Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sau một thời gian đưa vào khai thác đã quá tải - Ảnh: T.T.D.
Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E), dự báo dịp Tết năm nay số lượng người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhu cầu về quê hoặc đi du lịch ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết… tăng đột biến. Lượng xe qua cao tốc hướng TP.HCM - Dầu Giây dự kiến tăng vào các ngày 27, 28-1 và tăng đột biến vào ngày 2 và 3-2...
Các vị trí có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn ứ trên cao tốc gồm tại nút giao vành đai 2, cầu Long Thành, trạm thu phí Long Phước, trạm Dầu Giây, nhánh A&D - trạm thu phí quốc lộ 51 và nút giao quốc lộ 51.
VEC-E cho biết đã chủ động làm việc với lực lượng chức năng thống nhất phương án đảm bảo an toàn và chống ùn ứ giao thông trên cao tốc. Các đơn vị liên quan thống nhất sẽ bố trí thêm lực lượng tại các vị trí có thể xảy ra ùn tắc và phân luồng từ xa khi lượng xe tăng đột biến hoặc xảy ra sự cố giao thông.
Khi nhận được yêu cầu xả trạm từ cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, VEC-E sẽ phối hợp với đại diện các cơ quan chức năng có thẩm quyền, Cục Cảnh sát giao thông... tại hiện trường ghi nhận, lập biên bản việc bắt đầu xả trạm và dừng xả trạm tại các trạm thu phí trên cao tốc.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đã đầu tư giai đoạn 1, với quy mô 4 làn xe. Sau 7 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào các dịp lễ Tết.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc này đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến vị trí giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai).
Đoạn cao tốc dài 24km nêu trên sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại).
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 12.969 tỉ đồng (566,8 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của JICA dự kiến 10.217,5 tỉ đồng (tương đương 446,6 triệu USD), vốn đối ứng trong nước gần 2.752 tỉ đồng.
Dự kiến, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (từ năm 2021 đến 2025).
Theo VEC-E, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong thời gian qua lưu lượng trung bình trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rất thấp. Tuy nhiên sau tháng 10-2021 (nới lỏng giãn cách xã hội), lượng xe trên cao tốc đã và đang tăng cao trở lại.
Trung bình các ngày trong tuần đạt khoảng 38.000 - 42.000 lượt xe/ngày đêm, các ngày cuối tuần đạt khoảng 43.000 - 46.000 lượt xe/ngày đêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận