07/08/2016 09:15 GMT+7

Phạm nhân xây nhà cho giám thị: Gọi tên sự sai trái

CẦM PHAN
CẦM PHAN

TTO - Hàng chục phạm nhân, mặc đồ phạm nhân (áo sọc trắng - xanh) vừa được đưa đi làm... phụ hồ để xây căn biệt thự ngay mặt tiền đường của giám thị trại giam Z30A.

Nhìn nhận của chính gia chủ về chuyện này cũng là tổng kết ngắn gọn vụ việc: Vâng, nó “phản cảm”!

Ông giám thị trại giam hẳn đã quên, hoặc không biết, chuyện ngày vu quy của con gái ông giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Thanh Hóa, bộ phận tham mưu sở đã ban hành một bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên chuẩn bị từ việc dựng rạp, trông xe đến tiếp khách... suốt 10 ngày.

Do ban ngày phải giúp sếp nên công chức, viên chức phải thu xếp việc công vào buổi tối.

Vụ việc sau đó đã rõ: nó trái với mọi chủ trương của trung ương và địa phương, vi phạm quy chế cơ quan cùng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bố trí, sử dụng nhân lực ở cơ quan nhà nước.

Không thấy báo nào dẫn lời ông giám đốc nhưng nếu có hỏi, hẳn ông cũng sẽ khó mà tìm được hai từ nào khác để nhìn nhận. Vâng, nó “phản cảm”!

Nhưng “phản cảm” vẫn chỉ là hai từ rất đậm đà đặc tính xuê xoa của người Việt, một cách nói giảm nói tránh thường thấy cho điều lẽ ra cần gọi đích danh là “sai trái”.

Nhiều vị sếp đã “vận dụng” khéo léo điều thường được gọi là “anh em tình nghĩa giúp nhau” để hóa giải vấn đề trước công luận. Công luận, ở chiều ngược lại, bức xúc thì bức xúc đấy, nhưng rồi sau đó cũng có nhiều tặc lưỡi “thôi cũng chẳng đáng gì”.

Vì thế, từ thuở đám cưới con ông giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Thanh Hóa hồi năm 2011 đến chuyện xây nhà của ông giám thị trại giam năm 2016, những “phản cảm” ấy vẫn diễn ra đều đều.

Ai cũng biết thứ “tập tục” này vẫn tồn tại muôn hình vạn trạng, ở rất nhiều địa phương, cơ quan. Cấp dưới về cơ bản là “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”, thôi anh em làm sao mình làm vậy, cái gì cũng làm đúng hết theo cái lý thì cái tình về sau ắt nhiều nỗi... ngặt nghèo.

Những câu chuyện thế này có thể gợi ra hàng ngàn câu hỏi và suy nghĩ về đối xử với phạm nhân, xử sự với nhân viên, các nguyên tắc tồn tại giấy trắng mực đen trên văn bản về những gì được làm và không được làm mà hễ ai mặc chiếc áo bổn phận cũng phải theo.

Nhưng rốt cuộc, khi “rút kinh nghiệm” sau những vụ việc này có thể rồi sẽ được hoàn tất theo đúng quy trình phê bình, còn điều gì nữa cần nghĩ?

Các nhà tâm lý học từng thử giải đáp việc vì sao con người ta biết là sai mà vẫn làm.

Ông giám thị trại giam biết rõ hơn ai hết rằng không có quy định nào về việc dẫn phạm nhân ra ngoài phục vụ; ông giám đốc sở thông tin - truyền thông hẳn phải rõ rằng đội ngũ cán bộ dưới quyền ông là công bộc, chứ không phải là những người phải rời sở trong giờ hành chính để đi giữ xe cho khách hay dựng rạp cưới.

Những công chức đầy ấm ức, bấm bụng đi phục vụ việc riêng của sếp.

Nhưng “biết sai mà vẫn làm” đơn giản vì ngó trước trông sau, nhìn qua trái sang phải, ở bất kỳ đâu hay khi nào, những thứ sai trái ấy vẫn lù lù diễn ra mà chẳng ai bị sao, có “sao” cũng không đến nỗi căng thẳng, sai lớn sai bé gì rồi cũng qua được cả. Vậy mất công làm đúng thì “mình em khổ sao anh?”.

Cái nhu cầu được tồn tại trong một khuôn khổ “thiên hạ sao mình vậy” được cái tâm lý “dễ mình dễ người” ủng hộ, còn ai nhớ tới cái đúng, cái chính danh, cái lẽ phân biệt phải quấy để mà đứng lên nói ra nỗi băn khoăn dù chỉ ở mức: “Này, tôi thấy cái này sai sai”?

Khi sự thỏa hiệp xuê xoa ấy vẫn là cái nôi nuôi dưỡng an toàn cho mọi sai trái, cái ngày mà bất công hiện hữu cụ thể với từng cá nhân không còn xa.

Mà bất công thì không tự tìm đến, nó đến được vì ta đã từ lâu mở cửa cho nó được vào.

CẦM PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên