Nếu giá tăng hợp lý, rành mạch, tôi nghĩ người dân không kêu ca, nhưng thời gian qua rất nhiều dịp dư luận bức xúc bởi cứ có cảm giác tù mù, lúc tăng thì nhanh, giảm thì chậm, rồi lúc nào cũng thấy doanh nghiệp kêu lỗ.
Đến bộ trưởng hỏi trong hội thảo, tổng giám đốc Petrolimex cũng không nói rõ lời lỗ từng mặt hàng. Rồi hôm sau chính vị này công nhận: có lãi. Rất khó cho một niềm tin ở đây”.
Phóng to |
PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Tổng giám đốc mà không nhớ thì thật khó hiểu!
* Thưa ông, tổng giám đốc Petrolimex hôm sau gặp báo chí nói lại rằng sở dĩ hôm hội thảo ông không nói ngay lời lỗ từng mặt hàng vì chuẩn bị tài liệu cho hội thảo chứ không chuẩn bị tài liệu cho việc báo cáo các bộ?
- PGS.TS hoàng trần hậu: Lý do đó không thuyết phục. Tôi thấy vấn đề là tại cuộc hội thảo, cán bộ Bộ Công thương liên tục khẳng định tại thời điểm 26-8 (khi giảm giá xăng dầu) doanh nghiệp lỗ. Thế là ngay cả khi bộ trưởng Bộ Tài chính hỏi lỗ lãi từng mặt hàng hiện tại ra sao, lãnh đạo Petrolimex vẫn nói không tách bạch được.
Một tổng giám đốc doanh nghiệp mà thực chất lỗ lãi mấy mặt hàng mình đang bán lại không nắm được là điều rất khó hiểu, nhất là vào thời điểm nhạy cảm này. Tôi không dám khẳng định ông ấy cố tình lấp liếm nhưng rõ ràng đang đi họp về điều hành giá đó mà nói không nhớ là khó tin. Nhất là lúc đó ông ấy khẳng định “không tách bạch được!” và “từ trước đến nay vẫn thế”...
Một điều nữa mà tôi thấy báo chí ít nói, đó là lúc trình bày, ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh trong các năm 2007, 2008, 2010 Petrolimex lỗ lớn nhưng vẫn phải nộp thuế hàng ngàn tỉ đồng. Bộ trưởng đã ngắt ngay, bảo nói thế không được nhưng ông Bảo vẫn tiếp tục trình bày. Nói như vậy người bình thường dễ lầm là Petrolimex lỗ vẫn cố đóng góp ngân sách.
Nhưng có chuyên môn sẽ biết ngay khoản đóng góp đó chủ yếu là thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt... mà người đóng cuối cùng thực chất là người tiêu dùng, chứ không phải Petrolimex. Cách trình bày thông tin như thế dễ gây hiểu lầm.
* Các quan chức Bộ Công thương vẫn cho rằng giá xăng dầu minh bạch lắm rồi. Là nhà nghiên cứu tài chính, ông có thấy minh bạch và dễ hiểu chưa?
- Chính sách đúng là rất minh bạch. Có điều những yếu tố cấu thành giá chưa rõ. Petrolimex trước có công bố giá cơ sở trên trang web nhưng sau đó đóng lại không rõ lý do. Thứ trưởng Bộ Công thương nói giá cơ sở công khai trên bản tin thị trường, ai cần có thể lấy. Nhưng bản tin đó không phải dễ tìm. Cách minh bạch như thế là không dễ dàng. Các yếu tố tính toán lại càng khó.
Doanh nghiệp xăng dầu hiện nay khi muốn tăng giá thường chỉ nói “tôi lỗ”, nhưng ngay các chuyên gia muốn làm rõ cái lỗ đó cũng không dễ. Vì muốn tính phải xem cụ thể các con số đầu vào, chi phí ra sao. Ví dụ: lương của Petrolimex có quá cao, chi phí thuê mặt bằng có sát giá thị trường, rồi mua bán thời điểm có hợp lý, nhân lực có quá đông?... Mà những thông tin này rất khó tiếp cận, ngay cả với nhà quản lý chứ chưa nói người dân. Cái cần minh bạch là quản trị của các doanh nghiệp xăng dầu chứ không chỉ là các con số.
* Đến nay Bộ Công thương vẫn cho rằng cách tính cho thấy doanh nghiệp lãi 780 đồng/lít của Bộ Tài chính là không đúng cách tính giá cơ sở, ông thấy sao?
- Tôi thấy Bộ Tài chính đã giải thích khá rõ. Cách tính cho thấy Petrolimex ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/lít còn có khoản 780 đồng/lít là cách nhìn khác về doanh nghiệp và mục tiêu là thấy rõ “sức chịu đựng” của doanh nghiệp để điều hành. Khác nên nó có thể không theo cách tính giá cơ sở. So sánh hai cách tính là khập khiễng.
Kết quả đến nay ta cũng thấy rõ là Petrolimex khẳng định thời điểm giảm giá ngày 26-8 họ đang có lãi, có mặt hàng lãi tới trên 400 đồng/lít. Người dân cần thông tin thật đó, chứ không phải điệp khúc “theo giá cơ sở thì doanh nghiệp lỗ”. Bản thân tôi, ngày 15-9, khi nhiều doanh nghiệp và Bộ Công thương đề nghị tăng giá, tôi có làm phép tính.
Tôi thấy nếu giá là 130 USD/thùng thì mới hội đủ điều kiện giá cơ sở tăng trên 7%, theo quy định, được tăng giá. Nhưng giá xăng tại Singapore thời điểm đó mới là 121,7 USD/thùng, nên việc đề nghị tăng giá xăng tại thời điểm 15-9 rõ ràng có yếu tố không hợp lý.
Phải ngăn chặn tình trạng cùng một “giọng ca”
Cần xem lại những lời than lỗ
“Cần xem lại những lời than vãn lỗ của doanh nghiệp xăng dầu mỗi khi giá thế giới biến động tăng. Các doanh nghiệp khác chịu lỗ tại thời điểm này và lãi ở thời điểm khác là rất bình thường, không ai kêu ca cả.
Vì việc xác định lãi lỗ của doanh nghiệp vẫn được tính vào cuối năm tài chính theo niên độ kế toán, chứ không mấy ai tính theo từng lô hàng theo kiểu đòi ăn ngay cả. Việc xác định lãi lỗ cũng phải theo phương pháp quản lý hàng tồn kho, chứ không thể cứ giá thế giới lên là kêu lỗ ngay cho lô hàng đang bán.
Nhiều doanh nghiệp cứ nói lỗ vì bán dưới giá cơ sở. Nhưng thực chất họ chẳng lỗ vì trong giá cơ sở đã có 300 đồng/lít lãi định mức, cộng 600 đồng/lít chi phí kinh doanh rồi”.
* Từ trước đến nay, người dân vẫn thấy bất an khi doanh nghiệp kêu, cơ quan nhà nước thường đáp ứng. Nay mới thấy khác nên phấn khởi. Nhưng cần làm gì để sự phấn khởi đó không trong chốc lát?- Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước luôn đồng thuận là điều lạ. Bản chất cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phải luôn có “xung đột” vì một bên có nhu cầu quản lý chặt và một bên phải chạy theo lợi nhuận bằng mọi điều có thể.
Trong nền kinh tế thị trường, điều rất dễ xảy ra là xuất hiện những nhóm lợi ích. Nếu chúng ta không ngăn được sự cộng sinh lợi ích giữa doanh nghiệp và một nhóm quan chức nhà nước thì sẽ dễ thấy tình trạng doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước có chung tiếng nói, cùng một “giọng ca”, khó có sự độc lập giám sát, bảo vệ lợi ích số đông. Có thể tại VN, điều này chưa đặt ra vì các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhà nước, nhưng việc ngăn ngừa thì tiến hành sớm còn hơn muộn.
* Doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng giọng điệu đã thấy ở thị trường xăng dầu. Đây có phải là một nguy cơ?
- Có thể lo lắng đấy là thái quá nhưng không phải không có cơ sở. Kinh tế học có nhắc đến khái niệm “tư bản thân hữu” chỉ nguy cơ một nhóm doanh nghiệp và những quan chức có xu hướng liên kết với nhau để đưa ra quyết định có lợi cho doanh nghiệp.
Chúng ta phải ngăn ngừa điều này vì thực tế pháp luật không cấm doanh nghiệp và quan chức mời nhau đi ăn cơm, đánh golf, chúc tết nhau rồi sau đó có thể là những mối quan hệ thân tình khác rất khó kiểm soát. Vấn đề là phải minh bạch được những cơ sở điều hành của cơ quan nhà nước.
* Bộ Công thương lo ngại nếu không cho tăng giá xăng dầu thì vỡ hệ thống phân phối do doanh nghiệp không nhập, đại lý không bán vì lỗ...
- Doanh nghiệp lỗ thì đúng là chiết khấu cho đại lý phải giảm và đại lý sẽ có tâm lý bán cầm chừng, giảm lỗ. Nhưng xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, quy định nêu rõ doanh nghiệp phải dự trữ và đại lý phải bán hàng theo giờ đăng ký. Chúng ta lo là đúng, nhưng doanh nghiệp và đại lý không bán là họ vi phạm và phải xử lý chứ không phải chấp nhận và “ngả mũ”.
Cũng phải nói thêm là khi giá thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp đầu mối đã tăng chiết khấu lên rất cao cho đại lý trước khi giảm giá cho người tiêu dùng. Không thể nói khi lãi và lãi lớn tôi mới bán, lỗ thì tôi thôi được.
Minh bạch hóa các khoản hoa hồng
* Việc minh bạch hóa khoản chi phí trong xăng dầu, theo ông, có nên tiếp tục đặt ra khi nhiều ý kiến vẫn lo doanh nghiệp cố tình mua giá cao để có lợi ích cá nhân trong đó?
- Tôi cho rằng các doanh nghiệp xăng dầu vẫn có thể và cần có các biện pháp hạ thấp chi phí kinh doanh, đặc biệt ngay từ khâu nhập khẩu. Nhiều chuyên gia băn khoăn cách mua của VN vẫn chọn cách rủi ro cao, ít áp dụng các nghiệp vụ hiện đại nhằm giảm chi phí khi giá thế giới tăng.
Đặc biệt, cần phải tìm được nguồn cung cấp xăng dầu giá rẻ, chi phí vận chuyển rẻ, phí bảo hiểm thấp. Và Nhà nước cũng cần có bộ phận xúc tiến tìm kiếm thị trường hoặc giám sát để đảm bảo doanh nghiệp xăng dầu mua nguồn giá thấp nhất.
* Nghĩa là còn nhiều yếu tố trong xăng dầu vẫn được giữ kín, cần có công cụ để công khai?
- Đúng thế. Nhiều chi phí kinh doanh rất khó xác định tính hợp lý nếu khép kín, không có đấu thầu, nhất là nhiều doanh nghiệp xăng dầu giờ đã lập luôn doanh nghiệp vận tải rồi bảo hiểm để bảo hiểm cho chính mình. Đặc biệt, còn một khoản nữa, đó là khoản ưu đãi, hoa hồng do các nhà xuất khẩu dành cho các lô hàng xăng dầu...
Thông lệ thương mại thế giới là có. Tại sao lâu nay không thấy doanh nghiệp nào nói về khoản tiền này xem nó có không, được bao nhiêu, hạch toán vào đâu, có được hạch toán hết hay được đưa vào quỹ hay các địa chỉ nào đó... Các chi phí này phải được hạch toán vào thu nhập của các doanh nghiệp hoặc trừ vào giá cơ sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận