23/12/2018 19:45 GMT+7

Hạt gạo Camargue nổi tiếng Pháp và lính thợ Việt Nam 70 năm

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Ít ai ngờ rằng hạt gạo Camargue nổi tiếng của Pháp hiện nay lại kết tinh từ những 'ngọt bùi đắng cay' của lính thợ Việt Nam hơn 70 năm trước.

Hạt gạo Camargue nổi tiếng Pháp và lính thợ Việt Nam 70 năm - Ảnh 1.

Bìa quyển Les lính thợ, immigrés de force

Camargue rộng 1.500km2, nằm bên bờ Địa Trung Hải, là công viên thiên nhiên cấp vùng của Pháp và khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Camargue là thủ phủ gạo Pháp và đáp ứng gần 1/3 nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, gạo Camargue ngày nay không ra đời từ nông nghiệp truyền thống của Pháp.

Việc trồng lúa gạo ở Camargue nói riêng và châu thổ sông Rhône nói chung chỉ bắt đầu từ Thế chiến thứ hai (1939-1945), nhờ những người lính thợ Việt Nam bị buộc sang Pháp.

"Vàng trắng của Camargue"

Vào thế kỷ 16 và 19, nông dân Camargue đã thử trồng lúa nhưng chỉ thu được một loại gạo thô dùng để nuôi gia súc, làm khô đầm lầy hoặc khử mặn cho đất.

Ruộng lúa cuối cùng thuộc loại này đã biến mất vào năm 1939. Ngược lại, từ 5.000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, việc trồng lúa gạo đã xuất hiện ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng và hình thành những kỹ thuật tinh vi: làm đất, cấy lúa, tưới tiêu.

Những bí quyết này được lính thợ Việt Nam truyền cho nông dân Camargue từ năm 1941-1948. Điều này giúp nghề trồng lúa gạo hồi sinh, giúp các chủ ruộng Camargue làm giàu và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ngoài ra, số lúa thu hoạch được với kỹ thuật canh tác mới giúp dân Camargue tránh được nạn đói trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai. Vì vậy, nông dân ở đây gọi lúa gạo là "vàng trắng của Camargue".

Lính thợ Việt Nam: người truyền bí quyết

Trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai, Chính phủ Pháp đã huy động 20.000 thanh niên nông thôn Việt Nam sang Pháp làm việc trong các nhà máy quân sự. Trừ một số rất ít tình nguyện, phần lớn những thanh niên này bị ép buộc phục vụ "mẫu quốc".

Ở Việt Nam, gia đình nào có ba con trai trở lên đều phải cử một người sang Pháp nếu không muốn bị tù tội.

Lính thợ Việt Nam phải làm việc trong những điều kiện khủng khiếp tại các nhà máy quân sự hoặc vùng đầm lầy Dordogne, các khu rừng của Vaucluse, các xưởng dệt châu thổ sông Rhône. Họ cũng có mặt tại các ruộng muối hoặc ruộng lúa Camargue - nơi họ bị tấn công bởi muỗi và cái nắng thiêu đốt.

Năm 1941, trước nguy cơ thiếu lương thực, Chính phủ Pháp huy động hàng trăm lính thợ Việt Nam - những người am hiểu bí quyết trồng lúa - đến Camargue giúp nông dân cải thiện kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm.

Những người lính thợ này không chỉ khôi phục nghề trồng lúa gạo ở Camargue, mà còn làm giàu cho các đại điền chủ xứ Arles.

Hạt gạo Camargue nổi tiếng Pháp và lính thợ Việt Nam 70 năm - Ảnh 2.

Bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương - Ảnh: AMPOI

Lãng quên và biết ơn

Sự hiện diện của hàng nghìn lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Thế chiến thứ hai bị lãng quên trong thời gian dài. Họ không được đối xử như quân nhân và chẳng được xem là dân thường. Chính phủ Pháp sử dụng họ trong nhiều năm nhưng không trả lương tương xứng. Tên tuổi, gương mặt và hình bóng của họ bị xóa nhòa trong lịch sử Pháp.

Năm 2004, Pierre Daum - phóng viên nhật báo Libération - phát hiện một bức ảnh chụp năm 1942 thể hiện một số người Việt Nam đang trồng lúa tại Camargue.

Điều này thôi thúc Daum tìm hiểu và viết nhiều sách về lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Thế chiến thứ hai, mà gần đây nhất (2017) là truyện tranh Les lính thợ, immigrés de force (Lính thợ - những người bị cưỡng bức nhập cư).

Năm 2009, Hervé Schiavetti - thị trưởng thành phố Arles - đã tổ chức một buổi lễ vinh danh lính thợ Việt Nam với sự hiện diện của những lính thợ cuối cùng còn sống.

Năm 2013, đạo diễn Pháp gốc Việt Lê Lâm ra mắt bộ phim tài liệu Công Binh, la longue nuit Indochinoise (Công Binh - đêm dài Đông Dương). Trước đó, phim này đã nhận giải tại LHP Pessac 2012 và LHP Amiens 2012.

Năm 2014, đài tưởng niệm quốc gia những người lính thợ Việt Nam được khánh thành ở Salin-de-Giraud (thành phố Arles) với hai ngôn ngữ Việt - Pháp, trong đó nội dung tiếng Việt là: "Nhớ ơn hai mươi ngàn công nhân người Việt Nam đã bị trưng dụng từ năm 1939 đến 1952 / Để tưởng niệm lịch sử những người thợ Việt Nam tại Pháp và tưởng niệm những ai đã qua đời trên đất Pháp".

Tháng 3-2018, kênh truyền hình TV5 của Pháp phát phóng sự về những người lính thợ Đông Dương, trong đó có lời kể của cụ Trần Văn Thân - lính thợ 100 tuổi còn sống.

Hạt gạo Camargue nổi tiếng Pháp và lính thợ Việt Nam 70 năm - Ảnh 3.

Lính thợ Việt Nam canh tác tại Camargue - Ảnh: AMPOI

Vĩ thanh

Nếu có dịp vào nhà hàng và thưởng thức những món ăn ngon chế biến từ gạo Camargue, bạn hãy dành một phút tưởng niệm những người lính thợ Việt Nam đã truyền bí quyết trồng lúa cho nông dân Pháp và vĩnh viễn vùi thân nơi đất lạ.

Rất có thể những người này là bà con của bạn và hậu duệ của họ đang khắc khoải chờ mong một ngày về thăm quê cha đất tổ. Bạn sẽ thêm yêu "giọt mồ hôi sa / những trưa tháng sáu" và thấu hiểu câu nói của Pierre Daum: "Nhà nước Pháp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nhận trách nhiệm về quá khứ thực dân của mình".

Jean - Pierre và một gia đình 'lính thợ' Jean - Pierre và một gia đình "lính thợ"

TT - Giữa năm 2002, Jean - Pierre Lemmel - một doanh nhân ở thành phố Madrid (Tây Ban Nha) - cùng vợ du lịch đến VN. Cuộc hội ngộ rất tình cờ giữa đôi vợ chồng người khách Tây với bà Trần Thị Hải, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, đã tạo ra một câu chuyện cảm động liên quan đến một người “lính thợ” VN...

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên