Cảnh hành hạ trẻ em ở Cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12, TP.HCM - Ảnh từ clip của Tuổi Trẻ
Cùng bị phạt mức 40-50 triệu đồng còn có hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên.
Đây là một trong những quy định tại dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đưa lên cổng thông tin điện tử của bộ để lấy ý kiến.
Dự thảo có 4 chương với 52 điều quy định chi tiết về các hành vi, mức xử phạt đối với các vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo dự thảo, các hành vi "bỏ hoặc không chăm sóc trẻ em sau khi sinh", "cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng", "bỏ mặc trẻ em tự sinh sống", "tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn", "cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn"... có thể bị phạt cao nhất đến 15 triệu đồng.
Đặc biệt, theo dự thảo, các hành vi vi phạm quy định về công bố, tiết lộ thông tin, về đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em... có mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng.
Theo đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên Internet không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em... có thể bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.
Mức phạt 10-15 triệu đồng cũng được áp dụng với trường hợp không xóa bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng mà không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận