07/09/2014 08:10 GMT+7

Phản biện của nhà khoa học chưa được coi trọng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Nhiều hội đồng khoa học lập ra để phản biện nhưng lại toàn những người có chức quyền ở các bộ, không phải các nhà khoa học độc lập.

GS Lê Đình Lương, chủ tịch Hội Di truyền học VN, phát biểu tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: Thanh Hùng
GS Lê Đình Lương, chủ tịch Hội Di truyền học VN, phát biểu tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: Thanh Hùng

Sáng 6-9, GS Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN, đã có cuộc gặp gỡ với 20 giáo sư thuộc các hội khoa học kỹ thuật để lắng nghe góp ý về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đổi mới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trong cuộc gặp gỡ này, GS Trần Đình Long phát biểu rằng "việc coi trọng khoa học công nghệ ở VN vẫn chỉ là vấn đề lý thuyết".

“Tôi chỉ đưa ra một ví dụ, hơn 10 năm qua vai trò phản biện của các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp hầu như không có. Trong khi kể cả 20-30 năm tới, nước ta vẫn là đất nước của nền kinh tế nông nghiệp, cần ứng dụng công nghệ hiện đại, cần chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này vào thực tiễn sản xuất".

"Không có môi trường thật sự để nhà khoa học tham gia tư vấn, giám sát, phản biện thì không thể có động lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong lĩnh vực này” - GS Long nói.

Bao giờ mới được phản biện thật sự?

Nhiều hội đồng khoa học lập ra để phản biện nhưng lại toàn những người có chức quyền ở các bộ, không phải các nhà khoa học độc lập thì thử hỏi họ có dám thẳng thắn bày tỏ ý kiến khách quan của mình, có dám phản biện, phản đối những vấn đề bất cập không?
GS PHẠM NGỌC ĐĂNG

GS Phạm Ngọc Đăng, phó chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên - môi trường, cho rằng “nghị quyết và các quy định trong việc khuyến khích, phát huy vai trò của trí thức đều có và đều không có gì sai. Nhưng trên thực tế, giới trí thức chưa được tôn trọng, nhà khoa học chưa được các cấp lãnh đạo lắng nghe.

“Tôi chỉ ví dụ về những góp ý kiến nghị của tôi về quy hoạch TP Hà Nội có đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý và khách quan, chỉ mong muốn mang lại lợi ích cho người dân, cho môi trường đô thị ở thủ đô nhưng những góp ý đó gần như không được tiếp thu”.

GS Lê Đình Lương, chủ tịch Hội Di truyền học VN, cho rằng trên thực tế vai trò của các nhà khoa học ở các hiệp hội khoa học kỹ thuật trong việc tư vấn, giám sát, phản biện chưa được coi trọng như quy định đã có.

Điều này dẫn tới việc có nhiều vấn đề có tác động lớn đến xã hội nhưng khi đưa ra Quốc hội vẫn còn lúng túng, thiếu sự thuyết phục đối với xã hội.

“Tôi ví dụ như vấn đề hôn nhân đồng tính, đưa ra đến Quốc hội rồi mà vẫn phải lùi một bước, không cho phép nhưng cũng không cấm được. Hay câu chuyện đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện hiện nay cũng vậy, trình lên trình xuống nhưng vẫn chưa rõ ràng, có rất nhiều bất cập, nhiều vướng mắc chưa được giải đáp một cách thuyết phục” - GS Lương nói.

Tiếp nối với ý kiến của GS Lương, GS - nhà giáo nhân dân Nguyễn Hoa Thịnh, chủ tịch đầu tiên của Hội Cơ học VN, cho rằng các nhà hoạch định chính sách, chiến lược cần phải giải quyết những vấn đề gốc, mà để giải quyết việc đó cần tham vấn ý kiến rộng rãi và thật sự lắng nghe tiếng nói phản biện của các nhà khoa học.

“Việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án giáo dục cơ bản 10 năm, giáo dục nghề nghiệp hai năm nhưng mới đưa ra 2-3 ngày đã vội rút lại. Điều đó cũng chứng tỏ việc tham vấn, lắng nghe ý kiến độc lập của chuyên gia, đội ngũ trí thức để có căn cứ khoa học, thực tiễn đã không được làm một cách thực chất” - GS Thịnh nhận xét.

Nhà khoa học đi “xin việc”, “xin dự án”

Trong khi ở các nước, nhà khoa học được “đặt hàng”, nhà khoa học có thể tham gia tư vấn, phản biện, giám sát ngay từ khâu đầu đến khi có sản phẩm thì ở VN, nhà khoa học nhiều khi phải đi “xin việc”, “xin dự án”... Mà đã ở vào thế “đi xin việc” thì tiếng nói đôi khi không còn mạnh mẽ, thẳng thắn, khách quan nữa. Đây là thực trạng buồn mà các GS đã nhắc đến trong buổi gặp gỡ trao đổi sáng 6-9.

GS Nguyễn Lân, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, nhận xét: “Ở nước ta, cả nhà sản xuất và nhà quản lý đều chưa thấy vai trò của nhà khoa học, của việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ. Chính vì thế mà thay vào việc đi tìm nhà khoa học thì ở đây, nhà khoa học để được duyệt một đề tài nghiên cứu rất gian khổ. Vì gian khổ như thế nên nhiều người thấy nản, không nhiệt tình, không muốn làm. Trong bối cảnh đó, tiêu cực, tham nhũng cũng xuất hiện”. 

“Cần có cơ chế để nhà khoa học tham gia từ khâu đặt hàng của doanh nghiệp để giải đáp, trả lời những khúc mắc, yêu cầu cần đáp ứng đối với nhà sản xuất. Chỉ có như thế thì sản phẩm xã hội mới nâng được hàm lượng chất xám để cạnh tranh” - GS Trần Đình Hòa, phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi VN, chia sẻ.

GS Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật học VN, cho rằng nên có quy định để ít nhất hai năm/lần có một cuộc rà soát, tổng kết những đóng góp của trí thức VN với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đây là việc có ý nghĩa để khích lệ những đóng góp của nhà khoa học, cũng là dịp tìm hiểu nguyên nhân, rút ra bài học về những bất cập, đề xuất điều chỉnh các chính sách nhà nước trong việc quản lý, phát triển khoa học công nghệ...

Trao đổi lại với các GS tại buổi gặp trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ tiếp thu góp ý của các nhà khoa học để có những đề xuất điều chỉnh các quy định, chính sách trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ông cũng cho biết: “Mặt trận Tổ quốc VN sẽ phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức các diễn đàn mở rộng về những vấn đề bức thiết, được xã hội quan tâm”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng tới đây cần phải rà soát lại một cách nghiêm túc về tình trạng “nhà khoa học đứng ngoài cuộc hoặc không được góp ý về những vấn đề hệ trọng trong các lĩnh vực đời sống” để xem vướng mắc nằm ở đâu và khắc phục kịp thời.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên