30/06/2010 05:05 GMT+7

Jean - Pierre và một gia đình "lính thợ"

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Giữa năm 2002, Jean - Pierre Lemmel - một doanh nhân ở thành phố Madrid (Tây Ban Nha) - cùng vợ du lịch đến VN. Cuộc hội ngộ rất tình cờ giữa đôi vợ chồng người khách Tây với bà Trần Thị Hải, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, đã tạo ra một câu chuyện cảm động liên quan đến một người “lính thợ” VN...

VxeyKDWe.jpgPhóng to

Lời dặn bên ngôi mộ gió

Bà Trần Thị Lan, chị cả bà Hải, nay đã 79 tuổi, ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM, kể về những năm tuổi thơ của hai người: “Từ nhỏ ở làng Thiện La, tổng Do Trường, Thanh Hóa (nay là làng Trần Phú, xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc), chúng tôi đã nghe mẹ và bà nội kể rất nhiều về chuyện ông nội tôi bị bắt sang Pháp làm “lính thợ” rồi mất bên ấy. Đó là khoảng cuối năm 1914, thực hiện luật “tam đinh nhất thủ” - tức là nhà nào có từ ba anh em trai đến tuổi trưởng thành thì một người phải đi lính cho Pháp.

Ông nội tôi có tới năm anh em trai, ông là con cả nên phải đứng ra đi thay cho các em, dù lúc ấy bà mới sinh bố tôi được 3 tháng tuổi. Ông đi rồi, gia đình bên nội cũng khổ quá không giúp được gì, bà tôi đành bế bố tôi đi khắp làng, khắp tổng vừa làm thuê kiếm tiền vừa chăm sóc con. Vài năm sau hai người trong làng bị bắt đưa sang Pháp làm “lính thợ” cùng đợt với ông trở về, họ trao lại bộ đồ mà ông tôi mặc khi ra đi và cho biết ông đã bệnh và mất tại Toulouse (Pháp). Đau khổ và suy sụp lắm nhưng bà vẫn ở vậy nuôi bố tôi. Lớn lên, bố đi hoạt động cách mạng rồi bị đày đi nhà lao ở Tây nguyên.

Ở nhà, mẹ và các chị em tôi nương tựa vào bà mà sống. Đó là những năm tháng khó khăn nhất. Ăn không đủ no, làm việc quá sức mà ăn uống kham khổ nên bà cứ bệnh hoài. Hồi đó nhà chỉ có một cái váy để bà và mẹ thay nhau mặc khi ra ngoài. Có lần bà sốt cao, nằm liệt trong ổ rơm cả tuần mà không có tiền chạy thuốc. Quẫn bách quá, mẹ tôi phải nhường chiếc váy cho bà, còn mình lấy mảnh bao bố quấn rồi cõng bà đến nhà lý trưởng Nhợn trong làng lạy họ để vay hai quan tiền mua thuốc. Bà tôi đã không qua được tuổi bốn mươi...”.

Dạo đó bà Lan mới là một đứa trẻ lên mười, nhưng cho tới giờ trong ký ức của bà vẫn còn nguyên lời dặn của bà nội trước lúc đi xa: “Thằng Tây đã bắt ông các con đi lính, khiến ông chết cô quạnh nơi xứ người. Các con phải cố tìm bố, tìm ông cho bà...”. Theo lời dạy, mẹ tôi đã làm hai phần mộ. Mộ thật ghi tên bà, bên cạnh là mộ gió ghi tên ông với bộ hài cốt tượng trưng là chiếc gáo dừa (tượng trưng xương sọ) và mấy khúc gỗ dâu (xương chân tay) ngay sau nhà...

“Tôi thù ghét chiến tranh...”

Đã nhiều lần bà Hải định sang Pháp tìm kiếm các manh mối, nhưng rồi ý định cũng không thực hiện được, phần vì mối lo cơm áo gạo tiền, phần vì những thông tin về ông quá ít ỏi. Cho tới một ngày giữa năm 2002, khi đang công tác tại Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần đi làm phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch, bà Hải tình cờ gặp vợ chồng người khách đến từ Tây Ban Nha.

“Vì biết ông Jean - Pierre Lemmel là người gốc Pháp nên tôi có kể chuyện ông nội tôi bị chết bên Pháp. Lúc ấy tôi chỉ muốn kể để thấy lòng nhẹ hơn, vì bố tôi đã già yếu, ông luôn ao ước tìm được mộ ông nội tôi trước khi qua đời.

Không ngờ khi trở về nước ông Jean - Pierre đã chủ động gọi điện cho tôi, đề nghị tôi cung cấp tất cả thông tin có được liên quan tới ông tôi. Tôi hỏi bố, lúc ấy đã gần 90 tuổi, ông cũng chỉ nhớ bà tôi kể lại rằng ông tôi tên Trần Văn Thư, sang Pháp khoảng năm 1914, mất ngày 15-12- 1918. Hơn ba tháng sau ông Jean - Pierre thông báo đã tìm ra được nơi chôn cất ông tôi. Tôi lập tức gọi cho bố. Lúc ấy bố tôi đang trên giường bệnh và ông đã bật khóc” - bà Trần Thị Hải nhớ lại.

Sau khi nhận được thông tin từ bà Hải, ông Jean - Pierre, lúc ấy đã 67 tuổi, liền viết thư gửi đến nhiều tổ chức ở Pháp dò hỏi thông tin. Người ta chỉ ông tới Trung tâm lưu trữ tài liệu lịch sử hải ngoại của Pháp, đặt tại Paris. Ông Jean - Pierre cũng gửi thư đến tòa thị chính Toulouse, thành phố phía tây nam nước Pháp, nơi đã tiếp nhận những “lính thợ” VN từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Hai tháng sau ông nhận được thư phúc đáp đề ngày 26-9-2002, do tiến sĩ A.Ducap, cố vấn thị trưởng thành phố Toulouse, ký thông báo đã tìm thấy nơi chôn cất “lính thợ” Trần Văn Thư tại nghĩa trang Terre Cabade, thành phố Toulouse, nhưng ngày mất là 27-1-1918, chứ không phải ngày 15-12-1918 như thông tin gia đình cung cấp.

Thông báo của tòa thị chính Toulouse cũng cho biết trước đây ông Trần Văn Thư được chôn cất cùng những “lính thợ” khác ở một khu vực quân sự trong thành phố, đến năm 1954 hài cốt được cải táng tập trung về nghĩa trang Terre Cabade. Thông tin khá chi tiết nhưng ông Jean - Pierre vẫn băn khoăn: “Tại sao là ngày 27-1 chứ không phải là ngày 15-12? Phải chăng có hai người “lính thợ” trùng tên, trùng quê quán nên mới có hai ngày mất và đâu là người cần tìm?”.

Ông Jean - Pierre đặt ra nhiều giả thiết và đã tìm được câu trả lời: ngày 27-1-1918 (dương lịch) cũng là ngày 15-12 năm Đinh Tỵ. Người VN hay tính ngày tháng theo âm lịch nên mới có sự khác biệt này. Để chắc chắn hơn, ông Jean - Pierre tiếp tục làm cuộc hành trình từ Madrid (Tây Ban Nha) sang Toulouse (Pháp), vào nghĩa trang Terre Cabade và tìm cho bằng được dòng tên Tran Van Thu (Trần Văn Thư) trong bảng ghi danh dài dằng dặc những người “lính thợ” VN qua đời ở Pháp.

Trong một bức thư của mình, ông Jean - Pierre gửi gắm tâm tình với những người Việt mà ông yêu quý: “Tôi thấu hiểu nỗi đau buồn và mong muốn được chia sẻ cùng bà, vì người ông của bà đã gửi thân tại một đất nước xa xôi, đã hi sinh không phải vì sự nghiệp của đất nước bà mà là của nước Pháp. Tôi thù ghét chiến tranh vì nó chỉ mang lại thương đau, hủy diệt và cái chết.

Nếu có cơ hội, tôi xin gửi thông điệp này đến các bạn VN: Hãy giáo dục lịch sử khách quan cho tất cả thanh thiếu niên để nhớ chuyện gì đã xảy ra mà không gây thù hận, hoặc tạo tư tưởng trả thù vì tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm trong lúc này hoặc lúc khác...”.

bbVYjJ1A.jpgPhóng to

Ông bà Jean - Pierre Lemmel - Ảnh do nhân vật cung cấp

Jean - Pierre Lemmel sinh năm 1935 ở Tours (Pháp). Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai ông chuyển sang sống ở Paris. Ông tốt nghiệp ngành khoa học doanh nghiệp Trường cao học Paris. Năm 1969 Jean - Pierre được gửi sang Tây Ban Nha làm giám đốc một công ty công nghiệp của Pháp ở Madrid. Ông lấy vợ người Tây Ban Nha và ở lại đó đến nay. Ông là tác giả của tác phẩm Gieo hạt gây chú ý tại Tây Ban Nha. Cuốn sách nói về cuộc sống và những mất mát của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

__________________

Con trai một người “lính thợ” đã dành thời gian lập một trang web để kết nối những tư liệu từ quá khứ đau buồn của “lính thợ” Việt, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu sau này...

Kỳ cuối: Trang web của Joel Phạm

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên