14/12/2011 07:03 GMT+7

Phiền toái từ thẻ ATM - Kỳ 2: Rủi ro rình rập người rút tiền

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN

TT - Không chỉ dài cổ ngóng lương, “giam” lương, chủ thẻ còn phải đối phó với hàng loạt rủi ro như bị trấn lột, mất xe, mà mới nhất là nạn đánh cắp dữ liệu thẻ.

Mỏi mắt chờ tiền từ ATM

BTnwvMXa.jpgPhóng to
Máy ATM của Ngân hàng HSBC (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) bị hư bóng đèn nên nhiều công nhân phải sử dụng điện thoại di động để lấy ánh sáng khi rút tiền (ảnh chụp lúc 18g30 ngày 9-12) - Ảnh: A.H.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các “điểm đen” ATM, những nơi từng xảy ra tình trạng cướp trấn lột người rút tiền cho thấy việc đảm bảo an ninh cho người rút tiền vẫn chưa được cải thiện.

Rút tiền lo cướp

Tối 9-12, trở lại điểm rút tiền qua máy ATM nằm ở khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) - nơi từng xảy một vụ cướp cách đây không lâu, nhiều người rút tiền vẫn có cảm giác sợ do nơi đây khá vắng, máy đặt bên lề đường, người rút tiền phải để xe máy trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường.

Anh Nguyễn Nam Quốc cho biết thường rút tiền tại đây do gần nhà. Từ khi xảy ra vụ cướp anh phải đi hai người, một người đứng trông xe, một người vào rút tiền. Rút được là ra xe đi luôn chứ loay hoay mở khóa xe, nổ máy sợ cướp” - anh Quốc nói.

Theo anh Quốc, nếu đi một người, đứng quay lưng ra đường sẽ không quan sát được xe, đặc biệt trong trường hợp rút tiền vào buổi tối, đường vắng, khả năng bị “nhốt” trong buồng ATM để trộm xe rất cao.

"Nhiều trường hợp tranh thủ buổi tối rút tiền đã bị các đối tượng nghiện ngập gí kim chích vào người để trấn lột. Có trường hợp sinh viên rút tiền đã bị đâm trọng thương"

Chị Trần Thu Ngọc (công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần)

Chị Thanh Loan, người rút tiền tại điểm ATM trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3, cho biết nhiều hôm khoảng 10g-11g đêm, cần tiền gấp nhưng không dám rút vì máy ATM đặt bên lề đường. Hơn nữa, đây là khu vực công sở nên ban đêm rất vắng. Vị trí của trụ ATM này cũng khá tối do đường nhiều cây nên che mất ánh đèn.

“Đi rút tiền vào buổi tối chỉ dám rút 300.000-500.000 đồng. Rút nhiều sợ bị cướp” - chị Loan nói.

Ghi nhận tại các trụ ATM đặt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cho thấy chỉ một số điểm an toàn cho người rút tiền vì được đặt trong khuôn viên ngân hàng (NH), có bảo vệ. Số khác được đặt ở những vị trí vắng vẻ, khu vực phức tạp. Chị L.T.T.H., công nhân Công ty Hansoll Vina, cho biết cách đây một năm chị đã bị cướp xe máy ngay giữa ban ngày. Do khu vực này khá vắng nên tri hô cũng không ai nghe thấy.

Theo phản ảnh của nhiều công nhân, vào giờ tan tầm lượng người rút tiền rất đông nên thường chen chúc nhau. Một người đứng rút tiền trong buồng máy thì có 5-6 người khác vây xung quanh nên rất khó quan sát. Kẻ gian có thể lợi dụng lúc lộn xộn này để lấy trộm xe.

Thẻ tự nhiên bị khóa

Nhiều độc giả phản ảnh giữa tháng 11 đột nhiên được NH thông báo thẻ tạm thời bị khóa vì nghi ngờ dữ liệu đã bị đánh cắp khi rút tiền tại máy ATM. Sau khi khóa, NH sẽ làm lại thẻ mới cho khách hàng để bảo mật. Tình trạng NH buộc phải khóa thẻ khẩn cấp như trên không chỉ diễn ra tại một NH do hiện nay hệ thống ATM của các NH đã kết nối liên thông, do vậy chỉ cần một máy ATM có gắn thiết bị đánh cắp dữ liệu, hàng loạt chủ thẻ của nhiều NH khác nhau có nguy cơ bị trộm tiền.

Ngày 5-12 cơ quan chức năng đã bắt được một người nước ngoài lắp thiết bị ghi lén dữ liệu thẻ vào máy ATM của NH Công thương tại số 1 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM khi các đối tượng này quay trở lại để lấy dữ liệu.

Trước đó, qua theo dõi camera, bộ phận thẻ NH Vietinbank TP.HCM phát hiện có hai khách hàng vào buồng ATM trên với nhiều biểu hiện khả nghi. Một người giả vờ thực hiện thao tác rút tiền, người còn lại lấy trong túi ra một thiết bị hình chữ nhật gắn chồng lên khe đọc thẻ của ATM. Một camera được ngụy trang dưới dạng thanh kim loại đục các lỗ tròn nhỏ lắp ở cạnh nhô ra phía trên màn hình để chiếu thẳng xuống bàn phím, ghi lại mật mã thẻ.

Nhìn bằng mắt thường, thiết bị này giống như một khe đọc thẻ thông thường của máy ATM, chủ thẻ vẫn có thể đưa thẻ vào máy và thao tác nhưng giao dịch thường không thành công. Khi thẻ đi qua thiết bị này, dữ liệu thẻ sẽ bị thiết bị này sao chép lại và họ sẽ sử dụng các dữ liệu này để chế tạo các thẻ giả, sau đó dùng mật mã ghi lén được để rút trộm tiền.

Theo trưởng phòng dịch vụ thẻ một NH lớn, kẻ gian thường cài thiết bị trên ở những máy ATM dạng xuyên tường - là dạng máy các NH lắp ở những nơi công cộng- do ở những máy này cạnh kim loại phía trên màn hình nhô ra nên rất dễ gắn camera ghi lén mật khẩu.

Ngoài ra, bọn tội phạm cũng nhắm vào những máy ATM ở trung tâm thành phố do có đông khách hàng giao dịch, thời gian hoạt động mạnh nhất của bọn tội phạm là từ 17 - 20 giờ vì thời điểm này NH đã nghỉ giao dịch và lượng khách rút tiền khá đông. Sau khi lắp thiết bị, kẻ gian sẽ đứng gần đó để quan sát. Khi thấy đủ “sở hụi”, chúng sẽ quay lại máy ATM để tháo thiết bị cài đặt, đồng thời sử dụng những thông tin đánh cắp được để tạo ra một thẻ ATM giả và rút trộm tiền.

Tăng cường cảnh giác

Trước tình trạng này, nhiều NH đã tăng cường nhiều biện pháp phòng tránh, đồng thời dán thông báo lưu ý đến khách hàng. Theo giám đốc một trung tâm thẻ, khi giao dịch tại các máy ATM, khách hàng cần quan sát kỹ cột máy ATM có gì khác thường so với trước đây hay không, đặc biệt là ở khe đọc thẻ và phía trước bàn phím. Trường hợp thấy những bất thường cần ngưng giao dịch và báo ngay về trung tâm thẻ để khóa thẻ.

Với các máy ATM không có bộ phận che bàn phím thì khi nhập mật khẩu, chủ thẻ nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu. Vì dù lấy được thông tin thẻ nhưng không lấy được mật khẩu cũng không thể ăn cắp tiền trong tài khoản. Chủ thẻ cũng nên sử dụng dịch vụ thông báo thay đổi số dư.

NH Công thương triển khai ứng dụng tạo rung trong quá trình nạp và trả thẻ tại đầu đọc thẻ ATM, đồng thời dán thông báo tại tất cả máy ATM để khách hàng lưu ý. Nếu đưa thẻ vào mà máy không rung, khách hàng nên kiểm tra lại xem có thiết bị lạ gắn vào máy ATM hay không và thông báo nhanh đến NH. NH ACB còn lắp thiết bị phòng chống đột nhập từ bên ngoài tại các phòng máy ATM, khách hàng phải quẹt thẻ để mở cửa khi bước vào buồng ATM và cửa sẽ đóng lại khi khách hàng đang giao dịch...

Theo đại tá Phan Anh Minh, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, ngoài việc gắn thiết bị lạ lên máy, một số vụ việc khác lực lượng công an cũng phát hiện được máy quay phim, máy ghi âm tại một số trụ máy ATM.

Cho tới thời điểm hiện nay, hầu hết thẻ ATM, thẻ tín dụng các loại đã thu giữ được đều được xác định là sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam sử dụng.

Tuy nhiên, với những biểu hiện về việc nhiều đối tượng người nước ngoài liên tục lắp đặt các thiết bị nhằm mục đích ăn cắp thông tin, mã số bí mật của chủ thẻ thì không loại trừ các băng nhóm tội phạm quốc tế đã đặt chân rết tại Việt Nam, móc nối với các tổ chức tội phạm người Việt gốc nước ngoài để sản xuất các loại thẻ giả nhằm chiếm đoạt tài sản.

Kỳ cuối: Quyền lợi chủ thẻ ở đâu?

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên