Sau khi tốt nghiệp Trường trung học phổ thông Vũng Tàu, tôi lên Sài Gòn tiếp tục con đường học hành. Tôi nhớ vào kỳ nghỉ hè năm 1986, khi về Vũng Tàu chơi tình cờ đi ngang qua rạp chiếu bóng Duy Tân, tôi thấy ở đây đang chiếu bộ phim Thập tam thái bảo do tài tử nổi tiếng của Hong Kong Khương Đại Vệ thủ vai chính. Thấy phim hay nên tôi quyết định gửi xe đạp rồi mua vé vào xem. Vừa dắt chiếc xe đạp vào bãi giữ xe định gửi, tôi bỗng giật mình khi bất ngờ trông thấy thầy Linh đang giữ xe ở đây. Tôi lật đật dắt xe ra ngoài rồi lủi nhanh vào một con hẻm gần đó. Một lúc sau, tôi phải nhờ một chị bán thuốc lá dạo gần đó mang xe vào gửi rồi lấy thẻ giữ xe cho mình. Khi chị bán thuốc lá dạo đưa cho tôi chiếc thẻ giữ xe, tôi thở phào nhẹ nhõm rồi khoan khoái bước vào rạp xem phim. Xem phim xong, tôi lại nhờ chị bán thuốc lá dạo lấy xe ra giùm. Thế là tôi đã thoát được thầy!
Mấy ngày sau tôi lại tiếp tục đến rạp Duy Tân xem phim. Đang nháo nhác tìm chị bán thuốc lá dạo để nhờ gửi xe thì bỗng có một bàn tay đặt vào vai tôi. Quay lại, tôi bỗng giật mình khi nhận ra trước mặt tôi là thầy Linh. Thầy nhìn tôi bằng ánh mắt buồn buồn:
“Có phải em cảm thấy rất ngại ngùng khi có một người thầy phải đi làm thêm bằng nghề giữ xe phải không? Thầy biết có thể nghề giữ xe có vẻ không thích hợp với một ông thầy giáo nhưng cuộc sống bây giờ khó khăn quá, biết làm sao được. Thôi thì trước hết phải cố sống lương thiện cái đã...”.
Nói xong, thầy dắt chiếc xe đạp trong tay tôi mang vào bãi gửi xe rồi viết thẻ đưa cho tôi. Thầy nheo mắt nhìn tôi: “Mai mốt em có đi xem phim thì cứ đưa xe vào đây cho thầy giữ rồi lấy thẻ, không cần phải nhờ người khác đâu...”.
Ngày hôm ấy ngồi trong rạp xem phim nhưng tôi hoàn toàn không biết bộ phim đang chiếu trước mặt mình nội dung ra sao. Người tôi lúc nào cũng hâm hấp mồ hôi như đang lên một cơn sốt cao. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm thấy rất dằn vặt và ân hận về cách mình đã xử sự với người thầy cũ. Có lẽ thái độ quay lưng lảng tránh của tôi khi phát hiện người thầy đáng kính của mình bây giờ phải đi giữ xe đã vô tình làm người thầy cũ bị tổn thương. Nếu như tôi cứ hành động như một người bình thường khác, tức vẫn dắt xe vào gửi rồi ân cần hỏi thăm sức khỏe thầy thì có lẽ mọi việc sẽ hay hơn biết bao nhiêu. Suy cho cùng, người thầy cho dù có nghiêm khắc đáng kính tới đâu chăng nữa thì trong cuộc sống hằng ngày họ vẫn phải rất cần tới cơm áo gạo tiền. Và trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ thì công việc giữ xe vẫn là một nghề lương thiện...
Những ngày tháng tiếp theo sau, mỗi khi nghe có ai nhắc tới thầy Linh thì trong lòng tôi bỗng day dứt một nỗi dằn vặt khó tả. Vì phải đi học xa nên tôi luôn mong có một dịp nào đó sẽ được gặp thầy để giãi bày tâm sự. Nhưng sau đó ít lâu, qua nguồn tin của bạn bè, tôi vô cùng đau đớn khi được biết thầy đã đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Vậy là tôi đã không còn có cơ hội được gặp lại người thầy năm xưa để nói một lời xin lỗi muộn màng...
Bây giờ cứ mỗi lần có dịp đi ngang qua rạp chiếu phim Duy Tân ở thành phố Vũng Tàu là tôi lại bồi hồi nhớ đến thầy Linh. Trước mắt tôi như vẫn hiện lên những hình ảnh của khoảng thời gian gần 30 năm về trước, hình ảnh người thầy đáng kính của tôi tay cầm một cọc thẻ giữ xe, tay cầm viên phấn, tất tả chạy ngược chạy xuôi dắt xe vào rồi ghi thẻ cho khách. Cuộc sống người thầy giờ đây có vẻ đã tốt hơn so với ngày trước. Thầy giáo bây giờ có người đã sắm được xe hơi, xây nhà lầu nhờ đi dạy thêm. Nhưng nếu nhìn trên tổng thể rộng hơn thì đa số giáo viên vẫn còn nhiều người sống rất khó khăn, một số vẫn phải đi làm thêm bằng những công việc có vẻ rất “trái nghề” mà đôi lúc thường phải nhận sự dè bỉu của xã hội cũng như sự lảng tránh của chính những học trò của mình.
“Phải sống lương thiện cái đã”. Câu nói mà người thầy đã nói với tôi năm xưa ở bãi giữ xe lúc nào tôi cũng nhớ và đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi bây giờ. Đó cũng là câu nói mà tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở con cái mỗi khi ân cần dạy bảo con...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận