Theo các đại biểu, bởi quyền dân chủ trực tiếp đã có trong Hiến pháp 1946 và trưng cầu ý dân đã được thực hiện rộng rãi trên thế giới.
![]() |
||
Ảnh: Việt Dũng
|
Tuy vậy, vẫn có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của các quy định trong dự luật.
Đa số ý kiến đồng tình với quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị pháp lý buộc phải thực hiện, không cần bất cứ cơ quan nào phải xem xét, đồng ý hay không đồng ý. Phải phân biệt rõ giữa trưng cầu ý dân (để dân quyết định) với lấy ý kiến nhân dân (để cơ quan nhà nước tham khảo).
Để tôn trọng quyền dân chủ của người dân, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị: “Đây là luật để người dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình. Tôi đề nghị quy định về cơ chế và hoạt động giám sát của nhân dân đối với Luật trưng cầu ý dân. Bổ sung quy định công dân VN đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài có quyền tham gia bỏ phiếu, kể cả đối tượng người đang bị tạm giữ, tạm giam cũng được tham gia bỏ phiếu”.
“Đỉnh cao của dân chủ”
Khẳng định “trưng cầu ý dân là đỉnh cao của dân chủ”, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng cần nghiên cứu, tiếp thu thật phù hợp các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này để áp dụng vào VN bởi đến nay đa số quốc gia đã có luật về trưng cầu ý dân. Bà Thắm đồng ý với phương án chỉ tiến hành trưng cầu ý dân với những vấn đề lớn, có phạm vi toàn quốc, không tiến hành trưng cầu ý dân với những vấn đề liên quan đến địa phương, khu vực.
Không nghĩ như vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng có những vấn đề tuy chỉ tác động đến địa phương, khu vực nhưng đó lại là những tác động rất lớn, có thể ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống của người dân ở địa phương, khu vực đó thì cũng phải trưng cầu ý dân. “Những vấn đề rất quan trọng như an toàn hồ đập, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chia tách hoặc sáp nhập địa giới hành chính... thì phải trưng cầu ý dân của địa phương, khu vực” - ông Niễn bày tỏ.
Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định): “Những vấn đề như xây dựng điện hạt nhân, thủy điện lớn... cũng cần lắng nghe ý kiến của nhân dân khu vực đó, để biết được nhân dân có đồng thuận hay không”.
Dự án luật quy định những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng “cần làm rõ quy định như vậy thì hiểu là những vấn đề Hiến pháp quy định hay là những vấn đề liên quan đến Hiến pháp? Có những vấn đề Hiến pháp đã quy định là bất di bất dịch, nếu trưng cầu ý dân dẫn đến phải thay đổi Hiến pháp thì có thay đổi Hiến pháp hay không?”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy cho rằng một khi Quốc hội đã quyết định đưa vấn đề nào đó ra trưng cầu ý dân thì ngay cả những quy định trong Hiến pháp cũng phải thay đổi nếu dân quyết định như vậy.
![]() |
||
Ảnh: V.Dũng
|
Quy định “1/3 đại biểu Quốc hội” không khả thi
Tất cả ý kiến đều đồng tình với quy định Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa vấn đề và tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, về chủ thể có quyền kiến nghị trưng cầu ý dân thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị quy định các chủ thể có quyền kiến nghị Quốc hội trưng cầu ý dân, bao gồm: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, tối thiểu 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ VN.
Cho rằng quy định như vậy chưa đủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) kiến nghị: “Cũng cần phải lưu ý xem người dân muốn quyết định những vấn đề gì, để thấy được ý chí của người dân, trách nhiệm của người dân, quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, nên có quy định lấy ý kiến nhân dân, hỏi dân xem dân muốn quyết định những vấn đề gì”.
Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn: “Người dân có quyền đưa ra các sáng kiến trưng cầu ý dân, do đó cần có cơ chế để người dân kiến nghị những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân”.
Liên quan đến quy định tối thiểu 1/3 trên tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị thì Quốc hội quyết định đưa vấn đề đó ra trưng cầu ý dân, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn: “Quy định 1/3 đại biểu Quốc hội thì làm thế nào để thực hiện được? Nếu một đại biểu đứng ra vận động cho đủ số lượng này, kết quả tốt thì được ca ngợi, kết quả không tốt thì rất khó cho đại biểu ấy. Hơn nữa, nếu 1/3 đại biểu cùng đưa ra ý kiến thì ai đứng ra làm tờ trình, hồ sơ, ai đứng tên ký ở dưới tờ trình. Nếu không quy định rõ thì rất khó khả thi”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị “có cơ chế để thu thập ý kiến đại biểu Quốc hội để làm sao có 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu. Nếu chúng ta bỏ ngỏ quy định này thì sẽ không có tác dụng gì”.
Dự luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2015.
Tòa có vượt qua được... áp lực alô? Sáng 23-6, cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), nêu câu hỏi “Tòa hành chính là gì?”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trả lời luôn: “Tòa hành chính là tòa dân kiện quan. Bởi vì quyết định hành chính, hành vi hành chính của nhân viên nhà nước là quan, còn người dân là người khởi kiện, việc xét xử như thế nào để đảm bảo chính xác, khách quan”. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) bày tỏ băn khoăn về bản lĩnh của thẩm phán cấp tỉnh có đủ sức vượt qua tình thế khó có thể khách quan, vô tư khi xem xét xử lý những vụ liên quan đến các quyết định hành chính của UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh. Ông Hùng nói thực tế cho thấy không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ tòa án, đang phấn đấu vì cấp trên nhiều hơn phấn đấu vì dân. Theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), dân gian nói đây là những vụ án “con kiến kiện củ khoai”, vì vậy để người dân tin tưởng hơn vào công lý thì Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện những chế định trong dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Đại biểu Minh cũng cho rằng để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phải mở rộng thẩm quyền của tòa theo hướng cấp huyện là cấp tỉnh xử, cấp tỉnh là tòa án cấp cao hơn xử. “Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém. Các đồng chí đó đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh nữa, nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một “alô” tới là thôi rồi, khó lắm. Cho nên tôi đề nghị quy định theo hướng chúng ta không sợ dân phải đi xa (ở huyện đi lên tỉnh tham dự phiên tòa cấp tỉnh và tương tự lên trung ương - PV), dù dân có đi xa hơn một tí nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân cố gắng đi xa. Để công lý khách quan hơn một tí thì cố gắng động viên dân đi xa” - ông Minh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận