Phóng to |
Ông Heinz Hermanns trao đổi với sinh viên Trường đại học Hoa Sen - Ảnh: Cát Khuê |
Ngoài buổi chiếu phim ở Cà Phê Thứ Bảy (TP.HCM), buổi chiếu phim giao lưu ở Viện Goethe Hà Nội, buổi giao lưu của ông Heinz Hermanns tại Trường đại học Hoa Sen (TP.HCM) sáng 24-2 với chủ đề Nghệ thuật phim ngắn đã thu hút rất đông các bạn trẻ, các nhà làm phim trẻ và báo giới tham dự. Sau những phút làm quen thông lệ, Heinz Hermanns đã chia sẻ thông tin về cách thức tổ chức các liên hoan phim ngắn mà ông vừa điều hành, sáng lập vừa làm chủ tịch đương nhiệm (điều hành Liên hoan phim ngắn quốc tế và phân phối ở Berlin - Interfilm, đồng lãnh đạo Liên hoan phim ngắn Pollicino tại Catania, Ý/Sicily, đồng sáng lập Liên hoan phim siêu ngắn Going Underground, đồng thành lập và là giám tuyển của Liên hoan phim thơ ngắn Zebra).
Heinz Hermanns quan niệm: nếu như thơ là một thể loại nén lại của văn chương thì với ông, phim ngắn cũng là một thể loại nén lại của điện ảnh.
Những con số ông Heinz Hermanns đưa ra cũng rất ấn tượng từ các hoạt động ông đã tổ chức như hoạt động tạo các nhóm làm phim khoảng 30 em ở các trường học, giúp đỡ các em để sau 10 tháng sẽ có những phim ngắn do chính các em viết kịch bản. Hoạt động thường xuyên này đã giúp các em làm quen, hiểu biết về phim ảnh từ khi còn nhỏ (ở VN, hoạt động tương tự đã được Trung tâm Hỗ trợ tài năng phát triển điện ảnh trẻ TPD tổ chức dưới tên gọi: Chúng ta làm phim).
Những ý tưởng mới mẻ cũng luôn được tạo ra trong khuôn khổ hoạt động của ban tổ chức liên hoan phim như việc đem các phim không có âm thanh đến với các nhạc sĩ để họ sáng tác nhạc theo tưởng tượng của họ về bộ phim, hoạt động này thu hút đến 600 người tham gia. Hoặc như một con số gây choáng: đã có cả trăm triệu lượt khán giả xem phim ở Liên hoan phim Going Underground (liên hoan phim ngắn dưới 90 giây với một câu chuyện không tiếng động, giải thưởng chỉ từ 1.000-3.000 euro) được tổ chức ở các ga tàu, các tàu điện ngầm tại Berlin hay sau này là Seoul, Hàn Quốc. Ðã đi qua bốn nước châu Á trước khi dừng chân lần đầu tiên ở VN, ông Heinz Hermanns bày tỏ sự ngạc nhiên về việc dường như ở châu Á, ngay cả tại một nước có nền điện ảnh đáng ghi nhận trên thế giới như Trung Quốc, phim ngắn chưa phát triển hoặc phát triển tự phát, chưa thành phong trào...
Tìm tài năng từ phim ngắn * Theo ông, phim ngắn đem lại cơ hội gì cho một người làm phim? - Làm phim ngắn có thể coi như bước đầu tiên để làm phim dài, nhưng cũng không nên coi đó là bước đầu tiên duy nhất. Tuy nhiên, làm phim ngắn có một lợi thế về kinh phí khi ta có thể làm phim với một số tiền ít ỏi hoặc có thể làm về những ý tưởng điên rồ, đầy sáng tạo. Không chỉ có những nhà làm phim trẻ mới làm phim ngắn, nhiều nhà làm phim thành danh, các nhà làm phim truyền hình đã có nhiều tác phẩm lớn vẫn quay lại làm phim ngắn bởi họ nhận ra với phim ngắn, họ có nhiều cơ hội, nhiều tự do hơn trong sáng tạo với nhiều ý tưởng hay hơn... * Đất nước chúng tôi đã có hơn nửa thế kỷ phát triển điện ảnh nhưng khoảng ba năm gần đây phong trào phim ngắn phát triển thật sự mạnh mẽ, có đến vài trăm phim ngắn được làm mỗi năm. Hiện trạng này nói lên điều gì, theo ông? - Phong trào phim ngắn phát triển sẽ tốt cho bất kỳ nước nào, bất kỳ nền điện ảnh nào. Bởi vì thông qua phong trào phim ngắn đó, sẽ có nhiều người làm phim hơn thay vì một số ít các nhà làm phim với những phim dài đắt tiền. Thông qua số đông các nhà làm phim ngắn đó, người ta có thể tìm thấy những tài năng mới trong rất nhiều lĩnh vực về phim ảnh, truyền hình và thậm chí cả quảng cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận