Dù tại công viên 23-9 đã có nhà vệ sinh công cộng đàng hoàng vậy mà tình trạng tiểu bậy vẫn xảy ra - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quanh khu vực công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM) có khá nhiều khu nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí người dân và du khách.
Gần đó, có nhiều nhà vệ sinh trong khu vực bến xe buýt và khu hầm ẩm thực - mua sắm cũng luôn mở cửa.
Vậy mà tình trạng người tiểu tiện bừa bãi vẫn diễn ra, tạo nên hình ảnh rất khó coi và làm cho môi trường trở nên ô nhiễm ở trung tâm thành phố.
Đoạn phía trước cổng cũng như xung quanh tường rào phía ngoài của Trung tâm phát triển quỹ đất, trực thuộc Sở Tài nguyên - môi trường thành phố, số 2 Phạm Ngũ Lão là một ví dụ thực tế.
Khu vực trung tâm này rất nhiều du khách nước ngoài qua lại. Biết bao người đã phải xấu hổ với họ khi lâu lâu lại có người tạt vào sát bờ tường rào để... "giải quyết nỗi sầu".
Nói chung là bất kể sáng tối, luôn có rất nhiều người tìm tới đây để tiểu bậy. Mọi người bị tra tấn bởi mùi nồng nặc theo nắng gió lan tỏa vào không trung. Nhiều hôm tôi ngồi tận phía bên kia đường Phạm Ngũ Lão, cách đó cả mấy chục mét cũng không thoát khỏi mùi khó chịu này.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000 - 300.000 đồng) với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Còn nhớ tháng 8-2018, TP.HCM đã từng ghi hình, xử phạt những người có hành vi "tè" bậy nơi công cộng. Khi đó quận 1 làm rất sốt sắng, tuy số trường hợp bị xử phạt chưa nhiều nhưng ít ra cũng có tác động ít nhiều.
Sau đó không nghe thông tin thêm về chuyện xử phạt này và tình trạng tiểu bậy vẫn xảy ra khắp nơi, không chỉ ở công viên 23-9.
Cũng giống như quy định xử phạt với hành vi hút thuốc lá hay vứt rác bừa bãi nơi công cộng, việc chế tài xử phạt không quyết liệt, làm theo đợt, sau đó lại chìm vào quên lãng. Và thế là nhiều người ý thức kém không thể thay đổi thói quen cũng như hành vi xấu của mình.
Ở Singapore, việc tiểu tiện nơi công cộng sẽ bị xử phạt đến cả nghìn đôla Singapore, thậm chí vi phạm nhiều lần có thể bị kết án tù.
Công dân sở tại, du học sinh cũng như khách du lịch các nước khi đến đây đều không dám vi phạm. Vấn đề không chỉ là mức phạt mà là có quyết phạt hay không mà thôi.
Luật đã có, nên phạt nghiêm, phạt nguội và thông tin sự vụ công khai cũng là một cách để cùng thay đổi. Phạt, không phải vì số tiền phạt mà vì mục tiêu thay đổi hành vi kém văn minh ở nơi công cộng.
Muốn vậy, cần xử phạt thường xuyên, không "đánh trống bỏ dùi" và cùng với đó là phải có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng sạch đẹp hơn nữa.
Ai cũng sợ mất một khoản tiền quá lớn, bị phạt vì chuyện này càng xấu hổ. Nhưng, quy định ở ta đã có, đã rõ ràng nhưng việc thực thi lại lơi lỏng, không quyết liệt để tình trạng tiểu bậy vẫn tiếp diễn lâu nay.
Nhà vệ sinh công cộng giờ đã có nhiều hơn, sạch đẹp hơn nhưng vẫn bị từ chối cũng bởi con người không chịu từ bỏ thói quen xấu xí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận