26/12/2020 11:20 GMT+7

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 3: 'Người chết' trở về vào ngày giỗ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Kể từ khi lấy chồng vào năm 1985, cứ đúng vào chính ngọ ngày 26-7 âm lịch hằng năm, bà Lê Thị Thanh (67 tuổi, thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn, Quảng Nam) lại soạn mâm cơm, sắm áo quần để đốt cho cha mẹ và người em ruột.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 3: Người chết trở về vào ngày giỗ - Ảnh 1.

Bà Thanh vẫn rưng rưng xúc động nhớ lại cuộc đoàn tụ - Ảnh: B.D.

Nào ngờ trong ngày giỗ tròn 40 năm, người đang được thắp nhang đã trở về bằng da bằng thịt.

Câu chuyện đoàn tụ trắc trở mà ly kỳ này xảy ra ở thị trấn Khâm Đức, vùng sơn cước của Quảng Nam vào năm 2009.

Lạc em trong ly loạn

Bà Thanh trong câu chuyện đoàn tụ như cổ tích với người em trai ruột sau 40 năm thất lạc - ông Lê Tấn Thọ (hiện sống tại ấp 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) - giờ đây đã già. Nhưng dẫu vậy thì nụ cười của bà giờ đã tròn trịa và đầy đặn hơn sau nửa đời người chịu những cơn mất ngủ hành hạ vì khóc thương người em lưu lạc. 

Ông Nguyễn Duệ - chồng bà Thanh - ngồi bên cạnh bảo rằng từ ngày tìm được em ruột, vợ ông vui vẻ và tinh thần tốt lên hẳn.

Nếu không có những điều kỳ diệu của cuộc đời thì một gia đình hết lòng vì Tổ quốc sẽ mãi mãi chìm trong cơn đau ly loạn. Bà Thanh có cha mẹ đều là liệt sĩ, mẹ đi làm giao liên cho quân cách mạng ở vùng chồng lấn "da beo" rồi bị bắt giết. Sau đó ba của bà cũng hi sinh.

Năm 1967-1969, bà Thanh liên tiếp mất cha và mẹ, phải một mình chăm sóc ba đứa em. Khi đó, ông Lê Tấn Thọ mới 10 tuổi, và sau ông Thọ là một cô em gái mới 8 tuổi. 

Hai năm khi cha mẹ hi sinh, bà Thanh âm thầm hoạt động cách mạng. Cô em út được đưa ra Bắc, Lê Tấn Thọ được bà đem lên vùng Trà My (nay là Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Bà Thanh kể rằng Trà My lúc đó vẫn là địa bàn tranh chấp ác liệt, chồng lấn của hai phía. Thọ được nuôi trong một ngôi nhà của dân nằm biệt lập giữa rừng. Bà gửi em rồi đi đầu quân cho cách mạng, làm cán bộ công an vũ trang. 

Mỗi lần có dịp lên Trà My công cán, bà lại tạt qua thăm em. Vào năm 1969, trong một lần quần đảo bắt hốt dân để chia cắt nguồn tiếp tế giữa dân cho quân cách mạng, Lê Tấn Thọ - lúc đó 13 tuổi - bị hốt lên xe rồi đem về thả ở vùng quản lý của chế độ cũ rồi mất liên lạc từ đó.

Bà Thanh cho biết phải mất 1 năm khi Thọ bị lùa đi, bà lên tìm lại ngôi nhà lá giữa rừng để thăm em thì mới biết Thọ đã được đưa đi. 

"Lúc đó tôi hoảng loạn thật sự, cha mẹ thì đã chết, em gái thì đâu đó ở ngoài Bắc, chỉ còn thằng Thọ mà tôi đã để mất nó thì không biết ăn nói sao với cha mẹ nơi chín suối" - bà Thanh rơi nước mắt.

Cuộc tìm kiếm xót xa

Trên bàn thờ nhà bà Thanh hiện nay vẫn còn giữ gian thờ phụng cho cha mẹ, những người thân thích của bà. Chồng bà khi biết câu chuyện cả gia đình hết lòng vì Tổ quốc, nay họ đã nằm nơi chín suối thì ông cũng động viên vợ lập bàn thờ. 

Điều khá hi hữu là ngoài cha mẹ ruột, vào ngày giỗ 26-7 âm lịch hằng năm thì ông và vợ còn sắm một bộ áo quần, đốt lễ cho đứa em trai của vợ là Lê Tấn Thọ. 

"Tui cứ nghĩ cả nhà chỉ còn bả với đứa em gái út chứ đâu biết có thằng em trai duy nhất nữa còn sống. Vậy mà nó về thật, sống thật như chuyện cổ tích" - ông Duệ nói.

Theo ông Duệ, trước khi lập bàn thờ cho Thọ vào năm hai người lấy nhau, vợ ông cũng đã dành suốt 10 năm để tìm kiếm em. 

Bà cứ lang thang khắp nơi, tìm lên Trà My, tìm về Điện Bàn, hỏi thăm đồng đội và người quen nhưng đều nhận được cái lắc đầu thương cảm. Bất lực và tin chắc rằng Thọ đã chết, bà Thanh quyết định lập bàn thờ em.

Bà Thanh nghẹn giọng tâm sự ngày đoàn tụ, nghe ông Thọ kể lại quá trình lưu lạc bà mới biết rằng có những lúc hai chị em đã chạm mặt nhau mà chẳng nhận ra.

"Thọ kể rằng vào năm 1986, nó có tham gia xây dựng hồ Phú Ninh - công trình đại thủy nông của Quảng Nam. Thời gian ấy tui cũng có mặt tại đó rất lâu. Rồi có lần nó ở nhà người dân tại thị xã Tam Kỳ, tôi cũng tới gần đó rồi mà chẳng biết. Có lẽ ông trời thử thách lòng kiên nhẫn của Thọ và tôi" - bà Thanh nói.

Mỗi năm, vào ngày dọn lễ cúng cho em, lòng bà vô cùng đau khổ, lý trí tin chắc rằng tìm kiếm em mỏi mòn như thế mà không thấy thì em mình đã chết. Nhưng linh cảm máu mủ và tâm thức luôn nhói đau, hồi hộp, đôi lúc tin rằng em vẫn còn sống. 

"Một người còn sống mà được làm đám giỗ, được thắp áo quan thì thật tội nghiệp. Nhưng làm chị, tôi không thể làm khác. Tôi vẫn làm giỗ cho em hằng năm, vẫn mơ về nó trong mỗi lúc chập chờn nhưng cũng nửa tin rằng nó sẽ trở về" - bà Thanh xót xa.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 3: Người chết trở về vào ngày giỗ - Ảnh 2.

Bà Thanh cùng người thân của mình tại thị trấn Khâm Đức, Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Ngày giỗ thành ngày đoàn tụ

Như thường lệ, trưa 26-7 hằng năm bà Thanh lại soạn mâm cơm cúng. Và như các năm khác, khi que nhang phảng phất khói, bà lại ngồi bệt trước bàn thờ cha mẹ, em trai rồi khóc, cạnh bà là người chồng. 

Nhưng trưa 26-7-2009, khi đám giỗ vừa xong, bà bỗng nhận được điện thoại của một người ở huyện Hiệp Đức. 

Người này hỏi dồn rằng có phải bà Thanh có một cậu em trai thất lạc trước giải phóng, rồi có cha tên Lê Tấn Hạo, chị gái tên Thanh không? Cuộc điện thoại ấy làm bà bối rối, bà linh tính có chuyện không bình thường.

Sau khi cúp máy, người gọi hẹn sẽ trở lại. Cuộc hẹn đó trở thành sự thật chỉ sau mấy tiếng và làm bà Thanh chết đứng. Khi chiếc xe của công an dừng trước cổng, một người đàn ông ngoài 50 tuổi bước xuống. 

Cách cả mấy chục mét, đứng trong nhà nhìn ra, bà Thanh đã thấy như trong cơ thể có dòng điện cực lớn chạy dọc. Rồi bà khuỵu xuống, ngất lịm. 

Người đàn ông được công an đưa về đó chính là ông Lê Tấn Thọ - đứa em trai thất lạc 40 năm trước của bà. Ngày Thọ lạc chị, ông mới 13 tuổi, ngày gặp lại ông đã 53 tuổi.

Sau cơn xúc động đến ngất lịm, hai chị em ôm chặt mà như cảm nhận dòng máu ruột rà đang chảy vào nhau.

Cảm ơn những người nối cầu đoàn tụ

Bà Thanh cho biết khi gặp nhau, cả bà lẫn ông Thọ đều òa khóc. Rồi bà dẫn em về ngôi nhà nơi cha mẹ đã bị địch giết, dù mấy chục năm nhưng ông Thọ chỉ vanh vách từng địa điểm ngày cha mẹ nằm xuống, bị địch hành hạ.

Chẳng cần xác minh gì thêm nữa, sự gắn kết máu mủ ruột rà từ anh em ruột thịt đã minh chứng rằng ông Thọ và bà Thanh đã từng có một cha mẹ, từng là chị em.

Ông Thọ nói rằng năm 1967-1969 khi bị toán lính hốt đi, ông thất lạc rồi sống vạ vật ở nhiều nơi tại Tam Kỳ, Phú Ninh (Quảng Nam).

Ông theo một gia đình nhận nuôi rồi sau đó lưu lạc vào Đồng Tháp. Ở đây, ông lấy vợ, sinh được bốn người con. Những ngày qua nửa đời người, những cơn đau về nguồn cội làm ông mất ngủ.

Ông bàn với vợ đưa cho mình hai chỉ vàng đeo lên tay làm lộ phí rồi hứa rằng sẽ đi tìm lại gia đình mình. Chuyến đi đó có một người ân nhân quen biết ông tại Đồng Tháp, cùng quê gốc Quảng Nam làm bạn đồng hành.

Ông Thọ về vùng Hiệp Đức, Bắc Trà My hỏi nhưng không có thông tin nào. Trong một bữa nhậu với bạn của người đồng hành là một cán bộ công tác trong ngành lao động - thương binh và xã hội, người này đã nhờ trích lục hồ sơ và biết được chính xác lai lịch của ông Thọ.

Một cuộc sắp xếp đoàn tụ được khẩn cấp tổ chức với sự hỗ trợ của cơ quan công an. Và ông Thọ được trùng phùng chị ruột vào đúng ngày giỗ của chính mình.

****************

Một cuộc đoàn tụ ly kỳ của hai anh em ruột thịt sau hơn 50 năm đã làm không ít người dân ở Quảng Nam sửng sốt, nhưng rất ít người biết được "hậu trường" của cuộc đoàn tụ hi hữu này.

Kỳ tới: Người "nối cầu" cho ngày đoàn tụ kỳ lạ

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 2: Hành trình tìm mẹ của Hoàng Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 2: Hành trình tìm mẹ của Hoàng 'sói hoang'

TTO - Bom đạn chiến tranh đã làm xảy ra bao cuộc chia ly mà nhiều người đến cuối đời vẫn chưa được trùng phùng. Nhưng câu chuyện của Hoàng 'sói hoang' bị lạc mẹ ở Huế lại có một kết thúc có hậu kỳ lạ như chuyện cổ tích.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên