Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tỷ lệ phá thai qua từng năm. Theo số liệu của ngành y tế, số ca phá thai từ 80 vạn ca năm 1988, tăng lên 1,2-1,3 triệu ca trong giai đoạn 1993-1997, giảm xuống 60 vạn ca trong giai đoạn 2006-2010 và 40 vạn ca trong giai đoạn 2011-2013; tỷ lệ tương ứng là 53%-66%-38%-27%.
Năm 2009, tỷ lệ phá thai/tổng số sinh là 26,9%, đến năm 2014, con số này giảm xuống còn 24,41%. Đa số các thai bị phá là những thai nhỏ dưới 12 tuần tuổi.
Theo kết quả thanh, kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phá thai trong 3 năm (2009-2013) cho thấy, có 39 cơ sở y tế công lập và tư nhân, với tổng số ca phá thai là hơn 29,9 nghìn ca. Trong đó, số tuổi thai dưới hoặc bằng 12 tuần tuổi chiếm 95,2%, thai trên 12 tuần tuổi chiếm 2,7%...
Theo nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 70 nghìn ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên chưa có gia đình. Chỉ riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương hàng năm có khoảng 5 nghìn ca phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi, có em 15 tuổi đã có 2 lần phá thai.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tỷ lệ này khoảng 18% nhưng tuổi đời của thai phụ trẻ hơn (trung bình 20 tuổi). Khi có thai các em thường không biết cách xử lý phù hợp, thường đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn. Chính vì vậy, khi thai to tiến hành phá thai rất có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn tới có thai ngoài ý muốn và phá thai của vị thành niên, thanh niên là do nhận thức của các đối tượng này về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản còn hạn chế.
Bên cạnh đó, mặc dù hình thức cung cấp phương tiện tránh thai ngày càng đa dạng, kết hợp giữa kênh cấp miễn phí với tiếp thị xã hội và thương mại nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của đối tượng sử dụng nhưng một bộ phận vị thành niên, thanh niên không tiếp cận được với các dịch vụ này.
Đó là do rào cản phong tục, định kiến xã hội; kênh và hình thức cung cấp phương pháp tránh thai chưa phù hợp; chưa thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn cho vị thành niên, thanh niên về các dịch vụ này… Ngoài ra, những qui định về phá thai chưa chặt chẽ đã dẫn tới một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật.
Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, để giảm thiểu tỷ lệ nạo phá thai cần tăng cường cung cấp các biện pháp dự phòng liên quan đến thông tin, giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và tiếp cận biện pháp tránh thai. Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện hướng dẫn về phá thai an toàn theo qui định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần tạo môi trường về qui định và chính sách cần có để đảm bảo mỗi một phụ nữ đều được hợp pháp tiếp cận với các dịch vụ phá thai có chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận