Cơn bão số 12 với tên quốc tế Damrey, có nghĩa là "con voi", đang lừng lững đi vào vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ với sức gió dự báo giật đến cấp 14.
Những ngày này, báo chí liên tục nhắc lại cơn bão Linda đổ bộ vào Nam Bộ 20 năm trước, đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 con người (chết và mất tích). Trong số các nguyên nhân dẫn đến thảm họa trên, có nguyên nhân do bệnh chủ quan, từ chính quyền cho đến người dân các tỉnh Nam Bộ - nơi tưởng như không bao giờ có bão.
Bài học đau đớn đó khiến cho ông cựu "bộ trưởng lụt bão" Lê Huy Ngọ vẫn day dứt cho đến tận bây giờ.
Bão tố, lũ lụt, động đất... là thiên tai, nhưng sự chủ quan của con người là nhân tai. Thiên tai như con voi rừng hoang dã với sức công phá dữ dội. Đó là sức mạnh của thiên nhiên và cũng là điều tự nhiên của đất trời.
Nhưng thiên tai đã được con người quan trắc, đo đếm, dự báo được để phòng tránh. Vì vậy, thiên tai vẫn không đáng sợ bằng nhân tai. Chỉ một chút khinh thường trời đất là trả giá bằng cả hàng ngàn mạng người.
Không chỉ là sự chủ quan, còn có một kiểu nhân tai khác đang hoành hành suốt từ bao nhiêu năm qua, gây hậu quả rất nặng nề, đó là nạn phá rừng. Và phá rừng một cách hung hãn, phá có hệ thống, coi thường pháp luật, thậm chí vô hiệu hóa cả hệ thống chính trị địa phương. Đó mới là điều đáng sợ!
Lũ lụt miền Trung mỗi ngày một nặng nề hơn do rừng đầu nguồn bị tàn phá, ai cũng đã biết. Lũ quét, lũ ống ở các tỉnh Tây Bắc gây thiệt hại đến mức kinh hoàng hôm đầu tháng 10 vừa rồi cũng do nạn phá rừng, xẻ đồi.
Không chỉ rừng đầu nguồn, mà cả rừng cuối nguồn, đó là những cánh rừng phòng hộ ven biển, ngàn đời che chắn cho những làng mạc và cả phố thị đã liên tục bị phá bỏ để khai thác titan (ở Bình Định, Quảng Trị), để nuôi tôm (ở Thừa Thiên - Huế), để làm đại lộ ven biển (ở Đà Nẵng), để làm resort (ở Phú Yên), và trồng... rau (ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi)...
Điều đáng nói là Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên từ nhiều năm trước, nhưng nạn phá rừng vẫn không chịu giảm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong chín tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện gần 1.700 vụ phá rừng với 910ha rừng tự nhiên bị triệt hạ. Tây Nguyên là nơi mà Chính phủ đã kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên từ hơn một năm trước thì lại là nơi có số vụ phá rừng tăng nhiều nhất nước trong 9 tháng đầu năm.
Trong phiên thảo luận hôm 31-10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng nạn phá rừng là một trong những minh chứng rõ nhất của tình trạng "trên nóng dưới lạnh".
Tại hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng hôm 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra nhiều địa phương tiếp tục để xảy ra phá rừng mà cấp ủy và chính quyền chưa đề cao trách nhiệm. "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không thấy" - Thủ tướng nói.
Vậy mà cây rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ và đưa ra khỏi rừng trót lọt như những cây kim. "Con voi vẫn chui lọt lỗ kim". Vậy thì mạng người vẫn còn tiếp tục mất đi, tài sản vẫn còn bị cuốn trôi, mà không phải chỉ vì những "con voi" của đất trời!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận