23/10/2014 07:16 GMT+7

Phải tạo cơ chế cho phản biện xã hội

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị như vậy trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Kỳ họp lần 8 Quốc hội sẽ thông qua và cho ý kiến nhiều dự thảo Luật

Báo cáo được ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm ủy ban, trình bày trước Quốc hội sáng 22-10.

Báo cáo thẩm tra nêu: dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) cần làm rõ hơn giá trị pháp lý hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận.

Đồng thời bổ sung các nội dung cụ thể cần được phản biện xã hội, quy trình thực hiện phản biện xã hội, nhất là cần quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không nêu chung chung là “các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật”.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng cần xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện.

Theo ông Vũ Trọng Kim - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một trong những điểm đáng lưu ý trong dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) là đã bổ sung các quy định mới về phạm vi điều chỉnh trách nhiệm và quyền hạn thực hiện dân chủ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

“Hầu hết nội dung được sửa đổi đều nhằm bảo đảm các quy định phù hợp với thực tiễn, những yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và quy định tại Hiến pháp, khắc phục những bất cập, khó khăn trong hoạt động của Mặt trận do những hạn chế của luật hiện hành” - ông Vũ Trọng Kim nói.

Cũng trong sáng 22-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang đọc tờ trình về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên