Phóng to |
Một bệ phóng Buk bị chụp ảnh lén khi di chuyển gần biên giới Ukraine - Nga hôm 19-7 - Ảnh: Daily Mail |
Hé lộ hệ thống tên lửa Buk nghi bắn rơi MH17 Điều tra quốc tế vụ máy bay MH17 bị bắn rơi Tên lửa xịn mới bắn được máy bay trên cao
Đầu tháng 6, một nhóm phiến quân ly khai thân Nga xuất hiện ở một cánh rừng gần thị trấn Krazny Liman tại miền đông Ukraine.
Thủ lĩnh của họ là một người đàn ông râu rậm, ngoài 50 tuổi. Ông ta thừa nhận với phóng viên CNN rằng mình không phải người địa phương.
Ông ta khoe vũ khí đáng tự hào nhất là một chiếc xe tải bệ phóng tên lửa do Nga sản xuất và cho biết họ lấy được vũ khí này từ một căn cứ quân sự Ukraine.
Cách đó vài kilômet, ở thị trấn Kramatorsk, phe ly khai khoe hai xe tăng họ nói lấy được từ căn cứ Ukraine. Đó chỉ là hai ví dụ cho thấy quân ly khai đã sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại bao gồm xe tăng, bệ phóng rốckét và tên lửa phòng không.
Một ngày sau khi phóng viên CNN gặp nhóm phiến quân ở Krazny Lima, quân ly khai bắn rơi một chiếc máy bay vận tải Antonov AN-26 của quân đội Ukraine ở khu vực gần Sloviansk.
Một số máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24 cũng bị bắn rơi. Sau đó một máy bay vận tải Ilyushin IL-76 bị bắn hạ ở Luhansk làm 49 binh sĩ Ukraine thiệt mạng.
Phần lớn máy bay này bay ở độ cao thấp, bị tên lửa vác vai SA-7 và súng chống máy bay bắn rơi. SA-7 là hàng do Liên Xô cũ sản xuất, có thể bắn rơi máy bay ở độ cao 2.500m.
Nhưng SA-7 chỉ là "đồ chơi" nếu so với hệ thống tên lửa phòng không SA-11 hay còn gọi là Buk, “nghi phạm” bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines.
Đánh cắp một chiếc Buk?
Liệu phiến quân ly khai có thể lấy được một hệ thống Buk từ căn cứ quân sự Ukraine và vận hành? Không có nhiều bằng chứng chứng minh điều đó và nhiều khí tài Ukraine đã bị xuống cấp hoặc hỏng. Nhưng ngày 29-6 quân ly khai tấn công cơ sở tên lửa A-1402 của quân đội Ukraine gần Donetsk.
Cùng ngày, trang web thông tin Nga Vosti đăng tải bài viết với tựa đề “Bầu trời Donetsk sẽ được bảo vệ bằng tên lửa đất đối không Buk”.
Bài viết này khẳng định đội tên lửa của quân ly khai được trang bị hệ thống Buk di động. Chuyên gia vũ khí Peter Felstead của Hãng Janes IHS cho biết trong số các tay súng ly khai có nhiều cựu binh từng phục vụ quân đội Nga, do đó một số có thể quen thuộc với hệ thống Buk.
Tuy nhiên quân ly khai cần sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga nếu muốn vận hành tên lửa Buk.
“Hệ thống này cần bốn người hiểu biết rõ họ phải làm gì để vận hành Buk hiệu quả. Quân ly khai cần sự hỗ trợ của Nga” - ông Felstead nhận định.
Tình báo Mỹ hiện xác định quân đội Nga đã cung cấp hệ thống tên lửa Buk cho quân ly khai Ukraine. Nga bác bỏ cáo buộc này trong khi thủ lĩnh ly khai Donetsk Alexander Borodai tuyên bố lực lượng của ông ta không có vũ khí đủ sức bắn máy bay bay cao.
Hôm 16-7, một chiếc chiến đấu cơ SU-25 của quân đội Ukraine bị bắn rơi gần biên giới Nga. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết chiếc máy bay này đang bay ở độ cao 6.500m thì bị dính tên lửa.
Phía Ukraine nghi ngờ quả tên lửa được phóng đi từ lãnh thổ Nga. Đây là lần đầu tiên một chiếc SU-25 bay với tốc độ cao bị bắn rơi. Hai ngày trước đó, một chiếc máy bay vận tải AN-26 cũng bay ở tầm cao tương tự bị bắn hạ ở vùng Luhansk.
Có những "bí mật" tuồn qua biên giới?
Cuối tuần trước Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không thể tuồn vũ khí bí mật qua biên giới vào Ukraine. Nhưng điều đó có thật không?
Hồi đầu tháng 6, quân ly khai đã kiểm soát hàng loạt cửa khẩu dọc một đoạn biên giới dài 200km. Đây là vùng đất nông nghiệp không được quân đội Ukraine canh phòng thường xuyên.
Có hàng chục con đường xuyên biên giới ở khu vực này. Hơn nữa, lực lượng biên phòng Ukraine đang rơi vào khủng hoảng sau khi trung tâm chỉ huy của họ ở Luhansk bị tấn công hồi đầu tháng 6.
Tại con đường dẫn tới biên giới qua thị trấn Antratsyt, phóng viên CNN không hề thấy lực lượng biên phòng Ukraine. Một nhóm phóng viên CNN tới cửa khẩu Marynivka hồi tháng 6 sau khi quân ly khai giao tranh với lực lượng biên phòng Ukraine. Cửa khẩu này đã bị bỏ trống.
Hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga đã đưa ba xe tăng T-64, một số bệ phóng rốckét và nhiều xe quân sự sang đông Ukraine. Chính quyền Kiev cũng đưa ra cáo buộc tương tự, khẳng định số vũ khí này đã đi đến Snezhnoe, một đại bản doanh của quân ly khai gần nơi chiếc MH17 bị bắn rơi.
Mỹ khẳng định trước đó các loại vũ khí này nằm trong kho chứa ở vùng tây nam Nga. Điều đó cho thấy sự phối hợp giữa Nga và quân ly khai. Khi đó Washington nhấn mạnh trong số các vũ khí ở kho chứa này có hệ thống tên lửa phòng không hiện đại. Matxcơva bác bỏ cáo buộc trên.
NATO cũng công bố hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy xe tăng ở vùng Rostov-on-Don tại Nga hồi đầu tháng 6 và được đưa đến đông Ukraine. Sau đó, các trang web tiếng Nga đưa ra lời kêu gọi chiêu mộ nhân lực có kỹ năng lái xe tăng để phục vụ phe ly khai ở Donetsk.
Nhưng điểm yếu của quân ly khai luôn là mối đe dọa từ trên không. Quân đội Ukraine trong thời gian qua liên tục không kích các mục tiêu phiến quân. Máy bay chiến đấu Ukraine bắt đầu bay cao để tránh tên lửa vác vai. Để bảo vệ “lãnh thổ” của họ, quân ly khai cần hệ thống tên lửa phòng không hiện đại để phá bỏ lợi thế của quân đội Ukraine. Câu hỏi đặt ra là phải chăng họ đã nhận hệ thống Buk từ Nga?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận