Bộ trưởng quốc phòng Pakistan (phải) bị cho đã đọc tin giả và phản ứng quyết liệt với Israel - Ảnh: Reuters |
Những tin tức giả mạo tràn lan trên mạng không chỉ làm độc giả lung lạc. Nó gián tiếp ảnh hưởng nặng nề đến chính trường, quan hệ ngoại giao, thậm chí là một cuộc tranh cãi ở cấp bộ giữa các nước.
Thông tin giả, xung đột thật
Ông Khawaja Muhammad Asif, bộ trưởng quốc phòng Pakistan, bỗng chốc trở thành cái tên nổi bật của cộng đồng mạng trên toàn thế giới. Cư dân mạng chế giễu ông Asif sau khi ông sử dụng Twitter để phản ứng lại một thông tin giả liên quan tới “mối đe dọa hạt nhân” của Israel.
Trên trang cá nhân ngày 24-12, ông Asif viết: “Bộ trưởng quốc phòng Israel đe dọa trả đũa hạt nhân vì vai trò của Pakistan ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Israel quên rằng Pakistan cũng là một cường quốc hạt nhân”.
Bộ trưởng Asif được cho đã lấy thông tin Israel “trả đũa hạt nhân” từ trang AWD News. Ngày 20-12, trang này đăng tải một nội dung trích lời Bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Yaalon nói “chúng tôi sẽ hủy diệt Pakistan bằng một cuộc tấn công hạt nhân”, nếu Pakistan gửi bộ binh đến Syria.
Trên thực tế, không có bằng chứng cho thấy ông Yaalon đã nói như vậy, thậm chí ông Yaalon cũng không còn giữ chức bộ trưởng quốc phòng Israel.
Người đảm nhiệm vị trí này thay thế ông Yaalon hiện là Avigdor Lieberman, nhậm chức từ tháng 6-2016. Trên Twitter, Bộ Quốc phòng Israel ngày 24-12 cũng đưa ra tuyên bố bác bỏ thông tin từ AWD News “trích lời” ông Yaalon, đồng thời nhấn mạnh những tuyên bố của ông Asif đề cập tới ông Yaalon là hoàn toàn sai sự thật.
Theo The Guardian, AWD News là trang tin bị các tổ chức xác minh sự kiện (fact check) xếp vào danh sách đưa tin giả mạo.
Vụ việc trên một lần nữa khơi lên những rắc rối từ vấn đề thông tin sai lệch, cố ý lan truyền những tin tức giả mạo trên thế giới. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, nạn tin giả về hai ứng viên Donald Trump và bà Hillary Clinton đã được báo chí chính thống khai thác khá nhiều.
Ngày 12-11, người sáng lập Mark Zuckerberg của Facebook cũng viết một đoạn trên trang cá nhân cam kết những nỗ lực chống thông tin giả.
Những kẻ thù vô hình
Reuters ngày 26-12 đưa tin Ai Cập xác nhận đã bắt một nhà báo của Hãng tin Al-Jazeera (trụ sở ở Qatar) vì đã “đưa tin giả mạo”.
Câu chuyện này khá dài, liên quan tới vấn đề chính trị, đảng phái và còn tranh cãi. Tuy nhiên có thể thấy chính phủ các nước phần nào rõ ràng hơn, dễ dàng hơn khi bắt bớ, điều tra những người làm tin tức đàng hoàng, nhưng nạn tin giả trên Internet lại khác. Nó hầu như không giới hạn, khó nắm bắt hơn nhiều trong thời đại số.
Đơn cử trong bài viết ngày 5-12, BBC dẫn ví dụ về một “thành phố giàu lên nhờ tin giả”. Trong đó, những thanh niên ở Macedonia đã trục lợi từ việc tung hàng loạt thông tin giả mạo bằng tiếng Anh liên quan tới mọi vấn đề, trong đó đặc biệt là chính trường Mỹ.
Goran, một sinh viên 19 tuổi, cho biết anh chỉ cố gắng “cày tin giả” trong một tháng và nhận được khoảng 1.800 euro (hơn 42 triệu đồng), và nói rằng thậm chí những người bạn của anh còn kiếm được hàng ngàn euro/ngày.
Khi được hỏi về động cơ, Goran cười xòa và cho rằng anh không quan tâm ai bị ảnh hưởng thế nào vì những thông tin của mình, vì đó là chuyện ở Mỹ.
Cũng trong tháng 12, The New York Times cho biết các nước châu Âu đang đau đầu về vấn nạn tin giả.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi - người đã từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân cải tổ hiến pháp bất thành - lo lắng vì các đối thủ đã tung tin giả về tình hình chính trị trong nước, quốc tế, làm thay đổi cách nhìn của người dân về đất nước, gián tiếp khiến trưng cầu thất bại.
Tại Đức, báo Der Spiegel ngày 24-12 cho biết chính quyền đang lên kế hoạch hình thành một trung tâm phòng vệ đối với nạn tin tức giả.
Đầu tháng 12-2016, một người đàn ông ở Bắc Carolina (Mỹ) đã bị bắt vì xả súng tại một nhà hàng ở thủ đô Washington. Nguyên nhân được cho là ông ta đã đọc tin tức giả mạo nói đây là trung tâm lạm dụng tình dục trẻ em, theo CNN. |
Chờ một giải pháp triệt để Vấn đề đưa tin sai sự thật hiện nay nhìn chung vẫn chưa có phương án giải quyết cụ thể. Một phần nguyên nhân không nhỏ thuộc về các công ty công nghệ. Ví dụ Facebook chỉ là một nền tảng để truyền bá thông tin, nên họ về lý không có lỗi. Trong khi đó, Google phải trả tiền cho những trang web trên nền tảng của mình thông qua hệ thống Google AdSense, nhưng việc kiểm định thông tin sẽ không thể nhanh bằng cách nó lan truyền... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận