Dù đông khách nhưng hệ thống rạp BHD và Galaxy vẫn phải đối mặt với tỉ lệ ăn chia mà theo họ là không công bằng từ CGV - Ảnh tư liệu |
Thư khiếu nại được ký bởi BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media Sóng Vàng, Công ty VAA (đại diện là Ngô ThanhVân), MVP, Saigon Media, ER (Early Risers).
Chưa phải lớn trên thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng đạt đến 20 - 30% trong vài năm trở lại đây đang khiến cho VN trở thành thị trường điện ảnh được chú ý đặc biệt.
Nếu như tổng doanh thu phòng vé rạp Việt năm 2014 khoảng 83 triệu USD thì năm 2015 đã là 105 triệu USD, trong đó doanh thu phim Việt chiếm khoảng 35% so với phim nước ngoài.
Hệ thống rạp chiếu đứng đầu là CGV với 32 cụm rạp, tiếp đó là Lotte Cinema 25 cụm rạp, BHD 6 cụm rạp, Galaxy 6 cụm rạp, Platinum Cineplex (sở hữu của Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp...
CGV có thống lĩnh thị trường phim Việt?
Thư khiếu nại của tám doanh nghiệp điện ảnh gửi Hội Điện ảnh VN khẳng định với 40% trên tổng số rạp CGV đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đây là lý do không mới bởi vào tháng 3-2010, Megastar (tên cũ của CGV Cinema trước khi doanh nghiệp Hàn Quốc mua lại) đã phải đối mặt với đơn kiện từ phía các nhà phát hành nội địa để rồi Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương ra quyết định điều tra chính thức vào tháng 6-2010 với doanh nghiệp này.
Được biết sự vụ kéo dài đến tháng 4-2015 mới chấm dứt bằng quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, bên nguyên đơn là Galaxy rút đơn khiếu nại, CGV chịu chi phí giải quyết sự việc là 100 triệu đồng, tự nguyện hủy bỏ hành vi bị khiếu nại (như thuê phim kèm phim, áp đặt suất chiếu, chỉ định phòng chiếu...), thống nhất khắc phục hậu quả.
Nhưng hiện tại CGV lại đối mặt với một cáo buộc khác. Trong thư khiếu nại ngày 12-5 vừa qua nêu rõ: “Dựa vào tỉ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp mà CGV là phát hành phim lớn nhất tại VN hiện nay nên họ đã và đang áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình: phim VN do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn với các phim VN do các doanh nghiệp VN phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỉ lệ hạ dần theo tuần).
Các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác phải chịu sự áp đặt của CGV do số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỉ lệ này thì phim sẽ không được chiếu trên tổng số 40% số rạp, có nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu”.
Dù đông khách nhưng hệ thống rạp BHD và Galaxy vẫn phải đối mặt với tỷ lệ ăn chia mà theo họ là không công bằng từ CGV - Ảnh: tư liệu |
Cũng theo thư khiếu nại (ngày 12-5 vừa qua), sự chênh lệch này bất hợp lý và chưa từng xảy ra trên thế giới khi mà hệ thống rạp chiếu lại nhận được tỉ lệ ăn chia lớn hơn nhà sản xuất và phát hành phim.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp điện ảnh gửi thư khiếu nại cho rằng CGV đang áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau, điều này là bất bình đẳng trong cạnh tranh và có dấu hiệu vi phạm khoản 4 điều 11, mục 2, chương 2 Luật cạnh tranh.
Các doanh nghiệp điện ảnh khiếu nại cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn... nên bày tỏ lo ngại CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh VN.
Các doanh nghiệp mong muốn các ban, ngành Chính phủ có động thái điều chỉnh, hành động cụ thể phù hợp với luật pháp VN, thông lệ quốc tế nhằm hạn chế những hoạt động mang tính lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường dẫn đến việc độc quyền nhằm chèn ép các nhà sản xuất phim Việt của CGV như đã nêu ở trên.
----------
Đón xem kỳ 2: Không nên chèn ép phim Việt
Vụ việc khiếu nại của tám doanh nghiệp cho thấy một thực tế việc áp đặt tỉ lệ ăn chia giữa CGV và các đơn vị khác đang “có vấn đề”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận