
Hồ nước lợ giữa lòng TP Quy Nhơn (Bình Định) - Ảnh: DUY THANH
Tại hội thảo, GS Rémy Papillaut, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc quốc gia Toulouse (Pháp), cho biết ông rất ấn tượng với sự gần gũi của đô thị Quy Nhơn với thiên nhiên, đặc biệt là di sản kiến trúc từ thời Champa đến thời Pháp... Tuy nhiên, ông Rémy cũng bày tỏ nỗi lo khi thấy đã có những tòa nhà cao tầng mọc lên gần biển Quy Nhơn.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, tỉnh Bình Định đã có quy hoạch định hướng phát triển Quy Nhơn thành một đô thị khác biệt.
Ông Dũng cho rằng ven biển Quy Nhơn chỉ có vài công trình cao tầng tạo điểm nhấn, còn lại toàn bộ không gian Quy Nhơn đều hướng biển, khu vực biển và bờ biển là của cộng đồng, chứ không xây dựng dày đặc như một số đô thị biển khác trong khu vực.
Quy Nhơn cũng giữ lại những di sản kiến trúc như văn hóa Chăm (tháp Chăm, gốm Chăm, thương cảng), làng biển cổ Nhơn Lý, đô thị Nước Mặn, nhà thờ Làng Sông...
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho hay tương lai đô thị Quy Nhơn sẽ dịch chuyển về phía bắc nên tỉnh vừa tổ chức thi ý tưởng quốc tế về quy hoạch phát triển đô thị đôi bờ đầm Thị Nại. Riêng Khu kinh tế Nhơn Hội thì tỉnh đã chuyển dịch mục tiêu từ khu kinh tế công nghiệp nặng như đóng tàu, lọc hóa dầu sang chỉ phát triển dịch vụ và du lịch.
"Đặc biệt, Bình Định dốc sức để phát triển khu đô thị khoa học Quy Hòa, một khu đô thị độc đáo ở Đông Nam Á khi không chỉ là điểm đến của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới, mà còn là nơi khám phá khoa học thiên văn - vũ trụ cho mọi người dân, đồng thời là công viên phần mềm đẳng cấp ở Việt Nam" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận