08/04/2005 00:42 GMT+7

Phối hợp với chiến trường

NGUYỄN DY NIÊN (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)
NGUYỄN DY NIÊN (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)

TT - Nếu từ 1968 đến đầu 1973 đồng bào và chiến sĩ ta đã “sống theo giờ Paris” bám sát các hoạt động của mặt trận ngoại giao, thì từ 1973-1975 Paris lại sống theo giờ VN vì những con người VN trên đất Pháp và Tây Âu tuy địa bàn và tính chất hoạt động khác nhau, cũng sống, làm việc và đấu tranh theo nhịp điệu và tình cảm của đồng bào trong nước.

DilF9Kw0.jpgPhóng to
Đoàn đại biểu VN dân chủ cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris (ngồi hàng đầu, từ trái sang): Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Sung - Ảnh tư liệu của tác giả

Xuân 1975 và những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh, người trong nước tâm trạng như thế nào thì người VN ở Paris, ở Pháp, ở Tây Âu cũng tâm trạng như vậy. Mỗi người tùy vị trí của mình đều cố gắng hết sức góp phần nhỏ bé vào đại thắng mùa xuân 1975, mùa xuân của “Bắc Nam sum họp”.

Nhiệm vụ của người ở Pháp

Cuộc đàm phán giữa hai bên miền Nam VN (tức chính quyền Sài Gòn và Chính phủ cách mạng lâm thời) phải đạt thỏa thuận trong vòng 90 ngày kể từ ngày ngừng bắn để ký kết Hiệp định giải quyết các vấn đề nội bộ của miền Nam VN (điều 9 Hiệp định Paris), nhưng hết hạn đó tức ngày 25-4-1973 hai bên miền Nam vẫn chưa đạt được thỏa thuận gì.

Theo yêu cầu của Mỹ đã tiến hành một đợt họp riêng giữa VN dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ tại Paris kéo dài từ 17-5 đến 13-6-1973. Qua cuộc gặp tháng 5 và 6-1973 ngày ta thấy được thái độ của Mỹ và Thiệu rất khó cho việc thi hành hiệp định.

Tháng 10-1973, Trung ương Đảng Lao động VN đã họp lần 21 xem xét tình hình và đề ra phương hướng là nếu Nguyễn Văn Thiệu không chịu thi hành Hiệp định Paris và tiếp tục chiến tranh thì ta không có cách nào khác, phải tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam.

Sau nghị quyết Trung ương thứ 21, Quân ủy Trung ương đã nghiên cứu triển khai và có nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua, trên cơ sở đó từ tháng 4-1974 quân ta đã có những trận phản công và tiến công lớn mà trận thử sức đầu tiên là trận Thượng Đức ở Tây nguyên.

Tác giả Võ Văn Sung:

Từ 1968 - 1970 là phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu đấu tranh ngoại giao với Mỹ.

1971-1973: tham gia đoàn đàm phán bí mật với Mỹ; tổng đại diện của Chính phủ VN dân chủ cộng hòa tại Pháp.

1973-1976: đại sứ VN dân chủ cộng hòa tại Pháp, 1976-1981: đại sứ CHXHCN VN tại Pháp (kiêm nhiệm đại sứ tại Bỉ, Hà Lan, Luxembourg từ 1974-1981).

Ngày 25-11-1974, anh Lê Đức Thọ sang Paris công tác và trước khi về Hà Nội đã triệu tập Ban cán sự Đảng tại Pháp cùng với mấy cán bộ chủ chốt của phong trào Việt kiều là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - bí thư nhóm Việt ngữ, Huỳnh Trung Đồng - phó bí thư và Lâm Bá Châu - ủy viên thường vụ, để phổ biến một số tình hình trong nước, đặc biệt là các hoạt động quân sự của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và việc đánh trả của ta; về nhiệm vụ ở Pháp anh căn dặn việc đẩy mạnh phong trào Việt kiều để kịp thời hiệp đồng với trong nước.

Sau cuộc họp này anh Lê Đức Thọ giữ tôi lại để phổ biến riêng về đánh giá của Hội nghị trung ương lần 21 và về việc Bộ Chính trị đang chuẩn bị một hội nghị nhằm khẳng định các khả năng và ra nghị quyết của Bộ Chính trị tranh thủ thời cơ giải phóng miền Nam trễ nhất là năm 1976.

Anh yêu cầu tôi chuẩn bị để kịp thời xử lý những hoạt động ở Pháp trong tình huống do sự khẩn trương của tình hình mà sự chỉ đạo cụ thể của trong nước sang Paris không thể kịp thời. Anh căn dặn tôi bàn bạc trong Ban cán sự từng bước tùy sự phát triển của tình hình và phải tuyệt đối giữ bí mật ý đồ của Bộ Chính trị, đồng thời phải huy động được mọi khả năng bám sát phản ứng của Mỹ để phối hợp với trong nước.

Anh cũng nhấn mạnh là với tư cách bí thư Ban cán sự, tôi phải quyết định và chịu trách nhiệm về công việc ở Paris nếu không thể xin được chỉ đạo của trong nước. Trước khi lên máy bay anh Lê Đức Thọ còn cho tôi biết sẽ có “đường dây” báo riêng cho tôi biết “thời điểm” để tôi hợp đồng tốt với ở “nhà”.

Sau khi anh Lê Đức Thọ về nước, tôi sắp xếp lại các điều được phổ biến và tự hiểu rằng nhiệm vụ của thời kỳ mới chủ yếu là dùng đấu tranh quân sự để giải phóng miền Nam, do đó nhiệm vụ của ngoại giao nói chung và trên địa bàn Paris nói riêng là phải phục vụ chặt chẽ cho chiến trường.

Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!

Những ai từng sống và làm việc tại Paris thời ấy đều nhận thấy Paris là địa điểm đàm phán thuận lợi cho cả hai bên VN và Hoa Kỳ.

Nơi đây đã trở thành môi trường tranh thủ dư luận lý tưởng cho ta không chỉ trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris về VN mà còn nhiều năm sau đó, cho tới khi nước nhà thống nhất.

Ở đó, ta có một binh chủng đặc biệt là cộng đồng người VN tại Pháp và các nước Tây Bắc Âu một lòng hướng về Tổ quốc, có một đồng minh thủy chung là phong trào nhân dân Pháp ủng hộ độc lập và đòi hòa bình cho VN, và có một nhân tố quan trọng nữa là vai trò tích cực của nước chủ nhà.

Ba yếu tố thuận lợi đó chính là lực cộng hưởng hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt trận ngoại giao của ta.

Là người tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Paris, rồi giai đoạn đấu tranh thi hành hiệp định, có thể nói nhà ngoại giao Võ Văn Sung là một trong số ít những người có may mắn được đi suốt cuộc đụng đầu lịch sử giữa nền ngoại giao VN non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của Hoa Kỳ ngay trên đất Paris - một trong những trung tâm văn minh lớn của phương Tây.

Ngày 13-4-1975, tôi được triệu tập sang Matxcơva gấp và ngày 14-4-1975 tôi được nối “đường dây” mà anh Lê Đức Thọ nói khi lên máy bay rời Paris ngày 5-12-1974. Tôi không ngờ “đường dây” này lại là anh Lê Thanh Nghị, ủy viên Bộ Chính trị đi công tác ở Liên Xô mấy hôm.

Anh Lê Thanh Nghị đã giao cho tôi một số việc về kinh tế và khoa học kỹ thuật, sau đó nói với tôi về tình hình trong nước và báo riêng “anh Sáu Thọ nhắn anh là các việc cứ xúc tiến như đã bàn; có nhiều khả năng xong trước mùa mưa này”.

Trước khi chia tay anh Nghị nói với tôi một câu nay tôi như còn nghe được: “Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!”. Cách nói khác với tác phong thường ngày của anh Nghị, bộc lộ tình cảm rất rõ. Sau khi được lời nhắn của anh Lê Đức Thọ và trước thái độ đầy xúc động của anh Lê Thanh Nghị, tôi thấy trong người như được thêm một sức mạnh mới...

Suy nghĩ về các việc trọng tâm, tôi cho rằng một vấn đề hàng đầu có ý nghĩa cốt lõi khi quyết định dùng quân sự “đánh cho ngụy nhào” là việc đánh giá đúng ý đồ và khả năng của Mỹ có đưa quân Mỹ trở lại miền Nam để cứu ngụy quyền Sài Gòn không.

Sau lần anh Lê Đức Thọ gặp ông Kissinger tháng 6-1973 ta cũng đã thấy được những hạn chế của Mỹ trong khả năng trở lại VN bằng quân sự. Do đó câu hỏi “Mỹ dám trở lại VN không?” là vấn đề ta phải giải đáp rõ ràng hơn. Từ đó tôi nghĩ rằng hoạt động của ta ở Paris trước tiên cũng phải nhằm góp phần giải đáp câu hỏi này.

Chúng tôi cũng nhận thức rằng cơ quan của ta ở Paris là một trong những đài quan sát quan trọng nhất của ta trên thế giới nên cần phải làm việc này khẩn trương và chính xác.

Chúng tôi đã huy động hầu hết lực lượng nghiên cứu, tiếp xúc của hai cơ quan VN dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN để tiến hành công việc này, trong đó có một số việc chỉ riêng ở vị trí của tôi mới làm được.

------------------(*) Sách sắp phát hành của NXB Quân Đội Nhân Dân. Báo Tuổi Trẻ trích đăng và tạm đặt một số tựa lớn, tựa nhỏ để bạn đọc tiện theo dõi.

Thăm dò những động thái trong hành động và ý đồ của Mỹ trước từng bước tiến công quân sự của ta ở miền Nam, đó là kế hoạch mà ông đại sứ đã tự đề ra trước diễn biến mới ở quê nhà. Câu hỏi từ Hà Nội về khả năng Mỹ đưa quân trở lại VN cũng được “người ở Paris” tìm cách trả lời.

Và ông đại sứ tìm đến hai nhân vật...

---------------

* Kỳ sau: Hai đại diện ngoại giao của chính quyền Sài Gòn

NGUYỄN DY NIÊN (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên