Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫy chào trên đoàn tàu hỏa bọc thép màu xanh lá cây trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 3 - Ảnh: REUTERS
Các diễn biến gần đây cho thấy triển vọng diễn ra cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 5 tới ngày càng rõ rệt.
Nhận định này càng được củng cố khi ông Kim hôm 9-4 lần đầu tiên công khai nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu chìa cành ô liu vào đầu năm nay. Theo tiết lộ, quan chức 2 nước cũng đã tổ chức các cuộc tiếp xúc bí mật để dàn xếp cuộc gặp "lịch sử" này.
"Không Lực Một" phiên bản Triều Tiên
Hiện địa điểm và thời gian cụ thể cho cuộc gặp Kim - Trump chưa được thông báo, chỉ biết 2 bên đang có những cuộc gặp ngoại giao con thoi để thúc đẩy cuộc gặp này.
Cho đến nay có nhiều địa điểm được giới chuyên gia phỏng đoán sẽ được chọn làm địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh trên, như làng đình chiến Bàn Môn Điếm trên bán đảo Triêu Tiên, thủ đô Washington, thủ đô Bình Nhưỡng, thủ đô của Mông Cổ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Nội…
Với những khoảng cách cho phép như tới Bàn Môn Điếm thì ông Kim có thể di chuyển bằng xe lửa, tương tự chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua. Nhưng nếu gặp ở châu Âu hay ở Mỹ thì việc di chuyển bằng tàu hỏa không mấy khả dĩ.
Vậy nếu đi bằng máy bay thì liệu ông Kim có sở hữu được một chuyên cơ đáng tin, có thể bay không ngừng nghỉ băng qua Thái Bình Dương hoặc bay tới châu Âu hay không?
Theo báo Washington Post, tháng 12-2014, truyền thông Triều Tiên từng công bố một video cho thấy chiếc chuyên cơ loại AN-148 của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đây là máy bay chở khách dân dụng hạng nhẹ do công ty quốc gia Antonov của Ukraine sản xuất, được thiết kế cho các chuyến đi tầm trung.
Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng sau đó, các hình ảnh được công bố cho thấy ông Kim xuất hiện trên một máy bay khác trên đường thị sát một địa điểm xây dựng. Ví von giống với chiếc Không Lực Một của các tổng thống Mỹ, máy bay này thời điểm đó nhanh chóng được truyền thông quốc tế đặt cho cái tên là "Không Lực Un".
Ảnh chụp thời điểm đó cho thấy ông Kim cầm một chiếc điện thoại đặt sát tai, trong khi ngồi trên một ghế da sang trọng phía sau một chiếc bàn gỗ bóng sáng trên máy bay này.
Chiếc máy bay Il-62 do hãng Ilyushin của Liên Xô chế tạo vào những năm 1980 với chiều dài 53m, sải cánh 43m. Ông Kim Jong Un đã chọn Il-62 làm chuyên cơ chính thức.
Phóng viên Charles Kennedy (Anh), người từng đến Triều Tiên nhiều lần, cho biết chuyên cơ Il-62 hiện vẫn còn được dùng bởi nguyên thủ quốc gia các nước Nga, Sudan và Ukraine.
Trong các chuyến thăm Nga và Trung Quốc, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il thường e ngại chuyện di chuyển bằng máy bay, thay vào đó ông tin dùng một đoàn tàu lửa bọc thép màu xanh lá như ông Kim Jong Un dùng cuối tháng trước.
Trong khi đó, các hình ảnh của truyền thông Triều Tiên cho thấy ông Kim Jong Un không hề "sợ" loại phương tiện này, đó là chưa kể ông từng đi các chuyến bay quốc tế trong thời gian học ở Thụy Sĩ.
Chuyên cơ chính thức Ilyushin Il-62 được gọi là "Không Lực Un" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: AFP
Dùng hàng nhà hay hàng mượn?
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định độ đáng tin cậy của Il-62 hiện gây nhiều nghi ngờ do tuổi đời cũng như việc thiếu thử nghiệm thường xuyên của nó.
"Triều Tiên không có một máy bay nào mà có thể bay băng qua Thái Bình Dương. Hầu hết các máy bay này đã có tuổi" - chuyên gia Joseph S. Bermudez nhận định trên trang 38 North chuyên về Triều Tiên.
Ông đánh giá một chuyến bay từ Bình Nhưỡng tới Los Angeles với đoạn đường 9.495km sẽ lớn hơn nhiều so với tầm hoạt động của chiếc Il-62 của ông Kim. Vị chuyên gia cho rằng chuyên cơ của Kim được chế tạo bằng "công nghệ khá thô sơ".
Trong khi đó, chiếc Không Lực Một của các tổng thống Mỹ có thể bay tới 12.875km mà không cần dừng lại để tiếp nhiên liệu.
Nếu ông Kim quyết định dùng chuyên cơ riêng của mình và phải dừng để tiếp nhiên liệu trên đường đi đến địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, nó sẽ khiến Bình Nhưỡng xấu mặt vì làm "lòi ra" những hạn chế của máy bay Triều Tiên.
Hơn nữa, việc chọn địa điểm dừng cũng không phải là chuyện dễ khi các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên hoạt động một cách hạn chế.
Hiện các chuyến bay của Air Koryo chỉ giới hạn bay tới các thành phố của Trung Quốc và thành phố Vladivostok của Nga, cách Bình Nhưỡng chỉ hơn 640km.
Cũng từng xảy ra một số vấn đề với chiếc Il-26. Hồi năm 2014, ông Choe Ryong Hae - người được xem nhân vật quyền lực số 2 ở Triều Tiên thời điểm đó - bất ngờ được đưa trở về khi chiếc Il-62 chở ông đang trên đường tới Matxcơva thì gặp trục trặc kỹ thuật.
Trong khi đó, hồi năm 2016, một máy bay của hãng Air Koryo buộc phải hạ cách khẩn cấp xuống thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc sau khi một ngọn lửa bùng phát trong khoang. Một năm sau đó, một máy bay cùng loại - được cho là chiếc Tupolev - cũng hạ cánh khẩn sau khi một cánh phụ của máy bay rơi ra.
Giới chuyên gia đánh giá các lựa chọn khác cho ông Kim, như mượn một máy bay từ Nga hay Trung Quốc, cũng sẽ gây ra các lo ngại về an ninh, gồm khả năng bị nghe lén.
"Xét về chuyện di chuyển tới bất kỳ địa điểm nào, đó không phải là vấn đề. Hàn Quốc hay Thụy Điển có thể sẵn sàng giúp ông ấy, nhưng chuyện đó sẽ thật xấu hổ" - ông Victor Cha, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định về việc Triều Tiên nhờ nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận