Phóng to |
TS Bùi Trân Phượng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Như Hùng |
Hội thảo nhằm giới thiệu nội dung và xin ý kiến trong việc biên soạn sách giáo khoa tiểu học môn văn, tiếng Việt và môn lối sống do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Đã có những góp ý thiện cảm dành cho nhóm biên soạn: “Cánh Buồm là một tập thể những người có tấm lòng với nền giáo dục, có trí tuệ và sự dấn thân”. Tuy nhiên, nội dung cũng như cách bộ sách này sẽ đi vào trường học, đi vào cuộc sống như thế nào vẫn là băn khoăn của nhiều người.
Không lẫn lộn giữa ngữ và văn
Theo quan điểm nhóm Cánh Buồm, cần phải tổ chức lại việc học văn và tiếng Việt theo tinh thần giáo viên không phải giảng bài mà chỉ cần làm công việc tổ chức cho học sinh đến với bản chất của môn học. Đồng thời cũng cần tổ chức việc học môn lối sống theo tinh thần đồng thuận thay thế cho lối dạy đạo đức sáo mòn, xơ cứng.
Sắp ra mắt bộ sách Thông tin từ nhóm Cánh Buồm cho biết tháng 10-2012, nhóm Cánh Buồm sẽ tổ chức hội thảo tại Hà Nội để giới thiệu bộ sách tiểu học của nhóm gồm: sách lớp 1 đến lớp 5 môn văn, tiếng Việt; sách lớp 1, 2, 3 môn lối sống, tiếng Anh và sách lớp 1, 2 môn khoa học công nghệ. |
Ở bộ sách tiếng Việt, ThS Đinh Phương Thảo - một thành viên khác của nhóm - cho giới thiệu chương trình được phân chia nội dung rõ ràng: lớp 1 dạy ngữ âm, học sinh sẽ học ba thao tác phân tích ngữ âm tiếng Việt để tự ghi được tiếng Việt và từ đó đọc thành thạo tiếng Việt. Lớp 2 dạy về từ vựng, sự biến hóa của từ vựng tiếng Việt. Lớp 3 dạy về câu, phân tích logic và cú pháp của câu. Lớp 4 dạy về văn bản tiếng Việt, cách viết đoạn văn đến bài văn hoàn chỉnh và sang lớp 5 sẽ là những buổi thảo luận theo chủ đề, nâng cao trình độ dùng tiếng Việt.
Ở môn lối sống, nhà giáo Phạm Toàn cho rằng môn học này sẽ thay thế các môn luân lý, đạo đức và giáo dục công dân trước đây. Theo đó, ở tiểu học, học sinh lớp 1 sẽ học làm chủ bản thân, sống với cộng đồng, với gia đình, với Tổ quốc và với nhân loại.
Trao đổi, tranh luận tiếp
Góp ý cho nội dung bộ sách, TS Nguyễn Thị Từ Huy, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục, cho rằng: “Bộ sách văn đặt vấn đề hay. Tuy nhiên, toàn bộ chương trình lớp 1 học về sự đồng cảm, lớp 2 chỉ học tưởng tượng thôi liệu có nhàm chán không? Bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được đưa vào chương trình lớp 4 để dạy học sinh hiểu về thơ đường luật. Bạn bè tôi dạy THCS cho biết bài thơ này hiện đã quá khó khi dạy cho học sinh lớp 7. Nay mang vào chương trình lớp 4, liệu học sinh có thể hiểu được không? Sao không chọn bài khác hồn nhiên hơn, trẻ thơ hơn, vui vẻ hơn? Và tại sao phải là thơ đường luật?”.
Cùng quan tâm vấn đề này, TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, nói: “Tôi yêu quý và ngưỡng mộ nhóm Cánh Buồm đã dành tâm huyết cho giáo dục tiểu học với tinh thần muốn người học tự do, dạy học trò tinh thần tự lập. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh: việc dạy tự lập vốn là chuyện hết sức bình thường ở mọi quốc gia. Chúng ta vui mừng hi vọng mình sẽ trở lại bình thường. Chính vì sự ngưỡng mộ mà tôi phải nói với Cánh Buồm: chúng ta nên lắng nghe hơn nữa. Ngay từ những giả định ban đầu khi biên soạn bộ sách cũng cần trao đổi, tranh luận tiếp”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM cho rằng: “Chúng tôi học từ sách của Cánh Buồm phương pháp cho bài giảng. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ sách vào chương trình, tôi chưa dám nghĩ tới. Đi kèm với một bộ sách giáo khoa phải là phân phối chương trình, số tiết từng môn học so với tổng số tiết học hằng tuần của học sinh. Ngoài ra, còn phải tính đến chuyện liên thông kiến thức với các bậc học khác nữa. Đây là nội dung sách tiểu học, còn bậc THCS và THPT thế nào? Nếu muốn đưa sách này vào nhà trường còn phải tính đến các điều kiện khác nữa”.
TS Hồ Thiệu Hùng, người quan tâm đến cách làm sách của nhóm Cánh Buồm từ đầu, chia sẻ: “Tôi đã xem sách. Sách hay nhưng chưa phải là hay nhất. Tôi rất nể cách làm của Cánh Buồm. Tuy nhiên phải có gió, buồm mới ra khơi được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận