Không gian tạo cảm giác thoải mái cho các y bác sĩ thưởng thức phở - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 12-10, báo Tuổi Trẻ cùng Tổng công ty du lịch Sài Gòn đã tổ chức chương trình "5.000 tô phở yêu thương phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch" nhằm tri ân lực lượng tuyến đầu đã chi viện cho TP.HCM chống dịch, trước khi các đoàn trở về địa phương, nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Ngày của phở 12-12.
Hơn 7h sáng 12-10, tại khách sạn Kim Đô (Q.1, TP.HCM), những tô phở nóng hổi bắt đầu phục vụ 59 y bác sĩ thuộc đoàn hỗ trợ chống dịch đến từ Hà Nội, công tác tại Bệnh viện dã chiến số 16.
Tô phở đặc biệt giữa không gian xanh mát
Vừa thưởng thức xong tô phở, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - công tác nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội - vừa tấm tắc khen tô phở đậm vị Sài Gòn. Bác sĩ Tuyết vào chi viện cho TP từ đầu tháng 9 và phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16. Đây cũng là lần đầu chị vào miền Nam.
Bác sĩ Tuyết chia sẻ, chị đã nhiều lần nghe đồng nghiệp và bạn bè tâm sự về vùng đất, con người và văn hóa TP. Tuy nhiên, khoảng thời gian đặc biệt vừa qua chị chưa có cơ hội trải nghiệm nhiều với vùng đất nghĩa tình này, khi toàn bộ thời gian đều dành cho việc chống dịch trong bệnh viện.
"Ở Hà Nội, tôi đã ăn nhiều phở, nhưng hôm nay thưởng thức tại đây tôi thấy phở có một nét đặc biệt, đậm vị Sài Gòn, vị tình cảm mà người dân TP dành cho chúng tôi", bác sĩ Tuyết tâm sự chị rất luyến tiếc TP.HCM, mong sẽ có nhiều cơ hội quay lại nơi này đã phục hồi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huế (công tác nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội, chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 16) vui vẻ thưởng thức tô phở trước giờ trở về Hà Nội - Ảnh: DUYÊN PHAN
Có mặt tại sân vườn khách sạn Rex từ sáng sớm, bác sĩ Hoàng Hải Vinh - đoàn hỗ trợ chống dịch tỉnh Bắc Kạn tại TP.HCM - chia sẻ hơn hai tháng vào TP.HCM nhưng đây là lần đầu được thưởng thức tô phở thơm ngon tại không gian xanh mát.
Bác sĩ Vinh vào chi viện những ngày đầu tháng 8 tại Bệnh viện dã chiến số 11. Anh cho biết lúc đầu chưa quen công việc nên rất cực. "Thời gian đầu, bệnh nhân rất đông, bệnh viện chỉ mới thành lập nên những điều kiện về ăn uống sinh hoạt của bác sĩ đều cơ bản.
Hai tháng phục vụ vừa rồi, tôi đã có vài buổi được ăn phở. Tuy nhiên, do phải đảm đương nhiệm vụ nên khi đến tay các bát phở thường không còn thơm ngon như ban đầu. Chúng tôi cũng chỉ ăn vội để sớm quay lại công việc. Hôm nay được ăn phở nóng tại không gian mát mẻ như thế này, rất cảm ơn tình cảm của chương tình cũng như người dân TP dành cho chúng tôi", bác sĩ Vinh tâm sự.
Ở bàn bên cạnh, ngồi trò chuyện cùng các đồng nghiệp trong lúc đợi phở tới, bác sĩ CKI Hoàng Thị Đường (công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, kiêm phó đoàn hỗ trợ chống dịch tỉnh Bắc Kạn) cho biết đoàn gồm 16 người vào chi viện tại TP.HCM từ ngày 6-8. Nhận nhiệm vụ trực tiếp điều trị, chăm sóc F0, bác sĩ Đường cùng đội ngũ y bác sĩ luôn làm việc với tâm thế cố hết sức giúp người dân TP.HCM chống dịch.
Bác sĩ Lục Văn Trường - trưởng đoàn hỗ trợ chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Kạn tại TP.HCM - thưởng thức phở trước khi rời thành phố - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều xúc cảm ngày trở về
Hai tháng làm việc, ăn ngủ tại bệnh viện, bác sĩ Đường trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc và kỷ niệm đáng nhớ. "Công việc chiếm phần lớn thời gian, chúng tôi không thể nhớ hết những gì mình đã trải qua. Tôi chỉ nhớ những trường hợp vào cả gia đình vào bệnh viện, hay có những em bé rất nhỏ vào đây mà không có người thân vì ba mẹ một nơi, con một nơi.
Ngoài công tác điều trị, y bác sĩ kiêm luôn bảo mẫu của các bé. Đó cũng là kỷ niệm rất xúc động đối với tôi", bác sĩ Đường chia sẻ.
Vị bác sĩ này cho biết chuyến công tác này đưa chị lần đầu đến TP.HCM, nhưng chẳng còn thời gian hay tâm trí để ngắm TP thân thiện, náo nhiệt mà chị từng nghe nói, từng thấy trên mạng xã hội.
"Bản thân tôi ngoài việc điều trị bệnh, thỉnh thoảng có đợt phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì trở nặng. Trên đường chuyển đi, tôi có dịp nhìn thoáng qua đường phố, rất đẹp, nhưng chúng tôi không có thời gian để ngắm, thưởng thức cái đẹp. Lúc đấy chỉ lo quan sát người bệnh và mong nhanh chóng tới bệnh viện. Chúng tôi không có điều kiện đi loanh quanh TP, tất cả đều cuốn vào công để chăm sóc người bệnh một cách nhanh chóng", chị nói.
Từng phần phở được chuẩn bị chu đáo gửi đến nhân viên y tế - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tô phở nóng hổi bưng ra, bác sĩ Đường cho biết hơn hai tháng từ khi vào TP.HCM làm nhiệm vụ, chị và các đồng nghiệp mới có dịp ngồi thư thả thưởng thức phở. Gắp đũa đầu tiên, chị tấm tắc: "Phở thơm ngon quá, chế biến đúng vị Bắc. Lâu rồi tôi mới ngồi ăn từ từ như thế này, vì bữa giờ ở bệnh viện phải ăn nhanh để còn làm việc. Hôm nay ngày về mới có thời gian ngồi tại khách sạn 5 sao, sân vườn thoáng mát và thưởng thức phở đúng vị do đầu bếp làm, chúng tôi rất vui!", bác sĩ Đường bày tỏ.
"Hiện số ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 11 đã giảm dần, một số khoa sẽ dồn lại để rút dần nhân lực chi viện. Cảm xúc của tôi bây giờ khác rất nhiều với sự lo lắng ngày đầu vào tiếp nhận bệnh nhân. Chúng tôi thấy rất yên tâm vì có thể đóng góp phần nào đó cho công cuộc chống dịch tại TP.HCM, cũng thấy vui vì số ca mắc đã giảm dần, cuộc sống người dân dần trở về bình thường", bác sĩ Đường tâm sự.
Tâm huyết trong từng tô phở
Vui vẻ nhìn các y bác sĩ thưởng thức phở, ông Tô Văn Sơn (bếp trưởng nhà hàng Vertical Garden thuộc khách sạn Rex) tâm sự đoàn y tế vào TP.HCM chi viện giống như vào chiến trường, phải đối mặt với sự sống và cái chết trong đợt dịch chưa từng có trong lịch sử. "Khi đóng góp được phần phở để tri ân cho lực lượng tuyến đầu, tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Chúng tôi luôn cố gắng chuẩn bị thật tốt để nấu ra những phần phở thơm ngon, để khi các bác sĩ trở về vẫn cảm thấy sự quan tâm của nhân dân TP", ông Sơn nói.
Để chuẩn bị phục vụ cho "tiệc phở" hôm nay, ông Sơn đã chuẩn bị nguyên liệu và ninh nước dùng từ 4h sáng, nấu phở theo hai hương vị Bắc - Nam. Khi thấy các bác sĩ đến thưởng thức phở, ông Sơn đã ra từng bàn hỏi thăm để biết cảm nhận của người ăn tô phở mà ông đã nấu bằng cả tâm huyết của mình.
Hơn 40 năm trong nghề, ông cho biết đây là lần vào bếp mang lại cho ông nhiều cảm xúc nhất.
Những suất phở được chuẩn bị từ 4h sáng và nấu theo hai hương vị Bắc - Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những tô phở thơm ngon chuẩn bị phục vụ y bác sĩ, gồm 2 loại: phở bò và phở gà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong chuỗi sự kiện hướng đến Ngày của phở 12-12 báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức chương trình "5.000 tô phở yêu thương phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch".
Đồng hành cùng chương trình, đội ngũ đầu bếp giàu kinh nghiệm của khách sạn 5 sao Rex Sài Gòn - đại diện hệ thống khách sạn của Saigontourist Group sẽ chế biến, nấu 5.000 tô phở phục vụ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM đang lưu trú tại 24 khách sạn thuộc Saigontourist Group và tại một số bệnh viện của TP.HCM.
Chương trình được thiết kế thành hai đợt, đợt 1 từ ngày 13 - 15-10, phục vụ các y bác sĩ hiện đang lưu trú tại 24 khách sạn của Saigontourist Group, trước khi các đoàn trở về địa phương sau thời gian hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Đợt 2 dự kiến được tiếp tục trong tháng 11 nhằm phục vụ lực lượng y, bác sĩ tại một số bệnh viện tham gia công tác chống dịch COVID-19 tại thành phố.
Trong thời gian từ ngày 13 - 15-10, các y, bác sĩ hiện đang lưu trú tại 24 khách sạn của Saigontourist Group tại thành phố được ban tổ chức mời đến khách sạn Rex Sài Gòn. Thời gian phục vụ diễn ra suốt ba ngày (sáng, trưa, tối) tại hệ thống các nhà hàng của khách sạn.
Đối với những y, bác sĩ không thể trực tiếp đến khách sạn Rex thưởng thức phở, BTC sẽ phục vụ phở đến tận nơi khách đang lưu trú và phục vụ theo đúng khẩu vị phở của y, bác sĩ yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận