Phóng to |
Cụ Phan Thanh Giản |
Khi thăm mộ và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy rất nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4 tháng 8.
Nghĩa là đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến Bến Tre. Dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng 250kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.
Thật vui khi được biết, ngày 24-1-2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”.
Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất (1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Năm 1834, cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. 1848 đổi sang Thượng Thư Bộ lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; 1853 Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…
Những năm 1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856-1859, là bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
Về văn thơ cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…
Cụ cùng Nguyễn Thông đã có công xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long…Chỉ ngần ấy thôi cụ cũng đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.
Nhưng nói về Phan Thanh Giản từ 150 năm nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Không ít người cho rằng ông là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi ông làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh Giản “bán nước” “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”.
Vua Tự Đức, ông vua “chủ hòa” đã cho rằng cụ đã làm mất Lục tỉnh Nam Kỳ, nên phán: ”xét phải tội chế, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”.
Các nhà sử học cũng không đồng nhất quan điểm. Nhiều nhà sử học quê hương Nam Bộ hiểu nhân cách và khí tiết Phan Thanh Giản đã không đồng thuận với phán xét của vua Tự Đức và quan điểm của chính sử đương thời.
Năm 1963, ở miền Bắc, kết luận tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên Tạp chí Lịch sử, một nhà sử học đã lại lên án Phan Thanh Giảm phạm tội “bán nước”, “dâng thành hiến đất cho giặc”. Dù vậy, cũng không giải tỏa được băn khoăn của nhân dân và giới sử học.
Nhưng quan niệm của đồng bào Nam Bộ lại khác. Ngay sau khi cụ tuẫn tiết, nhân dân Vĩnh Long đã đưa linh vị của cụ vào thờ ở Văn Thánh Miếu. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ, nhà yêu nước cùng thời, cùng sống ở Ba Tri với Phan Thanh Giản lại có thơ điếu ca ngợi cụ: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc…”.
Trong Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886, vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế cho cụ Phan Thanh Giản. Dưới chân núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.
Ở xã Tương Bình Hiệp (Bình Dương), từ khi cụ mất, nhân dân đã thờ cụ ở trong Đình làng. Và ngày 25-8-1924, vua Khải Định đã sắc cho đình Tương Bình Hiệp thờ cụ làm thần.
Bản sắc dịch ra như sau: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải phụng thờ Tam giáp Tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung cơ mật viện đại thần Phan Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên nhân tiết tứ tuần đại khánh trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc ĐOAN TÚC DỰC BẢO TRUNG HƯNG TÔN THẦN, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở dân đen của ta...”.
Như vậy các vua Nguyễn sau Tự Đức đã hiểu đúng công lao của Phan Thanh Giản!
Trước năm 1867, trong thư gửi cho Tổng đốc An Giang và Tổng đốc Hà Tiên, Chánh sứ Phan Thanh Giản viết: “Lá cờ ba sắc (chỉ cờ Pháp) không thể phấp phới bay trên một thành lũy ở đó Phan Thanh Giản còn sống…”.
Theo sử sách thì cụ Phan có ba người con trai là Phan Hương, Pham Liêm và Phan Tôn sau khi cha mất đã cầm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Ba Tri, Bến Tre cuối năm 1867.
Khi cuộc khởi nghĩa bị quân Pháp đàn áp, ba anh em dùng thuyền chạy thoát ra Bình Thuận. Phan Hương ở lại Phan Thiết, ẩn mình sống bằng nghề nông. Còn Phan Tôn và Phan Liêm đi bộ ra Huế, sau đó theo Nguyễn Tri Phương ra Bắc chống Pháp, tử thủ bảo vệ thành Hà Nội. Sau khi bị bắt, hai anh em được đưa sang Pháp.
Năm 1888, chính phủ Pháp cho về lại Việt Nam, Phan Liêm được bổ làm Phủ doãn Thừa Thiên và là người làm thầy dạy dỗ Bửu Lâm 10 tuổi, tức vua Thành Thái mới lên ngôi.
Thầy Phan Liêm đã truyền cho vị vua trẻ ý chí chống Pháp, nên vua đã liên hệ với nhóm Trần Cao Vân kháng chiến, bị bọn Pháp phế truất, đày sang đảo La Réunion…
Cuối năm 1994, tại Vĩnh Long, hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long phối hợp với Hội khoa học lịch sử đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học lớn về Phan Thanh Giản với ý muốn làm rõ hơn công tội của cụ.
Cuộc Hội thảo này có nhiều bài tham luận công phu, sâu sắc, là một bước tiến mới, công bằng hơn trong đánh giá Phan Thanh Giản. Sau cuộc hội thảo này giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (lúc đó) đã có một bản kết luận sâu sắc và công tâm.
Có thể đây là một cơ sở để giúp cho Cục Di sản và Viện Sử học đi đến quyết định “phục hồi danh dự” cho cụ Phan Thanh Giản năm 2008.
…Người dân Miền Tây hiểu rất rõ công tội của cụ Phan Thanh Giản, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế là mới là nguyên nhân chính để mất lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”.
Cụ Phan Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tôi “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc”. Mặc dù cụ vẫn ý thức được hoàn cảnh và trách nhiệm của mình.
Trong lá sớ gửi vua Tự Đức trước khi tự vẫn, cụ viết: “Nghĩ tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”!
Đứng trước mộ cụ Phan Thanh Giản tôi cứ nghĩ miên man về nỗi niềm lịch sử. Hết lòng vì dân vì nước nhưng lại không được người đời hiểu mình.
Hơn ba chục năm qua, tất cả những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ bỏ. Tượng cụ ở Châu Thành, ở trường Trung học Cần Thơ cũng bị gỡ. Hẳn nhiên bức tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu.
Một tin vui nữa là tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Bến Tre khóa VII (ngày 10 và 11-4-2008) đã thông qua việc đổi tên trường THPT Ba Tri thành trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Sắp tới tỉnh sẽ dựng lại tượng cụ Phan Thanh Giản.
Rời Ba Tri, tôi cứ ước ao không chỉ ở Bến Tre, Vĩnh Long mà tên của Đại thần Phan Thanh Giản tài hoa, khí tiết sẽ được đặt cho nhiều trường học và đường phố miền Nam như trước đây.
(Có tham khảo sách: - Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam; TTBTDT Cố đô Huế; Tạp chí Xưa & Nay xuất bản, năm 2002)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận