19/12/2016 08:24 GMT+7

Ông Trump lên tiếng thách thức Bắc Kinh

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ tại Biển Đông đang gây ồn ào ít nhiều mấy ngày qua. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng thách thức Bắc Kinh một lần nữa.

Thiết bị lặn nghiên cứu đại dương của Mỹ - Ảnh: US Navy
Thiết bị lặn nghiên cứu đại dương của Mỹ - Ảnh: US Navy

Vụ việc chưa từng có tiền lệ này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gần đây bị khuấy động bởi việc Trung Quốc bị tố cáo lắp đặt hệ thống phòng chống tên lửa và máy bay trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép và Tổng thống đắc cử Donald Trump thách thức chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Ngay sau khi hay tin Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ ở địa điểm ngoài khơi Philippines, ông Trump mạnh mẽ tuyên bố sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

“Trung Quốc ăn cắp tàu lặn không người lái của Hải quân Mỹ trong vùng nước quốc tế - một hành động chưa từng có tiền lệ” - ông Trump viết trên Twitter.

Hành động sai luật

Sau những phản ứng mạnh mẽ của các cơ quan chức năng Mỹ, ngày 17-12 phía Trung Quốc tuyên bố sẽ tìm “cách thích hợp” để trả lại thiết bị lặn không người lái (UUV) của Mỹ bị tàu hải quân nước này thu giữ trong tuần trước.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo sẽ trả lại tàu lặn đó cho Mỹ và cũng cho biết hai bên đang liên lạc về vấn đề này thông qua nhiều kênh quân sự.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cảnh báo rằng “Mỹ nên ngừng do thám vùng biển của Trung Quốc nếu không muốn đón nhận các biện pháp đáp trả”.

Bắc Kinh giải thích tàu hải quân của nước này phát hiện một “thiết bị không xác định” và kiểm tra nó để phòng ngừa các vấn đề về an toàn hàng hải trước khi nhận ra đó là thiết bị lặn không người lái của Mỹ.

Tuy nhiên, Washington khẳng định thiết bị không người lái của họ hoạt động một cách hợp pháp và đang thu thập dữ liệu về độ mặn, nhiệt độ nước biển tại khu vực cách vịnh Subic của Philippines khoảng 90km, theo Reuters.

Theo tờ Diplomat, việc chiếc tàu giải cứu tàu ngầm lớp Dalang III bắt giữ thiết bị lặn của Mỹ ở vùng biển quốc tế là một hành động trái luật và trơ tráo của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Dẫn lại bình luận của hai nhà quan sát Julian Ku và James Kraska trên Lawfare, tờ này khẳng định động thái này không chỉ thiếu chuyên nghiệp mà còn vi phạm các quyền tự do, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, của tàu nghiên cứu đại dương USNS Bowditch, chiếc tàu đã triển khai thiết bị lặn nói trên.

Đây cũng là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc bắt giữ trái phép thiết bị của hải quân bên thứ ba trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

“Tàu hải quân Trung Quốc thực hiện một vụ trộm cắp công khai bên ngoài đường chín đoạn nên khiến các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực và Mỹ phải lên tiếng mạnh mẽ bênh vực luật pháp quốc tế” - tờ Diplomat viết.

Tạp chí chuyên quốc phòng IHS Jane cũng cho rằng vụ việc rõ ràng diễn ra trên hải phận quốc tế nên Trung Quốc sẽ lâm vào thế kẹt nếu không trả lại thiết bị đó.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Washington đã bỏ qua cơ hội để nhấn mạnh sự tự do đi lại là trọng tâm trong các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.

“Nếu Trung Quốc không phải trả giá cho các hành động phi pháp và không chuyên nghiệp trên Biển Đông, họ sẽ không thay đổi cách hành xử” - tờ Diplomat nhận định.

Một số ý kiến đặt ra khả năng Bắc Kinh muốn đánh cắp công nghệ hoặc tìm hiểu từ thiết bị của Mỹ bởi các thiết bị lặn của Mỹ có thể phục vụ chiến tranh chống tàu ngầm - một lĩnh vực mà Bắc Kinh bị Washington bỏ xa.

Tuy nhiên theo IHS Jane, Trung Quốc có thể quyết định trao trả vì không hứng thú với chiếc UUV lớp Seaglider vốn là sản phẩm được bán rộng rãi trên thế giới.

Donald Trump không ngán

Nhiều nhà phân tích có cùng suy nghĩ cho rằng đây là động thái của Bắc Kinh để đáp trả chuyến tuần tra tự do hàng hải của Mỹ quanh đá Vành Khăn trên Biển Đông và hơn hết là “nắn gân” ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng sau.

“Trung Quốc muốn gửi tín hiệu trước khi ông Trump nhậm chức để ông ấy hiểu được thông điệp và sẽ kềm chế sau khi bước vào phòng bầu dục” - chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định trên báo Guardian.

Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc chuyên bình luận cho Đài Phượng Hoàng của Hong Kong, cho rằng động thái trên của Bắc Kinh là thông điệp nhắn gửi Mỹ “chớ gửi bất kỳ loại tàu nào như thế vào Biển Đông vì Trung Quốc sẽ thu giữ bất kỳ thiết bị nào nếu trông thấy”.

Báo chính thống của Trung Quốc thậm chí còn biện hộ rằng khu vực thu giữ chiếc UUV của Mỹ thuộc “vùng xám” đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines nên tàu Trung Quốc có quyền làm như thế!

Thế nhưng sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trả lại thiết bị lặn, ông Trump viết trên Twitter giọng điệu theo đúng cách của ông: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại thiết bị bị trộm - (họ) cứ việc giữ nó!”.

Giới phân tích cũng cho rằng cần đánh giá cẩn trọng thông điệp của Bắc Kinh trong bối cảnh nước này sẵn sàng sử dụng các chiến thuật “không theo luật” nếu thấy cần thiết trên Biển Đông.

“Nếu đây là một tín hiệu cho chính quyền sắp lên của ông Donald Trump, nó có nghĩa Trung Quốc sẽ tiếp tục sẵn sàng làm mọi thứ để khẳng định tuyên bố trên Biển Đông và không cúi người trước các lợi ích cốt lõi, bao gồm chủ quyền quốc gia và lãnh thổ” - tờ Diplomat nhận định.

Trong quá khứ, những vụ tương tự như vụ va chạm trên không giữa máy bay do thám EP-3 của Mỹ với máy bay Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001 hay vụ tàu do thám Impeccable của Mỹ bị quấy rối cũng ở khu vực này năm 2009 đều diễn ra vài tháng sau khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên