Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhiều vụ án, vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý do bất cập trong công tác giám định tư pháp - Ảnh: LÊ KIÊN
Ngày 7-8, đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã làm việc với đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao và các cơ quan có liên quan.
Một trong những vấn đề nổi lên qua cuộc làm việc này là công tác giám định tư pháp vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Về công tác giám định pháp y, tổ nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho biết: Luật giám định tư pháp quy định "căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định tử thi". Đồng thời, ngành y tế cấp tỉnh cũng thành lập Trung tâm giám định pháp y.
"Trên thực tế hiện nay hầu hết các Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh đều thực hiện giám định tử thi, ở một số địa phương có tình trạng pháp y công an thì quá tải trong khi pháp y y tế thì ít việc, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực", phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nói.
Từ nhận định này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Có hay không chuyện ngành công an hạn chế các Trung tâm pháp y tham gia giám định pháp y, đặc biệt là khám nghiệm tử thi?
Đáp lại, thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương, khẳng định: Bộ Công an không có chủ trương nào hạn chế các Trung tâm giám định pháp y tại các tỉnh, TP tham gia công tác khám nghiệm.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, khi có một vụ án mạng xảy ra thì cơ quan điều tra rất cần tổ chức khám nghiệm sớm, bảo vệ hiện trường, "nên chúng tôi khuyến khích và hợp tác với các cơ quan khám nghiệm tại các tỉnh, TP".
Ông cũng chia sẻ rằng công tác khám nghiệm tử thi rất áp lực.
"Có những vụ mà một người khám nghiệm tử thi từ sáng đến chiều phải mổ xẻ 4 nạn nhân, các đồng chí phải thần kinh thép, tôi chứng kiến tôi rất thương. Lực lượng giám định viên pháp y cần phải được bảo vệ, chăm lo, có chế độ chính sách hết sức ưu đãi", ông Vương nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chia sẻ với khó khăn của những người làm công tác giám định pháp y: "Họ làm việc với xác chết, mà không phải xác chết bình thường, có những vụ án phải khai quật xác chết đã phân huỷ, rất kinh khủng. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ không tương xứng nên rất khó thu hút đội ngũ có trình độ cao tham gia".
Lãnh đạo Ủy ban Tư pháp ghi nhận ý kiến các cơ quan có trách nhiệm, cho biết tới đây sẽ hoàn thiện báo cáo giám sát, trong đó nêu kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám định tư pháp, đặc biệt là giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận