27/10/2013 04:50 GMT+7

Phim hoạt hình Việt: le lói lạc quan

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Lần đầu tiên một đài truyền hình dành thời lượng khá “dài hơi” để phát sóng phim hoạt hình Việt. Đó là kênh PT-TH Vĩnh Long 1, với bộ phim hoạt hình mới Chuyện của Đốm, được phát sóng một tuần đến ba lần: 20g thứ hai, ba, tư, bắt đầu từ ngày 28-10.

Phim hoạt hình Việt: làm chẳng ít nhưng chiếu chẳng bao nhiêu ...Dòng chảy “ngầm” của hoạt hình ViệtPhim Hoạt hình Việt Nam: Ánh sáng cuối đường hầm?

kDsfCnXA.jpgPhóng to
Phim hoạt hình Cùng là dũng sĩ

Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, bộ phim hoạt hình 3D Cùng là dũng sĩ cũng vừa được lên sóng VTV3 lúc 12g55 thứ bảy hằng tuần. Xếp vào hàng phim có tuổi thọ phát sóng lâu nhất phải kể đến bộ phim Xin chào bút chì. Gần một năm rưỡi qua, với một tuần hai tập phim (17g20 thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trên HTV7) đã có hơn 120 tập phim đến với khán giả.

Sự sống từ sức trẻ

Chuyện của Đốm là câu chuyện của bé bò tên Đốm khá ngộ nghĩnh và đáng yêu. Mỗi tập phim dài 3-4 phút sẽ đưa khán giả trẻ vào cuộc phiêu lưu của Đốm với những câu chuyện mang tính giáo dục nhẹ nhàng diễn ra trong nhà, ngoài đường, trường học... khá đơn giản và dễ nhớ như chuyện Đốm mũi dài, Đốm không chịu đi học, Đốm muốn sống ở cung trăng, Đốm muốn làm siêu nhân... Dự kiến trong năm đầu tiên sẽ có 156 tập phim được sản xuất và lên sóng. Nếu công việc thuận lợi, nhà sản xuất hi vọng Chuyện của Đốm sẽ tăng thời lượng phát sóng liên tục các ngày trong tuần.

Mới chỉ trình làng ba tập, nhưng có thể thấy ngoại trừ việc lồng ghép một sản phẩm sữa vào phim hơi nhiều (vì bộ phim được hãng sữa tài trợ sản xuất) nhưng Cùng là dũng sĩ là một bộ phim có chất lượng hình ảnh tốt, tươi tắn, tiết tấu câu chuyện nhanh, gần gũi với trẻ nhỏ. Xin chào bút chì vừa đoạt giải thiết kế âm thanh xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2013. Điều đáng khích lệ đây là bộ phim hoạt hình duy nhất đang phát sóng trên truyền hình do tư nhân sản xuất (Công ty Điền Quân) có được một giải thưởng tại liên hoan phim mang tính chất quốc gia.

Dù mỗi bộ phim là một câu chuyện, nhưng có thể thấy điểm chung của các bộ phim này là êkip sản xuất còn ở trong độ tuổi khá trẻ. Sản xuất Cùng là dũng sĩ là Công ty Colory Animation Studio - công ty từng sản xuất bộ phim hoạt hình Dưới bóng cây (đoạt ba giải Yxineff 2011) từng nổi đình nổi đám khi được đưa lên mạng xã hội YouTube. Giám đốc công ty là Anh Tuấn, 26 tuổi. Đội ngũ sản xuất Xin chào bút chì gồm 30 người, phần lớn là những chàng trai cô gái 9X. Trong đó Thanh Thanh - đạo diễn đồng thời điều hành sản xuất - mới chỉ 23 tuổi. Đội ngũ sản xuất Chuyện của Đốm thật sự không còn trẻ lắm (nhỏ tuổi nhất sinh năm 1978 và lớn nhất sinh năm 1958) nhưng tình yêu phim hoạt hình thì “đâu ai tính trên số tuổi ít hay nhiều”, như lời họa sĩ Bop - đạo diễn phim.

YB3syiV9.jpgPhóng to
Phim Chuyện của Đốm

Tiếp sức đường dài

Sau nhiều năm “ngủ yên” trong quên lãng thì những sự kiện trên quả là tín hiệu vui nho nhỏ cho phim hoạt hình Việt. Tuy nhiên đây chỉ mới là sự khởi đầu. Con đường trước mắt của phim hoạt hình Việt vẫn còn rất chông chênh bởi nếu so với phim nước ngoài thì thời lượng phát sóng phim hoạt hình Việt vẫn chỉ như muối đổ biển. “Tạo sự thu hút cho khán giả nhí không khó lắm. Con nít rất đơn giản, chỉ cần câu chuyện xảy ra xung quanh cuộc sống các bé là các bé sẽ chú ý ngay.

Dĩ nhiên câu chuyện ấy phải được truyền tải bằng hình ảnh dễ thương, gần gũi. Nguồn kịch bản không phải quá khó viết. Theo tôi, vấn đề chính là cần phải tăng cường nhiều hơn nữa thời lượng phát sóng phim hoạt hình Việt để các em có điều kiện được xem phim hoạt hình Việt nhiều hơn” - họa sĩ Bop cho biết. Còn theo Thanh Thanh: “Chúng tôi cũng đang xin phép để trong năm 2014 tăng thêm giờ phát sóng hoạt hình trên HTV hơn nữa. Sản xuất phim không có lời, chúng tôi đang tìm một hướng đi dài hơi cho riêng mình. Đó là việc khai thác kinh doanh những sản phẩm liên quan đến phim. Cụ thể như xây dựng showroom cà phê, sân chơi mang thương hiệu Xin chào bút chì, in hình ảnh nhân vật phim vào sản phẩm lưu niệm...”.

wiDks6m6.jpgPhóng to
Phim Xin chào bút chì

Ông Minh Dofilm - người luôn ấp ủ việc sản xuất một bộ phim hoạt hình Việt đúng nghĩa - bày tỏ: “Suy nghĩ của người Việt về phim hoạt hình còn khá khắt khe vì chúng ta hay đem phim Việt so sánh với những bộ phim hoạt hình nổi tiếng mà chúng ta tiếp xúc thường xuyên trên màn ảnh lớn và nhỏ... Theo tôi, cho dù một phim hoạt hình Việt dở hay tốt, được lên sóng truyền hình là quá mừng. Bởi khi phim lên sóng mới tạo được dư luận và như vậy phim hoạt hình có cơ hội để phát triển”. Nhìn xa hơn một chút, ông Minh nhấn mạnh: “Nhà nước từng quy định phải phát sóng 30% phim Việt trên các kênh khiến phim truyền hình có điều kiện phát triển. Đối với phim hoạt hình Việt cũng nên áp dụng một quy định cụ thể một đài truyền hình phải phát sóng bao nhiêu phút. Tôi tin nếu Nhà nước ban hành quy định cụ thể thì phim hoạt hình sẽ có khả năng phát triển đường dài”.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên