![]() |
Phim Vợ của chồng tôi của Hãng phim Sena sẽ ra mắt trên kênh HTV9 lúc 22g - Ảnh: Sena |
Theo đó, dòng phim trong giờ này chủ yếu tập trung thể loại tình cảm, tâm lý xã hội, hài hước, chú trọng nhiều đến khán giả TP.HCM với lứa tuổi từ 20-50. Kịch bản sẽ tập trung khai thác từ bản thảo của các tác giả VN hiện đại hoặc chuyển thể từ những tiểu thuyết đã phát hành và có lượng người đọc cao... Ðặc biệt thay vì hợp tác với nhiều hãng phim, HTV đã quyết định sàng lọc và chỉ chọn ba nhà sản xuất là các công ty Sóng Vàng, Sena, Vietcom để sản xuất phim giờ này trong năm đầu tiên.
Trong cuộc họp báo vừa diễn ra ngày 17-4, bà Trường Sơn - trưởng ban khai thác phim truyền hình của Ðài truyền hình TP.HCM - lý giải cho sự lựa chọn này: "Chúng tôi đã quyết định chọn ba công ty này theo tiêu chí có quá trình làm phim tốt, chất lượng đồng đều và có doanh thu. Ba công ty được chọn có trách nhiệm cùng chung chí hướng là nỗ lực sản xuất phim chất lượng, làm tốt công tác quảng bá để đưa phim đến với khán giả, tạo ra doanh thu cho mình và cho đài... Ðiều quan trọng nhất trước mắt là cố gắng đưa ra những bộ phim chất lượng đồng đều để khán giả thụ hưởng".
Khung giờ phim Việt 22g trên HTV9 đã có từ lâu và từng có lượng khán giả không đến nỗi nào. Tuy nhiên trong tình hình kinh tế khó khăn, trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các kênh, giờ phim này đang đối diện với một thực tế không mấy khả quan: có phim chỉ số khán giả (rating) đạt trên 3.0, nhưng có phim xuống tới dưới 1.0. Nguyên nhân sự trồi sụt trên một phần bởi phim phát sóng khá muộn, không mấy tiện lợi với đa số khán giả. Mặt khác, không thể phủ nhận chất lượng phim phần lớn là kém: nội dung na ná nhau, tình huống hời hợt, diễn viên diễn xuất nhạt...
Mang tâm trạng lạc quan của một nhà sản xuất trẻ nhất so với hai nhà sản xuất còn lại, bà Bảo Trâm - giám đốc Hãng phim Vietcom - chia sẻ: "Hợp tác với HTV sản xuất phim giờ này giúp hãng chúng tôi có được sự ổn định. Chúng tôi có niềm tin: giờ phim nào cũng có thể thành giờ vàng nếu phim hay".
Hài hước cho rằng mình đang chuẩn bị đào... mỏ vàng, nhưng bà Bích Thủy - giám đốc Hãng phim Sena - bày tỏ sự trăn trở: "Ban đầu chúng tôi cảm thấy vui và hăm hở vì mình được nhà đài tin tưởng. Nhưng khi thấy những điều khoản hợp đồng từ phía nhà đài đưa ra, tôi choáng. Theo hợp đồng, chúng tôi chỉ được cấp khoản tiền khá khiêm tốn để sản xuất, sau đó mới ăn chia với nhà đài bằng quảng cáo thu được. Vì thế nếu phim không hay, không có những yếu tố thu hút khán giả, không thu được quảng cáo thì chúng tôi bị "vỡ mặt" như chơi."
Ðứng từ phía khán giả, chắc chẳng ai quan tâm đến việc HTV lựa chọn đối tác nào, hợp tác ra sao. Ðiều họ mong muốn là được thưởng thức những bộ phim hấp dẫn - vốn còn quá thiếu trong thời gian qua. Mặt khác, nhìn lại quãng thời gian tám năm kể từ giờ vàng phim Việt ra đời, các nhà đài đã có khá nhiều động thái để cải tổ, vực dậy phim truyền hình như: hợp tác độc quyền, cấp quota, đấu thầu nhà sản xuất... nhưng phim Việt có nhờ thế mà hấp dẫn hơn lên thì câu trả lời không mấy sáng sủa.
Vì thế với cuộc "cải tổ" mới nhất này, liệu phim truyền hình có thật sự chuyển biến? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Còn phía nhà đài, bà Trường Sơn chỉ có thể cam kết với lời hứa: "Nếu sự hợp tác này không đạt hiệu quả như mong muốn, giờ phim Việt vẫn không thu hút người xem thì chúng tôi sẽ tìm phương án khác".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận