28/04/2022 12:34 GMT+7

Phim Bình minh đỏ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Một cách học sử qua nghệ thuật

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ra mắt khán giả dịp 30-4, Bình minh đỏ - bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng - xuất hiện đúng lúc như một ví dụ về một cách giáo dục lịch sử khác, bằng nghệ thuật.

Phim Bình minh đỏ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Một cách học sử qua nghệ thuật - Ảnh 1.

Từ trái qua: Thương (Hà Phương Anh), Châu (Quỳnh Anh) và Sa (Bảo Hân) trong phim Bình minh đỏ - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, sau thất bại của bộ phim Nhà nước đặt hàng 21 tỉ không bán nổi một vé, vẫn điềm tĩnh trở lại với công chúng bằng bộ phim đặt hàng khác cũng về đề tài chiến tranh cách mạng.

Dù có thể lần này phim lại đìu hiu khán giả, nhưng trong buổi ra mắt phim vào tối 23-4 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Bình minh đỏ đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả, và giới chuyên môn cũng lên tiếng cảm ơn một bộ phim lịch sử không lên gân mà lặng lẽ thấm sâu vào người xem.

Trước đó, bộ phim do Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất đã giành giải thưởng ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế.

Phim Bình minh đỏ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Một cách học sử qua nghệ thuật - Ảnh 2.

Diễn viên Quỳnh Anh trong vai Châu phim Bình minh đỏ - Ảnh: ĐPCC

Gương mặt chiến tranh từ những điều nhỏ bé chân thật

Bình minh đỏ được hai đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành dựng từ kịch bản của Nguyễn Thị Minh Nguyệt, một kịch bản lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn.

Chuyện phim xoay quanh bốn nhân vật - Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh). Họ là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương.

Trailer phim" Bình Minh Đỏ"

Mỗi cô gái tuổi đôi mươi ấy đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng nhưng đều chung quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng.

Phim không có một cốt truyện ly kỳ đẩy cảm xúc của người xem lên cao trào, chỉ thong dong kể những câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt nơi chiến trường của ba cô gái lái xe tải, phối trộn hài hòa, cân bằng giữa những khoảnh khắc khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh với những quãng ngơi nghỉ, những niềm vui đời thường, nữ tính của các cô gái.

Phim cũng không có một đoạn rao giảng lý tưởng nào, những lời thoại rất đời thường khiến những người lính anh hùng trở nên rất gần gũi. Chiến tranh khốc liệt quá, chiến tranh không chỉ toàn người hùng, luôn có những khoảnh khắc anh dũng và sợ hãi. Đó là cái nhìn chân thật và cảm động về chiến tranh mà đạo diễn muốn gửi tới người xem và lay động trái tim họ.

Kết phim cũng chẳng có bài ca chiến thắng nào. Châu sau phút giây lặng lẽ ngồi bên bìa rừng thanh bình lại lên đường theo tiếng gọi của tiền tuyến. Hòa bình vẫn còn ở đâu đó và đường tới hòa bình hẳn còn trải nhiều xương máu. Gương mặt của chiến tranh là thế.

Phim Bình minh đỏ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Một cách học sử qua nghệ thuật - Ảnh 4.

Từ phải qua trái: Sa (Bảo Hân), Châu (Quỳnh Anh) và Thương (Hà Phương Anh) - Ảnh: ĐPCC

Một đất nước rất cần những bộ phim lịch sử

Vào vai nữ chính Châu là Quỳnh Anh - cô gái Sài Gòn sinh năm 1999 được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tìm thấy vào phút cuối cùng. Là một người trẻ sinh ra trong thời bình, lần đầu vào vai chính, diễn viên Quỳnh Anh cho biết cả hai lần đọc kịch bản phim cô đều khóc.

Cô đã tìm xem các bộ phim lịch sử trong và ngoài nước, các bộ phim tài liệu về chiến tranh, bất cứ bộ phim nào đạo diễn Thanh Vân yêu cầu cô đều xem để có thể nhập vai nữ lái xe Trường Sơn.

Dự ra mắt phim Bình minh đỏ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, đồng thời cũng là một người viết kịch bản phim truyền hình và một người lính tham gia chiến tranh 1975, cho biết ông rất cảm động khi được gặp lại tuổi trẻ của mình ở bộ phim này.

Phim Bình minh đỏ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Một cách học sử qua nghệ thuật - Ảnh 5.

Phim cân bằng được giữa cái khốc liệt của chiến tranh và những khoảnh khắc đời thường, giàu tính nữ - Ảnh: ĐPCC

Thuở ấy, ông Tiến cũng tầm tuổi đôi mươi như các cô gái trong phim, vô cùng trong trẻo, lao vào cuộc chiến hào hùng của dân tộc.

Ông đánh giá cao đạo diễn đã kể rất chân thực và bình dị về cuộc chiến đẫm máu nhưng không bi thảm. Theo ông, phim rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ và thời gian càng lùi xa thì phim sẽ càng giá trị như một cứ liệu lịch sử sống động thông qua nghệ thuật.

"Một đất nước rất cần có những bộ phim lịch sử. Sau này, các thế hệ trẻ sẽ học sử bằng nghệ thuật là chính chứ không phải thông tin dữ kiện trong những cuốn sách lịch sử khô khan" - ông Tiến nói.

4 cô gái lái xe Trường Sơn Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh) trong phim Bình minh đỏ - Ảnh: ĐPCC

4 cô gái lái xe Trường Sơn Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh) trong phim Bình minh đỏ - Ảnh: ĐPCC

Việc lựa chọn được những bối cảnh rừng nguyên sinh, những nếp nhà nông thôn cổ trong một bộ phim lịch sử và diễn xuất của diễn viên cũng là điểm cộng của phim.

Các diễn viên trong phim đều rất trẻ, không ai từng "nếm mùi" chiến tranh nhưng đều nhập vai rất nhuần nhuyễn, chân thành.

Các cô gái thậm chí đã tự học lái xe tải trên những cung đường rừng nguy hiểm. Bốn nữ chính, ngoài Bảo Hân (vai Sa) đã khá nổi tiếng qua bộ phim truyền hình Về nhà đi con thì ba diễn viên còn lại và các nam diễn viên đều là những gương mặt khá mới mẻ.

Học lịch sử qua trò chơi “Thủy chiến Bạch Đằng” Học lịch sử qua trò chơi “Thủy chiến Bạch Đằng”

TTO - Bạn Nguyễn Thành Nam - cựu sinh viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - đã thiết kế bộ trò chơi “Thủy chiến Bạch Đằng” để giúp học sinh học lịch sử.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên