21/09/2019 17:55 GMT+7

Ông Út Ổi hào sảng

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Ban ngày, ông rời nhà đi, đến tối mịt mới về. Cứ thế, ông đã đi gần nửa đời người và đến đâu cũng giúp người nghèo, 'nối nhịp bờ vui' qua sông ngòi cách trở...

Ông Út Ổi hào sảng - Ảnh 1.

Lúa sạch của ông Út Ổi phân phát cho người nghèo - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ở TP Long Xuyên (An Giang), hiếm nơi nào mà ông không đặt chân đến để san sẻ yêu thương bởi "ở đây dân còn nghèo và ở họ, tui thấy hình ảnh mình khổ trước đây". Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Minh Lương (71 tuổi, ở phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên).

Tui đã chuẩn bị sẵn sàng. Tui sẽ hiến 12 công đất ruộng để chính quyền xem xét xây trường cho sắp nhỏ ăn học đàng hoàng.

Ông ÚT ỔI

Bịch gạo, căn nhà của Út Ổi

Nhớ tháng ngày xưa cũ, ông Út Ổi kể: "Thời hậu chiến bộn bề khó khăn sau năm 1975, gia đình tui cũng như bao nhà khác bắt đầu cuộc sống mới. Tui phải cố gắng vỡ đất, trồng lúa, bắp, khoai... để xóa đi cái khổ, cái nghèo đeo đẳng".

Chí thú làm ăn cùng đôi tay "lực điền", ông Út Ổi dần phất lên khá giả và tích cóp tiền bạc tậu thêm ruộng vườn. Nhờ vậy từ vài công đất ban đầu, đến nay gia đình ông sở hữu khoảng 70 công đất ruộng, và trung bình ông thu về khoảng 120 tấn lúa tươi/năm.

"Khi gia đình tui khấm khá hơn thì tui thấy xung quanh mình còn nhiều người đói khổ, thiệt thòi quá. Tui nghĩ mình phải chia sẻ, phải tìm cách giúp bà con" - ông Út Ổi trải lòng.

Lúc đó, gạo là thứ duy nhất gia đình ông có. Ban đầu, ông chỉ cho vài ký gạo, dần dần ông cho nhiều hơn và đến nay đã lên 20kg gạo/người. Đặc biệt vào dịp cuối năm, ông mở kho phân phát hơn 4 tấn gạo để giúp người nghèo khổ địa phương đón tết.

Dẫu vậy, nhiều đêm ông vẫn thao thức: "Gạo có thật sự đủ để giúp bà con yên tâm mần ăn vươn lên?". Bởi lẽ ông hiểu khi nghèo thì bao nhiêu "cái eo" đeo bám cảnh đời.

Mãi đến những năm 1990, ông Út Ổi chuyển sang kinh doanh và "kinh qua" nhiều nghề như chủ lò đường, xưởng xẻ gỗ... Tới lúc đó, ông mới thật sự có điều kiện để tiếp tục bén duyên "xây tổ ấm" cho người nghèo.

"Không thể nhớ tui cất bao nhiêu cái nhà cho người nghèo, tui chỉ biết lúc ấy nghề xẻ gỗ thịnh nên tui mần ăn được. Số gỗ dư tại xưởng tui tận dụng dựng nhà cho bà con yên tâm mần ăn, lo cuộc sống" - ông Út Ổi nhớ lại.

Là bạn cùng địa phương, ông Âu Cường Lợi chia sẻ: "Ở đây không ai không biết ông Út Ổi. Ai thiếu ăn thì ổng cho gạo. Ai thiếu nhà, ổng tìm cách cất nhà cho họ. Chỗ nào cầu đường xuống cấp, ổng cũng dựng luôn để người dân và học sinh đi lại thuận tiện. Mọi người thương ổng và gọi Út Ổi của bà con nghèo".

Ông Út Ổi hào sảng - Ảnh 3.

Ông Út Ổi và các cháu học sinh bên “cây cầu màu hồng” - Ảnh: CHÍ HẠNH

"Kỹ sư cầu Út Ổi"

Dù gần kề trung tâm TP Long Xuyên nhưng cuộc sống hàng ngàn người dân ở phường Mỹ Quý còn nhiều khó khăn. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, bà con chủ yếu trồng lúa, cây ăn trái, rau màu và nuôi cá... Do đó, "bài toán" giao thông nông thôn luôn làm ông Út Ổi canh cánh trong lòng.

Hành động thay suy nghĩ, ông Út Ổi quyết tâm xây cầu, làm đường để "nối nhịp bờ vui" cho dân. Đầu năm 2000, ông trao đổi với chính quyền rồi tự bỏ khoảng 600 triệu đồng để dựng cây cầu đầu tiên là cầu Ngã Kênh, với chiều ngang 3m, dài 20m.

"Nhiều đêm tui lo mất ngủ. May mắn, bà con thiệt bụng ủng hộ nên cầu cũng làm xong trong không khí ai ai cũng vui" - ông Út Ổi hào hứng kể.

Lòng ông Út Ổi thầm nghĩ mình phải làm hơn thế nữa. Nhưng ông hiểu việc xây cầu không dễ như mình từng nghĩ.

"Cái khó nhứt ở đây là vốn. Hổng có cái nào ít tiền. Để xây cầu, tui phải thế chấp đất và uy tín của mình" - ông nói và kể thêm rằng mỗi lần dự định xây cầu ở đâu, ông đều phải tính toán thật kỹ rồi dự trù kinh phí.

Để giảm tiền mướn kỹ sư thiết kế, ông học lỏm thợ đi trước và dần trở thành "kỹ sư cầu đường" tay ngang mà làm cái nào cũng ngon lành.

Bằng cách này, mỗi "cây cầu màu hồng" (màu do ông chọn) có thể tiết kiệm 50-100 triệu đồng. Còn các công việc khác, ông Út Ổi đã có cô chú nông dân tình nguyện ở địa phương chung tay góp sức.

"Vật liệu cát, đá, ximăng thì tui có chỗ mua và họ sẵn sàng cho nợ, nhưng tiền thuê máy móc đóng nọc cầu phải trả. Số tiền đó, tui thường đi vay mượn con cháu hoặc ra ngân hàng thế chấp đất, rồi tui mần lúa từ từ trả lại", ông Út Ổi chân chất kể.

Hơn 15 năm qua, 16 "cây cầu màu hồng" do ông Út Ổi bỏ ra cả 10 tỉ đồng dựng xây cứ lặng lẽ mọc lên. Và hơn 2 tháng tới nữa đây, hai cây cầu Kênh Đào, cầu Kênh Hội Đồng ở Mỹ Quý thông xe.

Bà con sẽ đi lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông và đường đến trường của học sinh cũng sẽ an toàn hơn.

Ông Út Ổi hào sảng - Ảnh 4.

Ông Út Ổi (bìa phải) bên cầu Kênh Đào đang xây dựng ở TP Long Xuyên - Ảnh: CHÍ HẠNH

Lo cái chữ cho sắp nhỏ

Ở tuổi thất thập cổ lai hi, ông Út Ổi vẫn còn mong mỏi xây thêm cái trường học nữa thì niềm vui đời mình trọn vẹn.

"Vậy ông làm trường học ở đâu? Và xây như thế nào?", tôi hỏi.

Ông Út Ổi cười hào sảng: "Tui đã chuẩn bị sẵn sàng. Tui sẽ hiến 12 công đất ruộng để chính quyền xem xét xây trường cho sắp nhỏ ăn học đàng hoàng".

Theo ông Út Ổi, ngày xưa phần đất 12 công ấy chính ông bà mình đã dành dụm 6 lượng vàng mua rồi để lại cho ông lập nghiệp. Bây giờ cuộc sống thoải mái hơn nên ông muốn thực hiện ước mơ "gieo mầm tri thức" cho các con cháu.

"Hồi đó ham học nhưng hoàn cảnh nên tui phải nghỉ học sớm. Ít chữ nghĩa cũng thua thiệt, tính toán không bằng ai, vì thế tui biết chỉ có học mới giúp con người thoát nghèo" - ông Út Ổi tâm tình.

Phân tích thêm, ông cho rằng ở đây trường tiểu học, THCS đều có nhưng chỉ duy nhất trường THPT là chưa, nên các em học lớp 10, 11 và 12 phải đạp xe tận trung tâm TP Long Xuyên để học. Trời nắng còn đỡ, chứ mưa thì các cháu rất vất vả.

Vì thế hiến đất xây trường ông chỉ hi vọng các cháu có chỗ ăn học gần nhà, có thêm hiểu biết, kiếm được cái nghề tử tế.

Biết rành rẽ ông Út Ổi, ông Nguyễn Văn Tuấn - chi hội nông dân phường Mỹ Quý - chia sẻ: "Việc ông Út Ổi làm thì quá thiết thực và ý nghĩa. Ổng đúng là người thiệt tốt. Đặc biệt, ổng chăm lo các cháu nhỏ lắm.

Ngoài những cây cầu kiên cố, ổng còn hiến đất xây trường để sắp nhỏ có chỗ ăn học đàng hoàng thì đúng là nghĩa cử cao đẹp. Ít ai làm được như ông Út Ổi".

Hạt gạo sạch cho người nghèo

Chỉ những bịch gạo sạch hút chân không, ông Út Ổi vui vẻ nói: "Trong dịp tết tới đây, tui dự định vẫn phát gạo. Tuy nhiên, thay vì phát 20kg/người như trước thì năm nay ngoài chuẩn bị bao lì xì, bánh kẹo, tui sẽ phát thêm 4kg gạo nhưng đó là gạo sạch hoàn toàn.

Số gạo này tui trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe".

Tặng gia tài 100 tỉ đồng cho trẻ mồ côi Tặng gia tài 100 tỉ đồng cho trẻ mồ côi

TTO - Ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) và gia đình đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỉ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên