Phóng to |
Ông Obama sắp phải trổ tài thương thuyết - Ảnh: AFP |
Chỉ số Dow Jones hôm 5-3 đóng cửa ở mức điểm 14.253,77, cao gần gấp đôi so với thời đáy khủng hoảng hồi tháng 3-2009. Đến cuối tuần thì Dow Jones chốt ở mức 14.397,07. Các chỉ số quan trọng khác như Nasdaq, S&P cũng đều hồi phục khi giới đầu tư thi nhau mua như thể không có ngày mai.
Dấu hiệu kinh tế Mỹ hồi phục không chỉ trên thị trường chứng khoán. Số liệu việc làm ở Mỹ cũng đang gây ấn tượng. Con số được Bộ Lao động công bố hôm 8-3 cho thấy có thêm 236.000 việc làm mới trong tháng 2, mức cao nhất trong vòng 12 tháng qua, trong khi tỉ lệ thất nghiệp lại giảm xuống mức 7,7%. Ở các thành phố, thị trường địa ốc đang ấm lại, doanh số bán ôtô đang tăng trong khi các ngân hàng thì bình ổn với những tín hiệu tích cực.
Các con số báo hiệu sự khởi sắc mới, đặc biệt là chỉ số chứng khoán nóng lên, ngay khi cuộc chiến về ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn còn đang gay cấn. Có gì bất thường khi chính Nhà Trắng từng cảnh báo con số “cắt giảm tạm thời” về tài chính sẽ làm giảm 1,5% tỉ lệ tăng trưởng?
Giới phân tích cho rằng Phố Wall đã quá chán nản trước sự xa rời thực tế của Washington và ngán ngẩm các cuộc chiến ngân sách giữa hai phe Dân chủ, Cộng hòa. “Thị trường chứng khoán và dư luận Mỹ đang coi thường khi nhìn vào chính trường Mỹ” - ông Ted Weisberg, một nhà buôn chứng khoán với hơn 40 năm kinh nghiệm, nói với báo Washington Post sau khi thị trường liên tiếp tăng điểm sau thời hạn 1-3.
Mắc mứu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chung quy nằm ở vấn đề tư tưởng. Cả hai đều biết phải kết hợp hai biện pháp tăng thuế và giảm mạnh chi tiêu thì mới giải quyết được vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ hiện tại là số nợ khổng lồ tới hơn 16.000 tỉ USD (xấp xỉ 110% GDP). Đảng Dân chủ thì không dám cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội và y tế. Đảng Cộng hòa lại sợ đụng đến chuyện tăng thuế của nhóm nhà giàu, các tập đoàn lớn hay chi tiêu quốc phòng. Hai bên không thể nhượng bộ vì đây là tiêu chí của từng đảng để thuyết phục cử tri. Nghị sĩ hai bên lại lo ngại cho con số thăm dò uy tín của mình hơn là bức tranh lớn của cả nước. Thế là cả hai rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì không ai chịu nhường ai. Cả Nhà Trắng lẫn phe Cộng hòa thường lôi “vách đá tài chính” ra dọa nhau và “làm màu” với cử tri.
“Tôi nghĩ sự tức giận của người Mỹ và của các thành viên quốc hội xuất phát từ thực tế rất nhiều tranh luận trên truyền hình hoặc trên sàn hạ viện hầu như chẳng có ý nghĩa gì” - nghị sĩ Dân chủ Tulsi Gabbard của Hawaii nói với AP hôm 10-3 về tình hình chính trường Mỹ.
Tổng thống Obama dự kiến di chuyển cùng đoàn xe hộ tống từ Nhà Trắng tới quốc hội ba lần trong tuần này với hi vọng đạt được các thỏa thuận về cắt giảm ngân sách, cải cách nhập cư và một số vấn đề còn bất đồng. Ông hi vọng sẽ thuyết phục được các nghị sĩ để tránh được một cuộc đối đầu nữa về ngân sách - với thời hạn sắp tới là ngày 27-3 khi thời gian gia hạn ngân sách tạm thời kết thúc và chính phủ có thể phải đóng cửa nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu hồi phục nhưng chính trường Mỹ xem chừng vẫn chưa vượt qua cuộc khủng hoảng của hơn bốn năm chia rẽ. Cả Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nói về một giải pháp cân bằng nhưng đều không muốn nhượng bộ. Chỉ đến khi cả hai cùng dám nhìn vào sự thật và dám nói sự thật thì cuộc khủng hoảng chính trường Mỹ mới mong được giải quyết rốt ráo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận