Những "nội quy" đùa giỡn và hình ảnh như thế này nhan nhản trên mạng xã hội những ngày qua - Ảnh: Chụp màn hình
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng hai ý kiến trong hàng chục phản hồi của bạn đọc gửi về.
1. Bạn đọc Minh Phát viết:
Tôi thấy nhiều người bình luận trong mục này đang đánh giá thấp và nhìn nhận rất đơn giản về những vấn đề tâm lý.
Ngày xưa "không có" vấn đề về trầm cảm không phải là vì nó không tồn tại mà là vì nó không được ghi nhận trong sách vở, tài liệu nói chung.
Có thể rất nhiều người đã trải qua trầm cảm, ví dụ như trong chiến tranh và thời hậu chiến, nhưng vì thời điểm đó chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về vấn đề sức khỏe tâm lý nên chúng ta không có khả năng chẩn đoán trầm cảm.
Phần nhiều chúng ta xem nhẹ và cho nó là cảm xúc buồn bã nhất thời. Tôi không tin có chuyện "làm dáng để được để ý" như vị ký tên Lê Nam trong phần bình luận này đã viết.
Tôi tin vào mối liên hệ nhân quả giữa việc bình thường hóa chuyện nói về tự tử và sự gia tăng các ca tự tử, cũng như sự liên kết giữa các câu trêu đùa đó và việc vô thức bình thường hóa cá độ bóng đá.
Tôi không bàn cãi về vấn đề trách nhiệm của người tham gia cá độ, vì họ phải trả giá cho hành động của mình.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của người thua độ. Khi nhận ra đã mất tài sản, thay vì nhận được sự hỗ trợ tinh thần (bên cạnh những lời chỉ trích không thể tránh được) để có thể sửa sai và gầy dựng lại sự nghiệp, thì những lời cười cợt của quý vị (dẫu được khoác cái vỏ "châm biếm") tràn ngập trên mạng sẽ đẩy người ta đến tột cùng của sự xấu hổ.
Vô tình hoặc cố ý, quý vị rất có thể là những người đã đẩy họ lên cầu mà chết.
2. Bạn đọc Kim Thương bày tỏ:
Ai mà ngờ được những người đã từng lên án một MV ca nhạc có đề cập đến vấn đề tự tử dù chỉ xuất hiện vài giây để người xem cùng suy ngẫm thì một thời gian sau, cũng chính những người ấy cổ vũ và nói về việc tự tử như là một điều vui vẻ, thú vị, công khai.
Rồi tự coi những hành động đó của mình là đang "góp phần tốt" cảnh tỉnh người khác? Đây là lý lẽ gì vậy?
Đã tìm đến con đường tự tử nghĩa là người muốn tự tử gặp một rắc rối về mặt cảm xúc quá giới hạn chịu đựng của họ và cảm thấy mình cần giải thoát.
Do đó tôi nghĩ chúng ta không nên bàn về việc người đó có đang trầm cảm hay mắc một bệnh tâm lý hay không, để rồi lấp liếm cho một hành động không đồng nhất.
Có bao giờ mọi người ngẫm xem mình xem xét một vấn đề và hành xử dựa trên tính đúng đắn của chính nó hay là "hùa" theo đám đông.
Kể cả những KOLs nổi tiếng, những doanh nhân mang mác thành đạt, những Facebooker có tick xanh... vì để được tán thưởng và được lòng đám đông cũng hành xử như bỏ quên "chính mình"?! Nhìn lại xem ai mới là người cần tỉnh táo?
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Bạn có đồng quan điểm với ý kiến của hai bạn đọc trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận