Phóng to |
Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) phát biểu thảo luận về dự luật đấu thầu - Ảnh: V.Dũng |
Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng phải có cơ chế chấm dứt tình trạng này, đồng thời coi việc thông thầu là tội phạm hình sự.
Quân xanh quân đỏ, đi đêm
“Đấu thầu hiện tại ở VN một phần không nhỏ vẫn là đấu thầu kiểu 2 bên hoặc 2,5 bên, tức là chủ đầu tư một bên, nhà thầu một bên, hoặc chủ đầu tư cộng tư vấn thuộc chủ đầu tư một bên và nhà thầu một bên. Trong khi xu hướng quốc tế là đấu thầu kiểu 3, 4 bên hoặc nhiều bên, tách bỏ hoàn toàn việc tương tác trực tiếp chủ đầu tư, nhà thầu trong đấu thầu, chuyển đấu thầu về những cơ quan độc lập chuyên nghiệp thực hiện” - đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chỉ rõ.
Theo ông Thường, nếu Luật đấu thầu vẫn chỉ quẩn quanh phục vụ đấu thầu 2 bên hoặc 2,5 bên như dự thảo thì không thể xử lý dứt điểm, căn cơ được những tiêu cực như thông thầu, quân xanh quân đỏ, lobby, đi đêm, liên minh rút tiền. “Tại sao hoạt động đấu thầu tại nhóm, cơ quan, tổ chức nhà nước, các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phần lớn vẫn chưa hiệu quả? Còn tại nhóm vốn tư nhân thì ngược lại, xét cho cùng cũng chính từ yếu tố lợi ích chủ đầu tư và trách nhiệm chủ đầu tư với vốn bỏ ra. Quốc hội cần xem xét sửa đổi Luật đấu thầu theo hướng luật chỉ quy định những nguyên tắc cơ bản, kèm theo đó là mở rộng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư, tăng cường công tác hậu kiểm và xử lý thật nặng những hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu, làm thất thoát tài sản nhà nước” - ông Thường đề nghị.
Hoan nghênh ý kiến này, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) gọi tình trạng thông thầu đang là vấn nạn ở nước ta. “Người trúng thầu thường là định trước, còn đấu thầu là hình thức. Đây là vấn nạn rất lớn. Rút ruột công trình, phết phẩy cũng từ đây mà ra” - ông Lịch nhấn mạnh. Ông đề nghị phải coi hành vi thông thầu là phạm tội hình sự và xử lý theo pháp luật hình sự.
Băn khoăn đấu thầu qua mạng
“Đấu thầu qua mạng là quy định hết sức mới mẻ. Thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ bảo đảm tính minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu, giảm thời gian đi lại của nhà thầu, giảm thủ tục hành chính do nhà thầu không phải cử người đi đến bên mời thầu mua hồ sơ” - đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận xét. Theo ông, đấu thầu qua mạng sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội so với đấu thầu truyền thống, góp phần giảm thiểu tham nhũng, lãng phí, quân xanh quân đỏ. “Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về tính bảo mật thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của ta hiện nay đã đáp ứng được hay chưa? Do đó, tôi đề nghị cần xem xét, cân nhắc quy định lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng một cách hợp lý và khoa học” - ông Đồng nói.
Đồng tình với những phân tích lợi ích từ đấu thầu qua mạng mang lại, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng “kèm theo đó cũng còn rất nhiều rủi ro, nếu không quy định cụ thể thì chế định này sẽ chỉ còn là hình thức”. Bà Lan đề nghị: “Chính phủ cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đạt chuẩn, có cơ chế hoạt động chuyên nghiệp và bảo đảm công khai”.
Đấu thầu thuốc cần có luật riêng
Theo ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, phải tách riêng một số dịch vụ ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, đó là đấu thầu thuốc và thiết bị y tế nên có một luật riêng. “Rất nhiều lần Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội là hiện nay mua thuốc cũng giống như mua ximăng, sắt thép và các loại khác, trong khi đó thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt. Mặc dù trong dự thảo luật này cũng có một chương về các loại dịch vụ nhưng chúng tôi nghĩ chưa đủ, tách thành một luật riêng thì rõ ràng hơn” - ông Tiên nói.
Ông Tiên cho biết năm 2012, ước tính quỹ bảo hiểm y tế chi trả 25.000 tỉ đồng tiền thuốc cho các bệnh viện. Hiện các bệnh viện đấu thầu muôn hình vạn trạng, 63 tỉnh thành thì phải có khoảng 700 đến hàng nghìn hội đồng đấu thầu thuốc, có những tỉnh đấu thầu tập trung nhưng có những tỉnh giao mỗi bệnh viện đấu thầu một kiểu. “Thực tế, theo Bảo hiểm xã hội cho biết, vừa qua thí điểm thực hiện một số biện pháp thì có thể tiết kiệm được khoảng 20% giá thuốc. Có nghĩa là nếu đấu thầu theo một cơ chế pháp lý rất chặt chẽ thì nó giảm xuống khoảng 20%. Vậy một năm chi 25.000 tỉ đồng thì có thể tiết kiệm được 5.000 tỉ, tôi không hiểu 5.000 tỉ này có đủ sức để Quốc hội chúng ta làm luật riêng về đấu thầu thuốc hay không?” - ông Tiên đặt vấn đề.
Thêm điều kiện thường trú vào nội thành Chiều 20-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Theo đó, các điều kiện để đăng ký thường trú vào quận của thành phố trực thuộc trung ương được siết chặt hơn. Ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp, luật nêu rõ công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú là một năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc hai năm (tăng thêm một năm) nếu đăng ký thường trú vào quận của các thành phố này. Đồng thời, luật cũng quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND, có xác nhận của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 170 của Luật doanh nghiệp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sắp hết thời hạn hoạt động trong hai năm 2014 và 2015 (đến ngày 31-12-2014 là 142 doanh nghiệp, đến ngày 31-12-2015 là 269 doanh nghiệp) được đăng ký lại để điều chỉnh thời hạn hoạt động. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật hòa giải cơ sở, nghị quyết về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới VN - Lào, nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014. Sáng cùng ngày, Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. V.V.THÀNH |
______________________
Quan sát nghị trường
Hành lang Quốc hội và báo chí
Cốc nước trên tay Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn đầy nguyên sau 20 phút giải lao của Quốc hội. Một ngày trước, việc đập thủy điện Ia Krêl vỡ toang đã trở thành tin nóng trên trang nhất các báo, những phút nghỉ giữa giờ ngắn ngủi của Quốc hội trở thành cơ hội quý để cánh phóng viên nghị trường truy vấn các nhà quản lý phụ trách lĩnh vực thủy điện. Đứng giữa “rừng” máy ghi âm, máy ảnh vòng trong, vòng ngoài thì Phó thủ tướng không kịp uống nước là điều dễ hiểu. Nhưng bên hành lang Quốc hội, không phải bao giờ báo chí cũng may mắn gặp những đại biểu sẵn sàng cho các cuộc phỏng vấn, nhất là trước một vấn đề mà dư luận rất quan tâm. Thực tế có vị bộ trường đã liên tục xua tay khi báo chí hỏi về vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl.
Từ một áp lực nào đó, Trung tâm báo chí thuộc Văn phòng Quốc hội từng ra quy định yêu cầu phóng viên không thực hiện phỏng vấn đại biểu tại các hành lang hai bên và phía trước của hội trường Bộ Quốc phòng (nơi Quốc hội làm việc). Không chỉ có báo chí mà chính nhiều vị cựu đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu đương nhiệm đã phản đối quy định trên. Điều này cho thấy những đổi mới của Quốc hội liên quan đến hoạt động báo chí như cho phát thanh, truyền hình trực tiếp, cho báo chí tiếp cận và phỏng vấn đại biểu bên hành lang giờ giải lao đã trở thành xu thế khó đảo ngược.
Thông tin nghị trường hôm nay có gì nóng sốt, có gì đáp ứng được sự chờ đợi của cử tri, của bạn đọc? Câu trả lời chắc chắn phụ thuộc nội dung hoạt động của Quốc hội cũng như sự cởi mở thông tin của từng đại biểu trong giờ giải lao. Nhiệm kỳ Quốc hội trước đây từng để lại câu rất nổi tiếng: “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Bốn vị đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc là những người có kỹ năng phát biểu và luôn “mở cửa” với báo chí. Trong số các thành viên Chính phủ, nhiều phóng viên vẫn còn nhớ phong cách không tránh né báo chí của nguyên thống đốc Lê Đức Thúy.
Một vị đại biểu Quốc hội vốn là tư lệnh ngành văn hóa thông tin - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - từng nói: “Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Đơn giản là nếu mình không nói thì người khác sẽ nói”. Hành lang Quốc hội là nơi các nghị sĩ và báo chí có thể góp phần làm trận địa thông tin không bị bỏ trống.
VÕ VĂN THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận