Cột cờ Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Về cảnh quan, nhìn cũng tơ hơ mất mỹ quan nhưng mà dự án cũng phải tạo mặt bằng thì phải phá một số chỗ.
Ông Vàng Mí Cấu (bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú)
Nhìn sang phía bắc là đền Hộ Quốc (đền thờ Lý Thường Kiệt), nơi đây cũng đang xây dựng khẩn trương trên cánh đồng Thèn Pả vốn trước đây là ruộng canh tác của đồng bào. Còn phía tây của cột cờ đã được quy hoạch dựng một đại tượng Phật ở thôn Lô Chải, xã Lũng Cú, đứng bên hồ Mắt Rồng 1 của di tích cột cờ Lũng Cú.
Đây là ba hạng mục của dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt cho chủ đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộc.
Dự án tại Lũng Cú (ảnh chụp ngày 2-3-2019) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Núi đá vôi bị xẻ 'toang hoác' để xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú (chụp ngày 20-10-2019) - Ảnh: HỮU THẮNG
Thế chân vạc ôm trọn cột cờ
Theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỉ đồng, xây dựng các công trình tâm linh, khu nhà khách, khu dịch vụ. Công trình đã được khởi công từ năm 2016, với sự chứng kiến của những lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú Vàng Mí Cấu cho biết hiện hạng mục chùa đã dựng được 6-7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Con đường rộng 33m, dài 1,7km qua cánh đồng vào chùa đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong. Hạng mục đền Hộ Quốc cũng đang cấp tập xây dựng nhưng "chưa đâu vào đâu". Còn hạng mục đại tượng Phật thì chưa khởi động.
Ông Cấu cho biết thêm dự án thuộc quần thể cao nguyên đá Đồng Văn. Ban đầu người dân khá bức xúc vì dự án lấy đất canh tác của dân và đặc biệt là phải dịch chuyển mồ mả, điều với người dân tộc Mông là "chưa thấy bao giờ".
"Chúng tôi phải tuyên truyền rất vất vả, rằng sau này dự án hoàn thành, khách khứa đến nhiều dân có thể chuyển dịch sang buôn bán thì bà con mới vui vẻ. Giờ bà con nhận hết tiền đền bù rồi (?)", ông Vàng Mí Cấu nói.
Về việc phá núi xây các công trình du lịch tâm linh, ông Vàng Mí Cấu cũng thông tin: dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.
"Tỉnh đồng tình cho đơn vị thi công bạt núi để tạo mặt bằng, đồng thời khai thác đá tận dụng luôn vật liệu tại chỗ cho các công trình xây dựng. Tạo xong mặt bằng thì đá thu được cũng đủ xây dựng các công trình", ông Vàng Mí Cấu giải thích.
Một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cũng cho biết dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ.
Như vậy ba hạng mục của dự án du lịch này đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú. Mặt thứ 4 chính là công trình bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú nằm ở phía nam.
Một góc khác nhìn về Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cảnh báo
Ngày 11-6-2018, hai năm sau khi dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú khởi công xây dựng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành công văn số 2532/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang về dự án này, trong đó đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo.
Tại văn bản này, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh 2 hồ nước tại di tích.
Bộ cũng yêu cầu dự án phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn.
Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.
Ngoài ra bộ cũng lưu ý dự án cần phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... và của nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng với dự án này, trước khi thực hiện tỉnh phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, dự án nằm trên khu vực rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì cần phải có quyết định phê duyệt của Bộ Quốc phòng.
Dự án cần phải có kế hoạch sắp xếp lại lao động cũng như các phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân tại chỗ bị ảnh hưởng bởi dự án, bởi du lịch chỉ mang lại lợi ích cho một số người, trong khi có thể tước đi sinh kế của nhiều người khác.
Đặc biệt, tiến sĩ Mai Thanh Sơn nhấn mạnh dự án nằm ở vị trí địa đầu Tổ quốc, một vị trí có tính thiêng trong lòng người dân cả nước nên rất cần được minh bạch thông tin. Bằng không, dự án đặt người dân vào sự đã rồi thì rất dễ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng hướng về nơi "tột Bắc" (chữ nhà văn Nguyễn Tuân dùng cho Lũng Cú) của Tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú trong sương (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, khu bảo vệ cảnh quan di tích cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5ha, gồm có phạm vi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận.
Quy hoạch cũng nhắc nhở việc cần bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại.
Thêm một dự án "rầm rộ"
Ngoài dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Tập đoàn Phúc Lộc đồng thời được giao thực hiện dự án xây dựng cấp bách cơ sở hạ tầng bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ông Tạ Quang Tiến - phó bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú - cho biết dự án này nằm ở phía nam của cột cờ Lũng Cú - cũng đang được làm rầm rộ.
Một số hình ảnh ở Lũng Cú (ảnh chụp tháng 3-2019) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận