến và Bộ Y tế không có hẳn một quy định rõ ràng và nghiêm khắc với hành vi đưa - nhận phong bì, bên cạnh vai trò tổ chức việc cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả, tăng nguồn thu minh bạch cho bệnh viện, tăng thu nhập chính đáng cho thầy thuốc để họ được sống tự trọng bằng nghề thay vì kêu gọi?
Bởi một khi bộ trưởng đã phải kêu gọi “hãy vì lòng tự trọng nghề nghiệp” ở diễn đàn Quốc hội, phong bì trong bệnh viện không còn là chuyện nhỏ, chuyện tế nhị khó nói, mà từ rất lâu rồi nó đã là một vấn nạn nhưng chẳng ai giải quyết tận gốc rễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận