Phim hình sự tâm lý Mặt nạ tình yêu của đạo diễn Phương Điền thực hiện cho Sóng Vàng đang trong giai đoạn ghi hình - Ảnh: ĐPCC |
“Hiện nay khán giả hứng thú hơn với chương trình giải trí. Phim Việt không được chú ý nhiều như trước, lượng quảng cáo không đổ nhiều vào phim nữa |
Bà Bảo Trâm (giám đốc Vietcom) |
Đài truyền hình TP.HCM vừa mới bắt tay với Công ty Sao Thế Giới “tái hoạt động” giờ phim Việt lúc 17g30 trên HTV9. Sự hợp tác này bắt đầu từ ngày 23-3.
Gọi là “tái hoạt động” bởi hơn sáu tháng nay, giờ phim này (phim do TFS sản xuất) chỉ phát toàn phim cũ: Trường nội trú, Ngọn cỏ gió đùa và hiện đang phát sóng Đồng quê... Điều oái oăm là hiện hãng phim này có đến 12 phim mới với tổng cộng 369 tập đang còn ở trong kho nhưng không thể đem ra phát sóng.
Khó... thu hồi vốn
Lý do đơn giản: không thể kiếm quảng cáo. Trước đây với nguồn tài chính còn mạnh, ban tổng giám đốc HTV giao nhiệm vụ cho TFS chỉ cần sản xuất phim có chất lượng, chi phí và nguồn thu lấy từ ngân sách của đài. Nhưng vài năm nay HTV gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu từ quảng cáo không còn dồi dào như trước.
Phim phát sóng mà không có quảng cáo coi như mất không cả trăm triệu đồng mỗi tập phim. Vậy là phim làm xong phải cất trong kho, chờ tìm ra đáp án của bài toán thu hồi vốn.
Không chỉ phim của TFS, nhiều giờ phim Việt khác cũng gặp khó khăn. Bà Trường Sơn - trưởng ban khai thác phim truyện HTV - thẳng thắn cho biết khá nhiều phim phát sóng trên HTV đều “thua” trong việc tìm kiếm quảng cáo.
“Số lượng người xem phụ thuộc nhiều lý do như thời điểm phát sóng, chất lượng phim... - bà Trường Sơn nói và nhấn mạnh - Đúng là phim Việt đang bị các chương trình giải trí cạnh tranh nên quảng cáo giảm đáng kể.
Có phim chúng tôi duyệt thấy hay, rating (chỉ số người xem) cũng cao nhưng quảng cáo đổ vào không nhiều...
Ngay cả phim hài giờ cũng không hấp dẫn như trước. Vì thế khi chọn đối tác hợp tác ngoài năng lực sản xuất, chúng tôi còn phải xem họ có khả năng tìm quảng cáo không”.
Nhà đài chuyển giao trách nhiệm cho nhà sản xuất, tuy nhiên “tìm quảng cáo đã khó, nhưng nhà đài ra quy định cam kết quảng cáo tăng đều đều mỗi năm. Có đài năm nay cam kết quảng cáo tăng đến 30%. Làm sao chúng tôi kham nổi đây!” - một nhà sản xuất chua chát than.
Ông Lê Quang Nguyên - giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long - cũng thừa nhận: “Phim phát sóng trên kênh THVL1 đang gặp khó khăn, không thu được nhiều quảng cáo bởi bị các chương trình game show, truyền hình thực tế cạnh tranh”.
Ngay cả hãng phim có nhiều kinh nghiệm M&T Pictures vốn thường xuyên có ít nhất hai, ba đoàn phim hoạt động cùng lúc thì hiện tại chỉ khởi quay duy nhất bộ phim Mai Anh Đào.
Sóng Vàng hiện cũng chỉ quay hai phim Mặt nạ tình yêu và Cung đường tội lỗi. Cả hai phim đều nằm trong kế hoạch sản xuất năm 2015, còn năm 2016 công ty chưa triển khai phim mới nào.
Phim Hương đồng nội có Hoài Linh tham gia đang thực hiện cảnh quay cuối - Ảnh: ĐPCC |
Ngọn nến trước cơn bão giải trí
Chất lượng phim trồi sụt, kịch bản yếu, khả năng thu hồi vốn khó khăn, nhiều nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư vào chương trình giải trí, phim chiếu rạp...
Bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng - cho biết: “Thường thì mỗi năm công ty chúng tôi sản xuất 500 - 700 tập phim. Nhưng kế hoạch năm 2016 rút ngắn, chỉ sản xuất khoảng 400 tập phim, tức giảm gần một nửa”.
Lý do, theo bà Liên: “Sản xuất phim truyền hình hiện giờ khó khăn quá, lỗ nhiều nên công ty đẩy mạnh sang sản xuất phim chiếu rạp và chương trình giải trí, không tập trung quá nhiều vào sản xuất phim truyền hình như trước”.
Cùng cách làm này là Hãng phim Vietcom. Hiện tại công ty này tập trung sản xuất khoảng năm chương trình giải trí đang phát sóng trên các kênh VTV9, THVL, VTV3...
Như ngọn nến trước cơn bão giải trí đủ loại, nhà sản xuất chọn đường cầm cự làm phim, còn nhà đài nhiều nơi không thiết tha đầu tư cho phim ảnh nữa.
“Mấy năm nay nguồn kinh phí đài trả “ổn định bền vững” chỉ khoảng 180 triệu đồng/tập trong khi giá cả thị trường tăng chóng mặt. Chúng tôi phải đau đầu tính toán kỹ sao cho đủ kinh phí để sản xuất” - đạo diễn Xuân Phước, giám đốc Hãng phim Xuân Phước, cho biết.
Cái khó đúng là đang bó cái khôn, nên giải pháp an toàn mà phần lớn hãng phim chọn là tìm đạo diễn có kinh nghiệm, chọn diễn viên quen thuộc để sao cho tốc độ sản xuất phim nhanh, đỡ tốn chi phí.
Kết quả là khán giả xem phim Việt cứ thấy phim na ná nhau từ câu chuyện, cách thực hiện và gương mặt diễn viên... Nhàm chán, sơ sài, phim Việt ngày càng thất thế trên truyền hình cũng là điều dễ hiểu.
Tìm lối ra
Bài toán của Hãng phim TFS được giải là Công ty Sao Thế Giới sẽ trả tiền chi phí sản xuất cho 12 phim và lo về marketing, khai thác thời lượng quảng cáo trên khung giờ này. Thời gian hợp tác giữa HTV và Sao Thế Giới ban đầu là hai năm, đủ cho việc phát sóng 12 phim.
Theo ông Lê Quang Trung - giám đốc Hãng TFS: “Việc hợp tác này sẽ giúp TFS giải quyết được đầu ra cho phim và có số tiền để tái sản xuất”. Đại diện Công ty Sao Thế Giới cho biết việc phát sóng các phim mới sẽ bắt đầu trong tháng 5.
Hãng phim M&T Pictures cũng đang lên kế hoạch thay đổi cách sản xuất giờ phim Việt lúc 13g hằng ngày trên HTV7. Thay vì làm phim 45 phút, M&T Pictures sẽ sản xuất phim sitcom (25 phút).
Cách làm này, theo bà Trúc Mai - giám đốc hãng phim: “Mục đích là chúng tôi muốn thay món ăn mới để khán giả thưởng thức”.
Còn ông Lê Quang Nguyên chia sẻ: “Hiện tại, dòng phim truyền hình tâm lý xã hội không còn mới mẻ, câu chuyện nhàn nhạt nên khiến khán giả ngán.
Loạt phim mới trên THVL1 sẽ được đầu tư khai thác đề tài lạ như phá án, cổ trang, kinh dị... để lôi kéo khán giả xem phim hơn”.
Phim VTV vẫn “sống tốt” Dù cũng bị ảnh hưởng bởi cơn lốc truyền hình thực tế nhưng tình hình phim truyền hình phát sóng trên VTV vẫn “phát triển bình thường, không khó khăn gì lắm” như ý kiến của bà Thu Huệ - phó ban thư ký biên tập VTV phụ trách phim truyện xã hội hóa. Hiện VTV hợp tác với các nhà sản xuất theo hai phương thức: đặt hàng sản xuất (VTV duyệt từ kịch bản, kiểm soát sản xuất và nghiệm thu sản phẩm) và mua sản phẩm cuối cùng. Bà Thu Huệ cho rằng: “Tùy mỗi nhà sản xuất mà chúng tôi hợp tác với nhiều cách. Nếu nhà sản xuất tự tin về sản phẩm của mình thì bán đứt cho chúng tôi. Còn không thì cùng hợp tác, chia sẻ doanh thu quảng cáo. Thường thì các nhà sản xuất hay chọn cách bán luôn cho VTV. Chúng tôi không ràng buộc về chỉ số rating hay quảng cáo”. Trái ngược với Hãng phim TFS phía Nam, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC với sự hậu thuẫn của VTV hiện đang phát triển khá mạnh. VFC hiện tại đảm nhận một nửa số lượng phim phát sóng trên VTV mỗi năm. Năm 2016, VFC đẩy mạnh các dự án phim truyện hợp tác nước ngoài và tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ máy móc hiện đại trong sản xuất phim để nâng cao chất lượng hơn nữa. |
*Gần đây bạn có xem phim truyền hình Việt Nam trên tivi không? Xin hãy để lại ý kiến trong phần Bình luận bên dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận