23/06/2010 05:10 GMT+7

Phận "lính thợ" giữa đêm dài nước Pháp

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC

TT - Cách đây 70 năm, khoảng 20.000 người Việt đã bị buộc lên đường tham gia lực lượng “lính thợ” cho nước Pháp. Họ đã phải sống như những nô lệ trong những phân xưởng chế tạo vũ khí hay trên những cánh đồng hoang lầy của xứ Camargue ở miền nam nước Pháp. Thân phận của những người “lính thợ” là một phần lịch sử bị lãng quên trong đêm trường nước Pháp 70 năm về trước...

Kỳ 1: Kế hoạch Mandel

GJOc16KA.jpgPhóng to

Giữa tháng 12-2009, thành phố Arles (Pháp) long trọng tổ chức buổi lễ vinh danh những người lính thợ Việt Nam đã góp phần làm cho vùng đất miền Nam nước Pháp này thêm trù phú. Chín người “lính thợ” ở tuổi gần đất xa trời đã có mặt để đón nhận huân chương kỷ niệm từ tay thị trưởng Hervé Schiavetti. Phải 70 năm sau, những nông dân Việt Nam đã tham gia trồng lúa ở vùng Camargue mới được nhìn nhận phần công trạng đóng góp của mình.

Những nhân chứng ít ỏi ấy, sự kiện tưởng chừng lẻ loi ấy đã làm dấy lên niềm hi vọng cho con số ít ỏi hơn những người “lính thợ” còn sống tại Việt Nam cũng như con cháu của hàng chục ngàn người “lính thợ” từng sống và làm việc tại Pháp. Họ muốn biết cha ông mình đã sinh sống, làm việc và qua đời như thế nào ở đất nước xa xôi ấy.

Cha tôi vẫn chưa được về!

Trong những năm 1939-1940, hàng chục ngàn thanh niên trai tráng Việt Nam đã ra đi, để lại sau lưng quê nhà, gia đình và con cái. Hàng chục ngàn con người chỉ mang theo ít hành trang cá nhân cùng phiên hiệu đơn vị, số quân lạnh lùng.

Sau bài báo nói về sự kiện vinh danh những người lính thợ(Tuổi Trẻ ngày 12-12-2009), chúng tôi đã nhận được nhiều lá thư tìm người thân đẫm nước mắt. Từ thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Châu viết những dòng đau đớn về hình bóng người cha mờ mịt hơn 70 năm về trước: “Xin phép cho tôi được trình bày và tâm sự đôi điều về hoàn cảnh và nỗi xót xa về người cha lưu lạc xa xứ 70 năm qua, mà tôi là đứa con gái duy nhất đang băn khoăn day dứt không biết làm sao có thể tìm cha. Tờ báo như là bảo vật của tôi. Đọc xong trang báo mắt tôi nhòe lệ. Bởi 20.000 lính thợ được đưa sang Pháp, trong đó có cha tôi và 1.000 người đã chết ở đất nước này. Theo lời dạy của mẹ, tôi giỗ cha tôi vào ngày 29-4 âm lịch hằng năm... Cha tôi ra đi khi tôi vừa 6 tháng tuổi. Tôi trưởng thành thì mẹ cũng đi theo cha. Hơn 50 năm qua tôi ở lại bơ vơ một mình.

Đất nước bị chiến tranh kéo dài hơn 30 năm nên việc tìm cha gặp rất nhiều khó khăn, giấy tờ của cha để lại không còn nữa vì nhà cửa của mẹ bị chiến tranh làm mất sạch. Tôi chỉ được biết theo lời kể của mẹ lúc còn sống: cha tôi chết tại thành phố Marseille, được bạn bè đồng đội chôn cất, có bia mộ tại nghĩa trang dành cho lính thợ người Việt Nam tại Pháp. Nguyện vọng thiết tha của tuổi già, cuối đời làm sao thông qua bà con kiều bào và các cụ “lính thợ” còn sống để biết được thêm tin về cha và tìm cách đưa được hài cốt cha về quê hương đất tổ. Nhưng tôi không biết làm sao, bằng cách nào...”.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Trưởng, 86 tuổi, ở đường Nguyên Hồng, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội, cũng đầy day dứt: “Năm 1947 trước lúc lâm chung, cha tôi đã cầm tay tôi căn dặn phải thay ông tìm cho ra người bác ruột tên là Nguyễn Văn Võ, bị bắt sang Pháp làm lính thợ. Cha tôi cũng dặn phải làm một ngôi mộ gió (mộ không có hài cốt - PV) dành cho người bác trong khu mộ gia đình ở thôn Tiên Lai, tổng Thủy Ba, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Bao giờ tìm được bác thì đưa về đó an táng. Suốt mấy chục năm qua không lúc nào tôi quên lời dặn của cha, nhưng bây giờ tôi đã 87 tuổi rồi, cũng sắp về với tổ tiên mà tung tích người bác vẫn mù xa. Chắc tôi phải giao lại ước nguyện còn dang dở ấy cho con...”.

nkr2bWGe.jpgPhóng to

Trại lính thợ mang tên Bảo Đại ở La Ferté (Saône et Loire). Mỗi ngôi nhà gỗ thế này chứa đến 60 lính thợ - Ảnh tư liệu của ông Phạm Văn Nhân

Lính thợ

Theo đề xuất của bộ trưởng thuộc địa Georges Mandel, ngày 29-8-1939 Chính phủ Pháp ban hành một nghị định trưng dụng nhân công ở Đông Dương, với mục tiêu đưa khoảng 500.000 lính tập và người lao động không chuyên môn từ Việt Nam sang Pháp làm bia đỡ đạn, một phần thay thế thợ thuyền Pháp bị động viên ra trận địa trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Ngày 20-10-1939, chuyến tàu đầu tiên chở 1.200 người lao động Việt rời cảng Hải Phòng. Con tàu cập bến cảng Marseille (Pháp) đúng một tháng sau đó. Nhưng rất may cho họ, nước Pháp thua Đức chóng vánh nên kể từ tháng 10-1939 đến tháng 6-1940, mới chỉ có khoảng 20.000 người bị đưa sang Pháp làm lao động theo hợp đồng sáu tháng đổi một lần. Ra đi là lao động không chuyên môn, nhưng do công việc ban đầu trên đất Pháp là trong các xưởng quân khí hoặc các xí nghiệp liên quan quốc phòng Pháp, nên những người lao động Việt thường tự xưng là công binh và quen gọi nhất là “lính thợ”.

Sau khi Pháp đầu hàng, khoảng 5.000 người được lên tàu về quê nhà, nhưng do thời chiến, con đường về cố hương của họ là vô vọng. Có một chuyến tàu chở gần 500 người đã bị giữ lại ở đất nước Madagascar xa xôi cho tới nay không rõ số phận họ ra sao. Hơn 15.000 lính thợ còn lại, vì nhiều lý do, bị kẹt lại trên đất Pháp. Nếu không tính khoảng một năm trời họ phải làm việc trong các xưởng công binh của Pháp đầy nguy hiểm, thì những năm tháng nước Pháp bị Đức chiếm đóng chính là khoảng thời gian đầy khó khăn khi họ phải sống trong cảnh “một cổ hai tròng” (Pháp - Đức) của một thời chiến tranh loạn lạc.

Trong lời bạt cho cuốn sách Hành trình của một cậu ấm của lính thợ Lê Hữu Thọ, nhà văn người Pháp Maurice Rives viết: “Những người lính thợ Đông Dương cũng như những người cha, chú của họ trong Thế chiến thứ nhất đã đóng góp để đem lại chiến thắng cho nước Pháp. Mặc dù hai cuộc chiến này chỉ liên hệ rất xa xôi với đất nước họ, số phận khốn khổ của họ đã gây ra nhiều trắc ẩn và hối hận cho người Pháp. Xa quê hương tổ quốc, không tin tức gia đình, những người con của đồng ruộng đã không hiểu tại sao họ lại bị nhồi lắc trên mảnh đất bị bầm dập và bị chiếm đóng của Pháp này. Một số người đã chiến đấu một cách dũng cảm để giải phóng thủ đô Pháp. Một số khác phải đợi mười năm sau để trở về quê hương với đầy thương tích của chiến tranh. Số phận của những người đói khát, rách rưới nhưng vẫn tài ba và đầy hi vọng này đã nằm trong quên lãng của đa số người Pháp. Nỗi khổ, tủi nhục của những người xa quê hương này đôi khi cũng làm chúng tôi ái ngại, lương tâm cắn rứt”.

Đó có thể là những nhận xét đầy nhân văn gần đây của một vị sĩ quan Pháp đã trải qua nhiều cuộc chiến. Nhưng câu chuyện của 70 năm trước vẫn còn nhiều bí ẩn...

----------------------------------------------------

Ký ức về câu hát còn lưu lại của một người “lính thợ” 94 tuổi hiện sống tại Nam Định kể về chuyện những người nông dân Việt xưa đã bị “mộ phu” thế nào...

Kỳ 2: “Ấy năm Kỷ Mão trên tòa mộ binh”...

VÕ TRUNG DUNG - THANH LIÊM - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên