11/01/2021 10:14 GMT+7

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 1: Cuộc gặp gỡ đặc biệt và cuốn sách hải chiến Hoàng Sa

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Không chỉ là sách xưa, quý hiếm, mà những cuốn sách này còn ẩn chứa nhiều chuyện đặc biệt chưa kể. Đó là 'cái duyên' để kỳ thư về tay nhà sưu tầm, là việc gìn giữ như bảo vật và trao tặng đầy xúc động, thiêng liêng...

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 1: Cuộc gặp gỡ đặc biệt và cuốn sách hải chiến Hoàng Sa - Ảnh 1.

Cuộc tặng sách cho UBND huyện Hoàng Sa giữa ông Phan Công Tuấn, ông Đặng Công Ngữ và ông Lữ Công Bảy (từ trái sang) - Ảnh: HÒA THỌ

Chiều mưa 10-1-2011, trụ sở UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đón hai vị khách đặc biệt. Ngày hôm trước, hai người bà con này tương ngộ tại Đà Nẵng rồi đi đến thống nhất sẽ tới trụ sở huyện để "coi mắt" ông chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt

Một người mang theo cuốn sách đặc biệt, còn một người mang theo câu chuyện đặc biệt. Cả hai cùng chung một nội dung nói về sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay người Việt ngày 19-1-1974.

Cuốn sách đặc biệt ấy mang tên Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa xuất bản tháng 3-1974 ngay sau trận hải chiến ở Hoàng Sa. Còn nhân chứng đặc biệt ấy lại chính là người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa mấy chục năm trước: ông Lữ Công Bảy - quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4.

Cuốn sách ấy hiện đã được tặng cho UBND huyện Hoàng Sa để có thêm bằng chứng pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo. Nhưng ông Phan Công Tuấn (cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng), chủ nhân của cuốn sách này, đã cẩn thận photo ra nhiều bản để tặng bạn bè có điều kiện hiểu thêm về sự kiện lịch sử không thể nào quên.

Vốn là người yêu sách, ông Tuấn thường xuyên là "bồ ruột" của cánh bán sách cũ trong thành phố. Trái với phần đông số sách hiện diện trong tủ sách gia đình mấy chục năm qua, ông Tuấn lại nhớ rõ cuốn sách Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa được ông mua ngay tại quầy sách cũ ở ngã ba chợ Tam Giác, nay là đường Hải Phòng, quận Hải Châu. 

Trên quyển sách cũ này có đóng dấu của khách sạn Thanh Thanh ở Đà Nẵng và có bút ký mang nội dung "Nguyễn Quang Trinh sưu tầm và nghiên cứu".

Hơn chục năm nằm trên tủ sách, số phận của cuốn sách ố màu thời gian này có lẽ cũng sẽ theo những đợt nước lũ quét qua nhà ông mỗi năm nếu không có câu chuyện đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2009. 

Loạt bài hồ sơ mang tên "Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau" đã kể câu chuyện của ông Lữ Công Bảy, người trực tiếp tham gia bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 với vai trò thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Bảy phục vụ trong lực lượng hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam rồi làm nhân viên bảo vệ của Đài truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.

"Chú Bảy là người bà con bên vợ, nhưng đọc báo tôi mới biết vai trò của chú trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm ấy. Một lần chú ra Đà Nẵng, tôi đã lôi quyển sách cũ kia ra để điểm lại một số sự kiện trên biển thời điểm tháng 1-1974 năm ấy" - ông Tuấn nhớ lại.

Ông Tuấn kể khi gặp nhau, hai chú cháu đã trao đổi rất nhiều quan điểm về bối cảnh tình hình đầu năm 1974 cũng như các thủ đoạn tinh vi của Trung Quốc, như cho tàu cá vũ trang "vờn" các tàu của hải quân chính quyền Sài Gòn nhằm khiêu khích hòng thực hiện âm mưu chiếm Hoàng Sa.

Thời điểm năm 2011, nhu cầu tìm hiểu về lịch sử biển đảo của nước ta khí thế khi TP Đà Nẵng bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa, đồng thời chọn đặt trụ sở tạm thời của huyện này tại số 132 đường Yên Bái. Hai người đàn ông luống tuổi quyết định phải đến gặp ông Ngữ để góp tư liệu về Hoàng Sa và kể thêm những câu chuyện về một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Phía sau những kỳ thư đặc biệt - Kỳ 1: Cuộc gặp gỡ đặc biệt và cuốn sách hải chiến Hoàng Sa - Ảnh 2.

Sách có nhiều tư liệu, hình ảnh người dân hừng hực phản đối Trung Quốc chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sách ra đời sớm nhất sau hải chiến

Nội dung cuốn sách Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa điểm lại đầy đủ vùng địa lý của Hoàng Sa và lịch sử chủ quyền của dân tộc Việt trên quần đảo này. Đó là những phần mô tả rất rõ ràng về tên gọi Hoàng Sa trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776, là lịch sử khai phá và khẳng định chủ quyền của người Việt xuyên suốt qua các triều đại. 

Là những tư liệu mà người Pháp viết công nhận lịch sử chủ quyền và sự hiện diện lâu đời của người dân xứ An Nam với quần đảo này. Là công nhân xây dựng cầu cảng, hải đăng và tổ chức khai thác phốt phát ở trên đảo... kèm theo những hình ảnh người Việt sinh sống và đứng bên cột mốc chủ quyền.

Nhưng phần mới nhất và nhiều thời lượng nhất chính là mô tả lại sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Trong phần trình bày này, cùng với những thông tin diễn biến cụ thể đến từng phút, cuốn sách còn trình bày rất nhiều hình ảnh chứng cứ về cuộc xâm lăng của các tàu chiến Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Theo TS Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, có thể nói đây là cuốn sách xuất bản sớm nhất viết về sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta vào năm 1974. Theo ông Công, điểm đặc biệt của cuốn sách này chính là "tính thời sự" khi phát đi một thông điệp hừng hực khí thế. 

Đồng thời, sách tập hợp rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về việc người dân phẫn nộ phản đối hành động Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ khắp nơi trên thế giới vào thời điểm đó, kể cả những người Việt gốc Hoa.

"Tôi nhớ khi nhìn vào trang sách có tấm hình hàng vạn người Sài Gòn xuống đường phản đối, ông Ngữ đã rưng rưng nói "biết đâu trong đám xuân xanh ấy" có ông. Ông Ngữ kể vào thời điểm ấy trường đại học của ông ở Sài Gòn đã tổ chức một cuộc mittinh phản đối rất lớn hành động cướp đảo của phía Trung Quốc" - ông Tuấn nói.

Vài năm sau, câu chuyện về cuốn sách quý và cuộc gặp gỡ với ông chủ tịch huyện Hoàng Sa đến tai ông Vũ Hữu San đang sinh sống bên kia bờ đại dương. Ông San hiện định cư tại Mỹ, vào thời điểm xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa ông là trung tá hải quân, hạm trưởng tàu Trần Khánh Dư HQ-4 và là sếp cũ của ông Lữ Công Bảy. 

Gia tài sách được đánh giá đồ sộ về quy mô của ông lại thiếu đi cuốn sách nhắc đến nhiệm vụ của chính ông lúc bấy giờ. Qua ông Bảy, ông San mong muốn được tìm lại và sở hữu quyển sách này với giá rất hời.

Thế nhưng với mong muốn đóng góp thêm những "viên đá" xây chắc chủ quyền của nước ta với quần đảo Hoàng Sa, nhưng cũng không thể làm buồn lòng người có tâm nguyện đẹp, ông Tuấn đi đến quyết định xuống huyện Hoàng Sa... mượn lại để photo gửi qua Mỹ tặng ông San.

Sẽ trưng bày ở Thư viện Hoàng Sa

Báo Tuổi Trẻ và UBND huyện Hoàng Sa đang cùng nhau xây dựng Thư viện Hoàng Sa với mong muốn kêu gọi đóng góp tư liệu để có thêm những bằng chứng mới khẳng định sâu sắc niềm tin trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của nước ta.

Những tấm lòng người dân hướng về Hoàng Sa, âm thầm góp nhặt từng trang giấy để làm nên "ruột" cho Thư viện Hoàng Sa như cuốn sách mà ông Phan Công Tuấn tặng càng củng cố thêm những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi phù hợp với luật pháp quốc tế của nước ta với quần đảo Hoàng Sa.

Đại diện UBND huyện Hoàng Sa cho biết sau khi có thư viện, cuốn sách này sẽ được trưng bày ở đây để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận.

**************

>> Kỳ tới: Độc bản kỳ thư Thành cổ Quảng Trị

Trong những cuốn sách quý hiếm bây giờ, có một ấn phẩm vào loại kỳ thư, mang ý nghĩa thiêng liêng, đó là tác phẩm Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị.

Ra mắt sách Ra mắt sách '45 năm hải chiến Hoàng Sa'

TTO - Đây là cuốn sách tập hợp các bài viết của nhiều tác giả là các nhà nghiên cứu, nhà báo tâm huyết trong và ngoài nước góp tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên