La liệt bằng giả La liệt bằng giả: vì xã hội trọng bằng cấp?
Các nghi phạm bị tạm giữ gồm Lê Văn Bộ, Lê Văn Cảnh, Nguyễn Văn Vượng (đều trú tại xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, Hải Dương); Nguyễn Đình Thường (trú tại xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang, Hải Dương), Bùi Mạnh Hùng (trú tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ tháng 9-2013 đến nay, các nghi phạm này đã làm giả và tiêu thụ trót lọt 30 bằng tốt nghiệp và 100 chứng chỉ giả.
Cơ quan điều tra xác định, anh Vũ Văn Sơn, trú tại Nam Định, có nhu cầu đi lao động và du học tại Nhật Bản nên thông qua quảng cáo trên mạng đã đến Trung tâm tư vấn du học Nhật FUJISON tại số 8 Nguyễn Khả Trạc, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, để được tư vấn. Tại đây, anh Sơn đã gặp Phan Ngọc Quân là nhân viên trung tâm để được tư vấn. Qua xem xét hồ sơ, Quân thấy anh Sơn thiếu bằng tốt nghiệp THPT và học bạ nên đã ngỏ ý làm giúp với giá 10 triệu đồng. Đến ngày 10-6-2014, anh Sơn theo hẹn đã đến Trung tâm gặp Quân để lấy bằng và học bạ, phát hiện bằng giả nên đã to tiếng với Quân. Tổ công tác của Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu hai người về trụ sở làm việc.
Tại cơ quan công an, Quân khai nhận đã thông qua Nguyễn Thế Anh (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) làm giúp bằng và học bạ với giá 9,5 triệu đồng. Sau khi thoả thuận, Thế Anh đã nhận tiền và liên lạc với một người để làm giúp với giá 6,5 triệu đồng. Ngoài ra Thế Anh còn thuê người này làm thêm một bộ giấy tờ giả khác.
Cơ quan điều tra xác định người đàn ông này là Bùi Mạnh Hùng và sau khi nhận các hợp đồng, Hùng thuê một người tên Đại, ở khu vực xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm. Mức giá Bùi Mạnh Hùng rao: mỗi bằng tốt nghiệp đại học là 3 triệu đồng, bằng cao đẳng là 2,5 triệu đồng, bằng trung cấp hoặc tốt nghiệp THPT là 2 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định đường dây này do Lê Văn Bộ cầm đầu. Cụ thể, tháng 4-2012, Bộ lập công ty cổ phần tư vấn và phát triển giáo dục Start để tuyển sinh vào các trường trung cấp, cao đẳng... Bộ nảy sinh ý định làm giả bằng tốt nghiệp, chứng chỉ để bán kiếm lời và đích thân Bộ đã lên mạng internet để tìm hiểu cách làm con dấu giả, phôi các loại bằng tốt nghiệp, chứng chỉ.
Sau đó Bộ thuê nhà ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội để làm cơ sở sản xuất. Khi mua đủ máy móc, Bộ dùng máy tính có phần mềm Corel vẽ dấu tròn và đánh nội dung dấu trên máy tính với kích cỡ thật để hoàn chỉnh. Khi có thông tin khách hàng, Bộ điền vào và in ra rồi giả chữ ký lãnh đạo đơn vị cấp bằng, chứng chỉ. Tại cơ quan công an, Bộ khai nhận đã rủ Nguyễn Văn Vượng, Lê Văn Cảnh, Nguyễn Đình Thường và Bùi Mạnh Hùng tham gia đường dây này.
Quá trình phạm tội, Bộ lấy tên là Đại để giao dịch nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định đường dây này hoạt động từ tháng 9-2013 đến nay, đã sản xuất, tiêu thụ trot lọt 30 bằng tốt nghiệp và 100 chứng chỉ giả các loại. Hành vi của các nghi phạm đã cấu thành tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Do đó cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự các nghi phạm trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận