![]() |
Ngăn cản đoàn xe lửa chở lính Mỹ ra cảng sang Việt Nam |
Mùa hè 1963, cuộc biểu tình qui mô đầu tiên chống sự can thiệp của Mỹ ở VN bùng lên tại TP New York, được hậu thuẫn bởi Phong trào lao động cấp tiến, nơi khai sinh Đảng Lao động cấp tiến năm 1965. Tháng 1-1965, Tổng thống Lyndon Johnson để không kích một cách có hệ thống xuống miền Bắc VN cùng lúc với đổ quân ào ạt vào miền Nam Viêt Nam.
Ngay tức khắc, tại các đại học, các ủy ban phản chiến ở Mỹ đã thành lập hàng chục nhóm đấu tranh. Tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ (Students for a Democratic Society – SDS) thực hiện cuộc xuống đường rầm rộ vào ngày 17-4-1965. Chủ tịch SDS Paul Potter nói: “Cuộc chiến của Mỹ ở VN đã đem lại một lưỡi dao cạo bén khủng khiếp để bây giờ nó cắt nốt những vết tích cuối cùng của một ảo tưởng rằng đạo đức và dân chủ là các tôn chỉ hàng đầu của chính sách ngoại giao Mỹ”.
Thoạt đầu, ban tổ chức SDS nghĩ chỉ chừng vài ngàn người tham gia nhưng sau đó bầu không khí được gây nóng với hơn 25.000 người. Gần như tức thời, SDS trở thành đầu mối lãnh đạo phong trào phản chiến của sinh viên toàn Mỹ. Hàng chục ủy ban phản chiến ra đời.
![]() |
Năm 1966 và 1967 phong trào biểu tình của sinh viên tiếp tục bùng lên đồng thời với các hành động phản kháng quân dịch và lên án Công ty hóa chất Dow – nơi sản xuất bom napalm. Bộ Ngoại giao Mỹ phái chuyên gia tâm lý chiến đến các đại học để “giải độc” nhưng họ phải rút khỏi sân khấu bởi tiếng hò hét điếc tai và những quả trứng thối. Cách đó không xa, tại Manhattan, một mục sư đứng ra thành lập tổ chức “Giáo sĩ và người thế tục quan tâm đến VN”. Tại Berkeley (California), người ta thành lập Ủy ban ngày VN (Vietnam Day Committee) và tổ chức biểu tình ngay trên đường ray xe lửa nhằm ngăn cản các đoàn xe lửa chở lính Mỹ ra cảng.
Tháng 8-1967, một cuộc biểu tình rầm rộ với khoảng nửa triệu người nổ ra tại TP New York. Mùa thu 1967 càng có nhiều cuộc biểu tình hơn. Hàng trăm sinh viên bị đánh đập và bị ngất vì lựu đạn cay tại Madison (bang Wisconsin). Tại Detroit, đã có lần người biểu tình chiếm giữ nhiều khu vực lớn trong thành phố suốt một tuần. Năm 1966, làn sóng phản chiến còn thâm nhập vào quân đội. “Fort Hood 3” là một trong những nhóm qui tụ thành phần binh lính và sĩ quan từ khước sang VN. Một số tổ chức còn ngầm giúp thanh niên trốn quân dịch vượt biên sang Canada hay Thụy Điển trốn.
Cuối năm 1967, ảnh hưởng của giới lãnh đạo sinh viên trở nên đáng kể đến độ một số chính khách bắt đầu tranh thủ. Lãnh đạo Đảng Dân chủ, nghị sĩ Eugene McCarthy và nghị sĩ Robert Kennedy bắt đầu thương lượng với các lãnh tụ của phong trào phản chiến… Ngày càng có nhiều chính khách hàng đầu đứng chung hàng ngũ phong trào phản chiến. Nghị sĩ William Fulbright, (Đảng Dân chủ, chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thượng viện) bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo về chính sách của Mỹ ở VN. Nghị sĩ Fulbright đưa ra câu trả lời cơ bản cho câu hỏi. Tại sao người Mỹ chiến đấu ở VN và làm thế nào Mỹ có thể thắng?” như sau: cuộc chiến của Mỹ ở VN là sai lầm và chắc chắn thất bại.
Giáng sinh 1966, tờ New York Times bắt đầu tung ra loạt phóng sự từ Hà Nội, chỉ ra rằng Tổng thống Johnson đã lừa phỉnh công chúng Mỹ khi ông nói chỉ có những mục tiêu quân sự ở Bắc VN mới bị oanh tạc. Tháng 4-1967, mục sư Martin Luther King phát biểu trong một cuộc biểu tình: “Tôi phản đối chiến tranh vì tôi yêu nước Mỹ. Tôi chống lại chiến tranh không bằng sự giận dữ, mà với sự lo lắng cùng nỗi buồn tận đáy lòng… Cuộc chiến này là một sự phỉ nhổ chống lại tất cả những gì mà nước Mỹ đại diện”...
Từ những khởi đầu đó, phong trào phản chiến ở Mỹ đã là một nhân tố thúc đẩy thất bại của quân lực Hoa Kỳ tại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận