Phóng to |
Dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn trong vai trò “thuyền trưởng”, ông góp công lớn mang về cho đội bốn chức vô địch (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia (1992, 2000), đó là chưa kể đến hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam...
Ngày hạnh phúc trên đất khách
Nhâm nhi ly cà phê cùng chúng tôi sau giờ huấn luyện tại Trung tâm thể thao Thành Long, vị danh thủ lừng lẫy một thời của bóng đá miền Nam trước 1975 như trẻ trung trở lại khi nhắc tới giải Merdeka 1966. Ông kể: “Năm 1960, khi mới 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức, nhưng chiếc băng đội trưởng thì chẳng bao giờ tôi nghĩ đến.
Đùng một cái, trước giờ bay sang Malaysia, HLV Weigang họp đội và đề nghị bầu chọn đội trưởng mới thay cho tiền vệ nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thanh. Cũng chẳng biết vì sao ngày ấy anh em lại tín nhiệm và dồn phiếu cho tôi giữ vai thủ quân.
Ngày xưa, Merdeka là một giải đấu danh tiếng, ra đời từ thập niên 1950, luôn qui tụ những đội mạnh nhất của châu Á. Được mời dự giải đã là một vinh dự. Chính vì vậy mà khi đoạt chức vô địch, chúng tôi như đắm mình trong hạnh phúc vô bờ trên đất khách quê người. Hai ngày sau lúc trở thành nhà vô địch Merdeka, toàn đội không về nước ngay mà ghé lại Singapore để thi đấu giao hữu một trận với đội tuyển nước này khi họ vừa tách ra khỏi Liên bang Malaysia.
Khi máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cả đội không thể tin vào mắt mình vì sự đón tiếp trọng thể. Mỗi người chúng tôi đứng trên một xe jeep mui trần diễu hành về tòa đô chính (trụ sở UBND TP.HCM ngày nay) để ra mắt hàng ngàn khán giả đang chờ đợi. Để ghi nhận công sức của đội bóng, các mạnh thường quân và Tổng cuộc Túc cầu tặng mỗi cầu thủ một chiếc lắc được làm bằng 5 chỉ vàng ròng. Việc khen thưởng chỉ dừng lại ở đó, nhưng để lại trong lòng mỗi cầu thủ chúng tôi những dấu ấn đậm nét”.
Nếu muốn gặp lại hoặc tìm kiếm thông tin về những danh thủ từng một thời vang bóng của bóng đá miền Nam trước 1975, bạn chẳng cần đi đâu xa mà hãy đến sân bóng số 5 của Trung tâm thể thao Thành Long vào mỗi chiều thứ sáu hằng tuần. Chính HLV Tam Lang là một trong những người đưa ra lời kêu gọi các cựu tuyển thủ hãy đến với nhau để tập luyện, cũng là dịp để chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống hiện tại. Trong mười cầu thủ ngày xưa thì hết bảy, tám người luôn gặp cảnh lao đao khó nhọc trong việc mưu sinh độ nhật. Chính ông lại đứng ra kêu gọi thành lập hội tương tế cựu cầu thủ. Một việc làm thầm lặng nhưng đong đầy ý nghĩa... |
Ba ngày trước lúc đội tuyển bóng đá miền Nam VN dự Cúp Merdeka 1966, toàn đội bỗng nhận được giấy mời xem một suất hát của Đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Trước giờ kéo màn, đại diện đoàn hát nói vài lời phi lộ và gửi lời cầu chúc đội tuyển “mã đáo thành công”.
Cô đào hát nổi tiếng, được khán giả xưng tụng là “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết bước ra từ cánh gà sân khấu. Thay cho câu vọng cổ mùi mẫn là bó hoa tươi thắm để trao tận tay thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang. Ngay ở lần chạm mặt ấy, nói như người cựu danh thủ thì: “Tôi như bị cô ấy hớp hồn khi nhận hoa...”.
Ngưng một thoáng vì xúc động bởi chuyện cũ hiện về từ ký ức xa xưa, Tam Lang nói: “Sau giải Merdeka, những cuộc hẹn hò giữa chúng tôi nối dài hơn và kết thúc bằng lễ cưới vào đầu năm 1967. Tiếc là quãng đường đi chung của chúng tôi quá ngắn. Do không phù hợp nhau về nhiều mặt nên chúng tôi đành phải nói lời chia tay vào năm 1974. Sau này, cả hai cùng có gia đình riêng rất hạnh phúc. Tôi có một cháu gái (20 tuổi, đang du học ngành dược tại Úc) còn Bạch Tuyết được một cháu trai. Hai gia đình luôn xem nhau như những người bạn thân thiết và cũng hay lui tới thăm viếng lẫn nhau mỗi khi có điều kiện”.
“Có một giai thoại cho rằng vì quá ghen tuông với những cảnh mùi mẫn trên sân khấu nên anh xách súng rulô rượt bắn kép hát đóng chung với chị Bạch Tuyết?”. Nghe chúng tôi hỏi, Tam Lang cười ngất rồi nói: “Đúng là khi còn đá cho đội cảnh sát của chế độ cũ, tôi được gắn lon trung sĩ và được phát khẩu súng ngắn. Ngay sau đó tôi trả súng lại vì thấy nguy hiểm, đồng thời cũng không muốn giữ súng vì đâu có chi cần thiết để giắt kè kè bên người.
Do đó không hề có chuyện tôi xách súng rượt kép hát ngay trên sân khấu như đồn đại đâu. Ngay cả cái lon trung sĩ cũng là chuyện chẳng đặng đừng vào thuở ấy. Lương cầu thủ chẳng được là bao, do vậy ông bầu của đội mới gắn cho tôi thêm lon trung sĩ cảnh sát để có thêm vài đồng lương hằng tháng. Và cũng chính vì cái lon trung sĩ tạm bợ ấy mà tôi phải đi học tập ba ngày sau 30-4-1975...”.
Thăng trầm của một đời người
Sau ngày 30-4-1975, bóng đá lại cuốn hút Tam Lang trở lại với sân cỏ. Giữ vai trung vệ cho Cảng Sài Gòn được gần năm năm, ông chính thức nói lời chia tay để chuyển sang nghiệp HLV. Vừa giã từ đôi giày crămbông, ông được ngành TDTT thành phố cử đi tu nghiệp lớp HLV quốc tế tại CHDC Đức.
Ngày ấy, cái tin Tam Lang được cử ra nước ngoài học để lấy bằng HLV, mà lại là học ở một đất nước XHCN, đã trở thành đầu đề bàn tán khá lâu dài. Người này thì thắc mắc: “Sao lại cử cầu thủ “ngụy” đi học nghề làm thầy đá bóng?”; người khác lại cho rằng: “Chắc cha Tam Lang này là dân Việt cộng nằm vùng nên chỉ phải đi học tập ngắn ngày, nay lại được chọn cho đi học ở nước ngoài”...
Năm 1981, tức sau hơn một năm tu nghiệp, ông tạm biệt CHDC Đức với tấm bằng HLV loại ưu để quay lại với Cảng Sài Gòn trong cương vị mới - HLV trưởng. Riêng việc được chọn đi học nước ngoài, mãi về sau này mới có lời giải đáp thỏa đáng từ chính người trong cuộc: ông được tín nhiệm cử đi học ở nước ngoài nhờ vào bản lý lịch khá tốt - có cha là liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1945.
Nhắc về người cha quá cố, cựu danh thủ lừng lẫy một thời xúc động kể lại: “Số phận của tôi hẩm hiu lắm chứ không đầy rẫy vinh quang như nhiều người lầm tưởng. Tiếng là có cha, nhưng cho tới lúc trưởng thành tôi chẳng hề biết tường tận nét gì đó trên gương mặt của cha ngoài việc cảm nhận về cha mình qua di ảnh còn để lại. Nhưng nỗi đau lớn nhất là cho tới giờ phút này vẫn không hề biết mộ phần của cha nằm nơi đâu! Ông bị địch bắt rồi thủ tiêu ngay trong khám khi tôi vừa lên 3. Cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi vẫn không nguôi nỗi ray rứt về mộ phần lẫn ngày mất của chồng...”.
Vào lúc làn sóng vượt biên rộ lên, nhiều bè bạn đã rủ rê Tam Lang theo chân họ xuống tàu ra nước ngoài tìm vận hội mới. Thậm chí có người còn dọa rằng: “Ông là dân cảnh sát ngụy, ở lại không được trọng dụng đâu. Chi bằng theo tôi vượt biên đi...”. Ông chỉ lắc đầu.
Đơn giản chỉ vì: “Tôi là dân đá banh. Ngoài đá banh ra, đi nước ngoài biết làm gì để sống. Hơn thế, tôi không đành lòng ra đi để lại người mẹ hiền suốt một đời thủy chung thờ chồng, lam lũ kiếm sống để nuôi dạy con khôn lớn...”. Ngồi nhắc lại chuyện xưa, ông cho rằng đó là một quyết định đúng đắn - sự đúng đắn phải đi qua rất nhiều tháng ngày trăn trở, suy tư...
Liệu rằng quyết định ở lại với đất nước có phải là cơ sở để năm 1993, ông được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản VN? Tam Lang đáp ngay: “Tôi không cho là như vậy. Tôi luôn tâm niệm rằng con người từ lúc sinh ra cho tới lúc mất đi thì phải luôn làm việc, luôn cống hiến.
Đó không chỉ là ước mơ mà còn là nguồn sống. Với tôi, dù đã qua tuổi lục tuần từ lâu nhưng niềm tin và tình yêu với quả bóng vẫn luôn đong đầy. Có lẽ vì vậy mà khi được kết nạp Đảng rồi, tôi vẫn không thể ngờ được rằng có ngày mình vinh dự trở thành một đảng viên, nhất là với một người từng có ít nhiều tháng ngày tham gia chế độ cũ...”.
Ở tuổi 63, giọng nói của người cựu danh thủ này vẫn còn sang sảng. Ông nói: “Tôi cảm thấy mình có lỗi rất lớn với người hâm mộ. Bao thế hệ cầu thủ đã đi qua, nhưng giấc mơ đem tấm HCV về cho đất nước vẫn không làm được. Thời của tôi và các đàn em không làm được, do vậy tôi luôn nung nấu giấc mơ ấy bằng cách gầy dựng những thế hệ cầu thủ trẻ cho bóng đá Thành Long nói riêng và cho TP.HCM nói chung. Biết đâu mai này, trong số những tài năng trẻ ấy có người sẽ làm nên chuyện như lớp cha ông ngày trước...”.
-------------------
Tin, bài liên quan
Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất ĐứcKỳ 8: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địchKỳ 9: Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóng
Kỳ sau: “Nữ hoàng” không ngai môn bóng nhựa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận