Phóng to |
Nhưng trước khi làm được như vậy, ba anh em họ đã từng nhiều lần quấn lấy nhau như ba con giun đất bên bờ sông Kiến Giang toan tính một cái chết để thoát cảnh tàn tật, nghèo túng, cô độc và bế tắc.
"Nhiều lần toan chết nhưng răng bọn em vẫn không chết được"- chị Phan Thị Bi ngơ ngác kể. "Răng lại chết? Lần mô định chết em cũng hét lên, em không muốn chết, sống cực mấy cũng được, nhưng em không muốn chết" - anh Phan Thanh Giản tiếp lời. "Tui là anh hai đứa nó, chính tui muốn đưa hai đứa em cùng lăn xuống sông Kiến Giang chết cho xong, nhưng lại chính tôi dùng miệng cắn cổ áo hai đứa em mình, kéo vào nhà, không thể chết như rứa được, phải sống thôi anh nờ..." - anh Gianh tâm sự...
"Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu?..."
Bà Nguyễn Thị Bích, mẹ của ba người con tật nguyền run run thắp nén hương trước bàn thờ chồng, sụt sịt khóc và kể lể, nhưng không phải bà kể cho tôi nghe mà như đang phụng phịu với chồng mình: "Tui là tui hận cái đêm tháng chạp nớ. Gần tết. Ông đến trước cửa ngõ nhà tui. Ông hát. Làng Xuân Hồi xã Liên Thuỷ ni ai không biết ông hát hay. Huyện Lệ Thuỷ lại có nhiều làn điệu dân ca hay như rứa, ông lại hát hay như rứa, có đứa con gái mô trong làng mà không ưng ông, răng ông lại ưng tui, lại đến trước ngõ nhà tui, ông hát, ông cưa kéo tui. Thì tui cũng không thua chi ông. Tui hát đối đáp với ông. Nhớ không?
"Chứ thiếp hỏi thăm chàng... Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang? Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt? Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu?...". Ông đáp: "Thiếp hỏi thì chàng xin thưa (...). Trong ngàn thứ bắp, lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp không rang. Trong vạn thứ than, than thở thở than là than không quạt. Trong triệu thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu...". Rứa thôi mà ưng nhau.
Phóng to |
Anh Phan Thanh Giản tại hiệu cắt tóc của mình |
Hơn 40 năm, bà Bích gập lưng xuống ruộng, nhặt nhạnh từng hạt lúa củ khoai chỉ mong lo đủ ngày hai bữa cơm nuôi những đứa con tàn tật. Ngày quăng quật trên ruộng, tối, bà và con thuyền nhỏ, với vài tay lưới, xé đêm ra thả lưới, kiếm từng con cá, bán được đồng nào mua gạo đồng đó, không đủ tiền mua gạo thì mua khoai sắn, muối tương. Mái tóc một thời tốt tươi, dài chấm gót của bà, qua từng năm tháng cực nhọc, rơi rụng hết trên sông nước Kiến Giang. Nhưng bù lại, những đứa con tật nguyền của bà đã lớn khôn và thành người lớn tự lúc nào... Đã đến tuổi gần đất xa trời, vẫn trong cảnh khổ, nhưng nhìn ba đứa con lúc này, bà yên lòng mà nói với chồng rằng, bà đã không phụ lòng ông, đã không bạc tình bạc nghĩa với ông...
"Bác Khải ơi, hãy cho cháu một cái xe lăn..."
Trong ba anh em thì Phan Thanh Giản quyết chí hơn cả. Anh còn xin đi học đến lớp 3. Biết chữ rồi, anh về dạy lại cho anh và chị của mình. Anh bàn với anh chị tìm kế sống. Thôi thì đủ cách: Làm nón, đan lưới, nuôi gà, nuôi lợn, giữ trẻ thuê. Phải quăng quật nhiều năm như vậy thì Giản mới tìm cho mình được một nghề phù hợp: Cắt tóc.
"Em nhớ, lần đầu cắt tóc cho anh Bình. Hồi hộp lắm. Mình bị teo chân, phải nhờ anh Bình bế đặt lên cái ghế thật cao. Anh Bình nói: "Tau thương mi, tau liều cho mi cắt tóc để mọi người khỏi mặc cảm, họ cũng sẽ đến cho mi cắt tóc". Em cố cắt cho thật đẹp nhưng càng cố thì cái đầu tóc anh Bình cứ méo mó, nham nhở. Anh Bình soi gương, la lên oai oái nhưng vẫn trả tiền rồi ba chân bốn cẳng phóng về thị xã cắt lại.
Em lại lôi đầu anh Gianh ra cắt. Anh Gianh cười: "Tau cũng tật nguyền như mi, cứ cắt đi, xấu đẹp chi cũng được, miễn là mi thạo nghề".
Mấy tháng liền em cứ lấy đầu tóc của anh em làm thí nghiệm. Rồi quen tay. Rồi có khách. Khách trong xóm, trong thôn, trong làng. Rứa là có tiền. Có tiền rồi, em muốn làm răng để có một chuyến đi thật xa, đi được quanh làng. Cả đời em chỉ loanh quanh trong sân nhà, làm răng ra khỏi được vườn nhà mình? Phải có xe lăn thôi. Nhưng lấy tiền mô mua xe lăn.
Tự dưng em liều lên, viết thư cho bác Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong thư em nói rằng, bác Khải ơi, cháu bị thương tật liệt chân, khổ lắm, không đi mô được hết, bác là Thủ tướng, bác cho cháu cái xe lăn được không? Em viết rồi cho thư vào phong bì. Em đề ngoài bì thư: "Cháu Phan Thanh Giản, làng Xuân Hồi, xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Kính gửi bác Phan Văn Khải Thủ tướng ở Hà Nội". Rứa mà thư đến tay bác Khải.
Rồi bác Khải gửi thư trả lời, lại đề nghị Hội Chữ thập Đỏ tặng cho em chiếc xe lăn. Mừng ơi là mừng. Có xe lăn, em đi lại trong làng, trong thôn, biết nhiều người, " tiếp thị" nghề cắt tóc của mình, "khuyến mãi" cả giá cả, rứa là đông khách anh ạ. Rứa là ở ngoài nớ bác Khải không biết mô, nhờ bác mà em có được đôi chân đấy.
Phóng to |
Các cháu bé rất thích được chú Gianh bế ẵm |
Ví dụ như bài ni: Chia tay em trên dòng sông xóm vắng/ Trăng mùa thu bàng bạc cuối chân trời/ Sương rơi ướt trên từng thảm cỏ/ Bóng em nhoà hun hút vào đêm... Mấy lần em định làm một số bài thơ tố cáo Mỹ rải chất độc da cam, làm khổ bao người rồi bỏ vô bì thư gửi thẳng cho Tổng thống Mỹ.
"Nếu anh em tui có được vài triệu thì biết tay..."
Ngồi nói chuyện mãi với mấy anh em họ, kể tới kể lui vẫn là chuyện khổ. Chị Bi nói: "Bây chừ trong nhà tui vẫn bữa cơm, bữa cháo thôi, vẫn có chút thức ăn mắm ruốc, muối vừng, nhưng so với trước đây là quá sướng rồi. Bây chừ, mỗi tháng ba anh chị em được trợ cấp khoảng 400 ngàn, rứa là quá sướng".
Anh Giản thắc mắc: "Chính sách chi rất lạ. Cả ba anh em nhà tui đều bị tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam. Nhưng chỉ có tui và chị Bi là được hưởng chính sách trợ cấp cho người bị chất độc da cam, còn anh Gianh lại được hưởng chính sách trợ cấp người nghèo. Răng lại rứa? Anh Gianh nói: "Ba anh em phân công nhau, thằng Giản cắt tóc, con Bi nuôi gà, nuôi lợn, giúp mẹ nấu nướng. Tui giữ trẻ". Chị Bi thở dài:" Tui mà có được vài triệu bạc thì biết tay".
Tôi ngạc nhiên: "Vài triệu bạc thì làm được gì mà chị doạ ghê thế?". Chị Bi cười: "Thiệt đó. Nếu có vài triệu bạc, tui nuôi được cả trại lợn, rồi cho nó đẻ, rồi lại bán, rồi cho nó đẻ, rồi lại bán, quanh năm suốt tháng như rứa, biết tay...". Anh Gianh nhìn tôi: "Nói thiệt, bây chừ thì cả ba anh em tui đã tự sống được rồi, không còn bi quan, không còn bế tắc như trước nữa. Rứa là anh em tui đã tự sống, đã thắng được số phận tật nguyền. Chứ như chục năm trước, nghĩ lại thấy sợ, mấy lần anh em lết ra bờ sông, tính chuyện... chết!".
Họ ngồi quây bên tôi, thấp tè, thân thể bệt xuống sàn nhà nhưng hình như ngọn lửa sống đang cháy rực trong từng đôi mắt. Tôi quay quắt bởi ước ao của chị Bi: "Nếu tui có được vài triệu bạc, biết tay...". Bạn đọc yêu dấu ơi, có nghe lời chị Bi "doạ" chúng ta không? Tôi đã nhìn chị Bi mà không cầm được nước mắt khi nghe chị Bi ước ao và "doạ" đời như vậy....
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận