14/07/2019 08:11 GMT+7

Phạt nguội sao cho không nguội?

THU DUNG ghi
THU DUNG ghi

TTO - Trong số báo ra ngày 11-7, Tuổi Trẻ nêu vấn đề phạt nguội các vi phạm giao thông bị nguội và tỏ ra không hiệu quả khi nhiều chủ xe, tài xế lờ đi, không đến nộp phạt.


Phạt nguội sao cho không nguội? - Ảnh 1.

Cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM xử phạt chủ phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh - Ảnh: TỰ TRUNG

Vậy làm thế nào để phạt nguội không bị nguội? Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Lê Ninh (Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP.HCM):

Có luật riêng về phạt nguội

Phạt nguội sao cho không nguội? - Ảnh 2.

Việc xử phạt nguội hiện nay vẫn theo Luật xử lý vi phạm hành chính là một hạn chế. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt trong vòng 7 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 61 của luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Chưa kể, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, nên qua một năm thì biên bản đó không còn hiệu lực, người vi phạm không có nghĩa vụ phải đóng phạt nữa. CSGT còn phải có nghĩa vụ chứng minh chủ xe là người điều khiển phương tiện tại thời điểm ghi hình thì mới ra quyết định xử phạt chủ xe được. Vì nguyên tắc là phạt người điều khiển phương tiện chứ không phải chủ xe (đối với các lỗi thông thường).

Với những quy định như trên, việc đóng phạt nguội chỉ phụ thuộc vào ý thức tự giác. Tệ hơn là người vi phạm dựa vào lỗ hổng của luật để trốn phạt nguội luôn, chối bay hành vi vi phạm.

Do đó, Nhà nước nhất thiết phải ra một quy định riêng, nghị định riêng về phạt nguội để việc xử phạt được người dân chấp hành tuyệt đối. Những trường hợp cố ý không tuân thủ cần bị chế tài nghiêm khắc như cấm đăng kiểm có thời hạn hoặc người vi phạm bị tước bằng lái tạm thời. Ngoài ra, khi nhận được thông báo của cơ quan công an mà chủ xe chây ì không đến thì cứ lũy tiến số tiền phạt lên đánh vào túi tiền người vi phạm.

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chủ xe phải chịu trách nhiệm

Phạt nguội sao cho không nguội? - Ảnh 3.

Từ năm 2004 đến nay, phương thức phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã được triển khai, mang lại nhiều lợi ích tích cực trong công tác quản lý an toàn giao thông.

Tuy nhiên, việc tiến hành phạt nguội vẫn còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất hiện nay là cơ quan chức năng chỉ có thể xác minh được chủ sở hữu phương tiện vi phạm, chưa xác minh được người vi phạm nên không đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt mà chỉ có thể gửi thông báo cho chủ sở hữu phương tiện vi phạm để phối hợp xác minh và chờ sự tự nguyện chấp hành của người vi phạm.

Trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng cho nhiều chủ sở hữu hoặc xe của các cơ sở kinh doanh cho thuê xe thì việc xác minh người vi phạm lại càng thêm khó khăn.

Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần phát triển hệ thống trang thiết bị nghiệp vụ (có khả năng nhận diện người vi phạm) cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về điều kiện, quy trình áp dụng phương thức này. Yêu cầu lắp đặt camera giám sát hành trình để hỗ trợ việc xác định chủ thể vi phạm, tăng mức phạt đối với người vi phạm chậm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm...

Ở một số nước thực hiện hiệu quả phương pháp phạt nguội như Anh, Đức, Pháp, Úc... thì việc phạt nguội chủ yếu tập trung vào chủ xe, thông báo xử phạt sẽ được gửi cho chủ xe. Trường hợp người đó không điều khiển phương tiện khi vi phạm xảy ra thì phải có trách nhiệm chuyển thông báo tới người trực tiếp cầm lái trong khung thời gian nhất định, còn nếu không chuyển kịp thời, chủ xe cũng sẽ bị phạt; hay mức nộp phạt chậm có thể tăng gấp nhiều lần nếu chậm nộp...

Ngoài ra, lực lượng CSGT khi trích xuất hình ảnh xe vi phạm phải lập tức công bố lên các trang web để người vi phạm, chủ xe dễ dàng tra cứu, hỗ trợ kịp thời.

Anh Phạm Văn Tâm (một tài xế xe tải nhỏ ở Q.12):

Trốn được thì cứ trốn

Tôi nhiều lần bị gửi thông báo vi phạm giao thông đến nhà, trong đó có yêu cầu đến xác nhận và nộp phạt nguội. 

Tôi tính sơ sơ các lỗi đó cộng dồn lại cũng cả chục triệu đồng tiền phạt chứ không ít. Ban đầu, tôi cũng lo lắng và dự định sẽ đi nộp phạt theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều tài xế đồng nghiệp mới mách nước cho tôi nên "trốn" luôn qua một năm thì không phải nộp phạt nữa.

Giấy tờ đăng kiểm thì mua tạm giấy giả để lưu thông trong thời gian hết hạn đăng kiểm. Suy đi tính lại, tôi quyết định làm theo lời đồng nghiệp, trốn phạt nguội thử xem sao.

Sau đó, 9 tháng trôi qua, tôi cũng không bị xử lý gì, giấy tờ gửi về tôi "lờ" đi cũng không ai biết, nay sắp hết hạn phạt nguội rồi. Tôi thấy ai trốn được thì trốn, đỡ tốn tiền thì càng tốt chứ sao? Khi nào Nhà nước có hình thức bắt buộc tất cả xe vi phạm đều đóng phạt thì tôi cũng sẽ chấp hành. Rất nhiều người vi phạm thì tại sao một vài người phải chấp hành nộp phạt?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Khấu trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng

Phạt nguội sao cho không nguội? - Ảnh 4.

Chúng ta thực hiện xử phạt nguội theo Luật xử phạt hành chính đã triển khai từ nhiều năm nay. Quá trình xử phạt gặp khó khăn và không hiệu quả chủ yếu do hai nguyên nhân chính. 

Nguyên nhân trước hết, ở nước ta, việc mua bán xe cộ không sang tên đổi chủ tràn lan dẫn tới lực lượng chức năng khó chứng minh người vi phạm. Về vấn đề này, chúng ta cần làm gắt gao hơn, quy định chặt chẽ hơn về việc sang tên, đổi chủ xe. Làm tốt vấn đề này, CSGT trích xuất camera ra hình ảnh, chủ xe buộc phải đóng phạt. Không đóng thì chế tài nghiêm khắc.

Nguyên nhân thứ hai chính là việc mời lên làm việc, thực hiện đóng phạt phần lớn thực hiện thủ công, rườm rà thủ tục, mất thời gian. Người vi phạm sẽ có lý do lẩn tránh. Ở các nước trên thế giới, họ khấu trừ luôn vào tài khoản ngân hàng của chủ xe.

Tại Việt Nam, chúng ta nên áp dụng khi bất cứ công dân nào đi đăng ký xe thì kèm theo tài khoản ngân hàng. Khi vi phạm giao thông, bị rơi vào trường hợp phạt nguội, thông tin vi phạm được gửi đến. Quá thời hạn, người vi phạm không chấp hành thì sẽ bị trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Ngân hàng sẽ gửi đầy đủ nội dung bị khấu trừ cho người dân.

Các lực lượng thực hiện luật thật nghiêm minh, có thể tăng mức xử phạt, hình thức chế tài. Để làm được vậy, Nhà nước có thể ban hành các nghị định kèm theo, quy chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa công an và đăng kiểm. Cũng không nhất thiết phải ban hành luật mới. Chỉ có thực hiện được như vậy thì mới đủ tính răn đe, hạn chế vi phạm.

Anh Trần Minh Tính (một chủ cho thuê xe):

Phạt người lái xe hay phạt chủ xe?

Tôi làm nghề cho thuê ôtô tự lái nên thường xuyên bị phạt nguội. Các trường hợp vi phạm giao thông bị camera ghi lại thường là khách thuê xe đi sai, cũng có trường hợp mình tự lái rồi vi phạm.

Tuy nhiên, trước giờ, tôi từ chối đóng phạt với lý do hình ảnh camera quay được chỉ là chiếc xe, biển số xe, hoàn toàn không có gì chứng minh tôi đang lái xe. Trong khi đó, luật quy định xử phạt người vi phạm giao thông thì lấy căn cứ gì phạt chủ xe?

Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính, CSGT còn phải có trách nhiệm chứng minh vi phạm. Cứ theo luật pháp mà làm, CSGT chứng minh được tôi đang lái xe và vi phạm luật giao thông thì tôi đi đóng phạt.

Anh Carlos G. (người Mỹ):

Bằng chứng từ camera là không thể chối cãi

Ở Mỹ, nếu vi phạm luật giao thông và bị ghi hình, người vi phạm chắc chắn sẽ bị phạt. Các máy quay được lập trình để chụp ảnh của hành vi vi phạm và biển số xe, và đó là bằng chứng không thể chối cãi. Mọi người thường đồng ý đóng phạt vì nếu trốn phạt hậu quả sẽ rất nặng nề vì tiền phạt sẽ nặng hơn, rắc rối sẽ lớn hơn.

Trình tự phạt nguội bao gồm: thư thông báo vi phạm và biên bản đóng phạt được gửi đến địa chỉ của người vi phạm, mô tả thông tin liên quan đến vi phạm, những điều luật mà người lái xe đã vi phạm và mức phạt theo luật định.

Thư này cũng hướng dẫn người vi phạm cách đóng phạt, thời hạn hoặc họ cần làm gì nếu muốn khiếu nại, cũng như cảnh báo rõ hậu quả nếu không đóng tiền phạt hoặc đóng chậm. Trường hợp chây lì, người vi phạm sẽ bị kiện ra tòa. Ra tòa là một việc lớn ở Mỹ và không ai dám khinh tòa. Cảnh sát có thể tìm đến nhà để buộc người vi phạm phải ra tòa. Trì hoãn đóng phạt và cố tình chống đối, tội sẽ nặng hơn và mức phạt cũng nặng hơn.

Dĩ nhiên, trong toàn bộ quá trình, người ta sẽ gửi thư hoặc gọi điện thoại cho người vi phạm một vài lần chứ không phải một lần phòng trường hợp bạn không nhận được thư. Dù ở nhà mình hay nhà thuê, ai cũng có một địa chỉ để liên lạc. Ở Mỹ, khi thuê nhà, bạn có trách nhiệm thông báo thông tin của mình cho chủ nhà.

Nếu là xe đi thuê, từ biển số xe, cảnh sát sẽ xác định được công ty cho thuê xe. Đối chiếu với ngày giờ xảy ra vi phạm, công ty sẽ xác định được người thuê xe để gửi biên bản phạt.

Khi tôi bắt đầu lái xe, tôi được dặn rằng phải thật cẩn thận trước khi cho ai đó mượn xe. Khi người mượn xe gây tai nạn hay vi phạm luật giao thông, người chủ xe phải chịu trách nhiệm.

HỒNG VÂN ghi

THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên