SDF là tên tắt cụm từ Sans domicile fixe chỉ những người vô gia cư trên nước Pháp.
Đó thường là những người nhập cư, thất nghiệp, bị sa thải...; không có thu nhập để thanh toán điện nước, phải ra đường sau thời gian gắng gượng.
Dù chính sách nhân văn nhưng dân SDF khó có con đường nào khác trong cái quốc cương luẩn quẩn: không việc - mất nhà, không nhà - không xin được việc.
Chỉ bất hạnh sa cơ
Họ, những con người sa cơ đó, sau một thời gian bám víu trợ cấp ít ỏi - nhiều thủ tục của nhà nước đã quyết định sống bên lề xã hội.
Nhà nước có mở các foyer đón tiếp nhưng họ ít vào ở bởi nội quy foyer - do những tình nguyện viên làm ngoài giờ lao động điều phối - mở muộn/đóng sớm, không được say xỉn. Phần lớn họ thích lang thang đâu đó trong những góc xó dơ bẩn, dễ bị xua đuổi...
Đó là lý do tôi chú ý "căn nhà đẹp đẽ" trên phố Auguste Blanqui, tự hỏi có thể vậy chăng mà chính quyền không nỡ đuổi? Nhiều năm nay, tôi nhiều lần đi qua "căn nhà" không cửa đó, mong muốn gặp chủ nhân để bắt chuyện nhưng rất tiếc chưa thể, dù thông qua sự ngăn nắp tinh tươm nhìn thấy, tôi hình dung đó là một cá nhân/gia đình có học, có tư cách, chỉ bất hạnh sa cơ.
Căn nhà không cửa đó luôn làm tôi liên tưởng bức tượng nông dân Việt Nam của cố họa sĩ Lê Bá Đảng. Trùng hợp hơn, phía kia của chính đại lộ này, cách đây 40 năm từng là xưởng vẽ của danh họa.
Cái huy chương vuốt ve trễ muộn
Sau ba năm điều tra, Pierre Daum, nguyên phóng viên báo Le Monde và Libération, đã tìm được 25 nhân chứng - trong đó có bố dượng của chồng tôi, đạo diễn Phạm Văn Nhận và họa sĩ Lê Bá Đảng - để đưa ra ánh sáng một trang sử thuộc địa bị che giấu về những người lao động Việt Nam.
Quyển sách Nhân công Đông Dương - Di cư cưỡng bức ra mắt năm 2009 nhằm giữ lại, như ông nói, chứng từ lịch sử của những tác nhân trực tiếp.
Lịch sử đó ghi rằng năm 1934, một chính sách về cưỡng bức lao động của Chính phủ Pháp quy định trong trường hợp "mẫu quốc" có nguy cơ bị xâm lược, người lao động thuộc địa có thể được trưng dụng.
Năm 1939, Pháp thành lập cơ quan lao động thuộc địa Main d'oeuvre indigène (MOI), tuyển mộ 20.000 nhân công Việt Nam - phần lớn bị cưỡng bức - đưa sang Pháp thay thế công nhân nước này phải nhập ngũ trong Thế chiến thứ hai.
Sinh thời, "chú Nhận", như cách gia đình gọi, thường rủ tôi thăm ruộng Camargue ở miền Nam nước Pháp. Nhìn cánh đồng nước mênh mông nên thơ, ông nói nơi đây không từng nên thơ như những gì tôi thấy, mà như báo La Provence viết: "Nhiều cơ nghiệp lớn đã được xây trên lưng những người nông dân bị đối xử tàn tệ". Lúa trở thành đặc sản thứ tư của Camargue sau bò mộng, ngựa trắng, hồng hạc.
Thế nhưng, cho đến ngày 9-12-2009, người lao động Đông Dương không hề được nhắc tới. Ngày 9-12, sau hơn nửa thế kỷ làm ngơ, chịu sức ép bởi báo chí Pháp và công luận, thị xã Arles thuộc vùng Camargue quyết định tổ chức lễ ghi công những người lao động Đông Dương.
Khi được mời tham dự với tư cách một trong mười nhân chứng, đạo diễn Phạm Văn Nhận và các nhân chứng khác rất vui. Không phải vui cái huy chương vuốt ve trễ muộn, mà vui cho những người đã khuất.
Chỗ đứng trong ký ức quốc gia
Trong buổi lễ này người ta hứa sẽ làm một tượng đài ghi công "lính thợ" Việt Nam và người được giao làm tượng là họa sĩ Lê Bá Đảng.
Đài tưởng niệm những người lao động Việt Nam được xây dựng tại Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône khánh thành ngày 5-10-2014.
Qua diễn từ của Bộ trưởng cựu chiến binh Kader Arif tại lễ khánh thành, Chính phủ Pháp lần đầu tiên công nhận "Cách đây 70 năm, 20.000 người lao động Đông Dương đã bị ép buộc đi sang đất Pháp.
Từ đó, lịch sử của họ được đánh dấu bởi những cụm từ: bị bật rễ, tồn tại cô đơn, lao động trong điều kiện kinh hoàng, bị lãng quên.
Sự hiện diện của họ đã tạc hình lãnh thổ nước ta. Họ đã để lại đó một phần linh hồn của họ.
Ngày hôm nay, sự tôn vinh và ghi ơn của nước Pháp phải tương xứng với những hy sinh của những con người đó".
Rằng "Dựng tấm bia tại đất nước cộng hòa, quý vị trả lại cho những người này chỗ đứng của họ trong ký ức quốc gia. Quý vị cũng giúp con cháu những người lao động đó hiểu rõ lịch sử của họ - một lịch sử có chung với con cháu của những người chính quốc".
Bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của cố họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.
Nhưng cảm xúc bật lên chính là sự quý yêu của tác giả đối với đồng bào khi chọn hình ảnh nông dân vác cuốc ra đồng với tư thế lạc quan, hồn hậu chứ không phải tư thế nô lệ. Với danh họa, thân phận có thể nhục nhằn theo thế sự nhưng nhân phẩm bất biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận