08/03/2017 15:33 GMT+7

Ông Trump ký sắc lệnh di trú mới: Người có 'thẻ xanh' thở phào

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Những sửa đổi trong sắc lệnh về vấn đề nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump chú trọng vào việc khắc phục tình trạng phân biệt đối xử, nhưng hứa hẹn tiếp tục bị phản đối.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh di trú sửa đổi ngày 6-3 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh di trú sửa đổi ngày 6-3 - Ảnh: Reuters

Những người có giấy chứng nhận thường trú (“thẻ xanh”) đã có thể thở phào nhẹ nhõm, khi sắc lệnh nhập cư sửa đổi do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 6-3 đã không còn liệt họ vào danh sách bị “cấm cửa”.

 

“Việc miễn trừ đối với “những nhóm tôn giáo bị ngược đãi” đã bị loại bỏ khỏi sắc lệnh mới và vì thế sắc lệnh mới không đề cập tới tôn giáo. Đây có thể là thay đổi quan trọng nhất ở khía cạnh pháp lý, vì tôn giáo không thể bị sử dụng như một cơ sở để phân biệt đối xử

Giáo sư Everett E. Myers

5 điểm thay đổi

Tờ New York Times đánh giá sắc lệnh mới từ ông Trump đã được điều chỉnh nhằm ngăn chặn sự phản đối về pháp lý và chính trị của những phe đối lập. Nó có ít nhất 5 điểm thay đổi nổi bật.

Đầu tiên, dễ thấy Iraq đã được loại khỏi danh sách này. Đây là sửa đổi theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, với lý do Iraq là một yếu tố quan trọng đối với Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria.

Danh sách như vậy chỉ còn lại 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen

Thứ hai, Syria không còn là đối tượng đặc biệt bị cấm vô thời hạn. Thay vào đó, trong 90 ngày tới khách du lịch Syria tạm thời không được nhập cảnh Mỹ, trong khi người tị nạn từ Syria sẽ bị cấm 120 ngày.

Sắc lệnh mới có đoạn viết: “Tôi xin tuyên bố việc nhập cư của người tị nạn quốc tịch Syria gây bất lợi cho lợi ích nước Mỹ”.

Thứ ba, những người đã có giấy tờ hợp lệ như “thẻ xanh” sẽ không bị ảnh hưởng. Trước đó, sắc lệnh ngày 27-1 “cấm cửa” công dân của 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, kể cả những người đã có thị thực hay thậm chí “thẻ xanh”, đến Mỹ.

Thứ tư, sắc lệnh lần này không có hiệu lực ngay lập tức mà phải 10 ngày sau, tức ngày 16-3, mới có hiệu lực.

Điểm thứ năm là sắc lệnh mới không thể hiện sự ưu tiên dành cho “các nhóm tôn giáo thiểu số”. Trước đây, sắc lệnh cũ bị chỉ trích vì cho rằng việc ưu tiên cho người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số chẳng khác nào phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi.

Đơn giản vì cả 7 quốc gia bị cấm tạm thời khi ấy đều phần lớn theo đạo Hồi. Việc ông Trump ưu tiên “nhóm tôn giáo thiểu số” bị hiểu ngầm là giúp đỡ người theo đạo Cơ Đốc, tức phân biệt đối xử với đạo Hồi.

Bình mới, rượu cũ?

Những thay đổi trong sắc lệnh mới về cách thức, thời gian và đối tượng thi hành chủ yếu nhằm tránh tình trạng náo loạn tại các sân bay như sắc lệnh đầu tiên và tránh trường hợp người có giấy tờ hợp lệ cũng bị giữ lại hoặc trục xuất.

Tuy nhiên, New York Times nhận xét rằng đây vẫn là sắc lệnh phản ánh chính sách nhập cư cứng rắn nhất trong nhiều năm qua, dù đã được đưa ra nhằm đối phó với những ý kiến đối lập.

Hôm 7-3, các nhóm hành động vì nhân quyền ở Mỹ vẫn lên án ông Trump, mô tả sắc lệnh mới ngoại trừ việc... đổi tên, vẫn là “lệnh cấm đối với đạo Hồi” xét về tổng thể. Họ đồng thời tuyên bố tiếp tục đấu tranh tại tòa án.

“Chính quyền của ông Trump đã thừa nhận lệnh cấm đạo Hồi ban đầu của họ là không thể biện hộ. Không may, nó đã được thay thế với một phiên bản thu nhỏ mà vốn dĩ vẫn giữ nguyên những lỗ hổng chết người.

Cách duy nhất để thật sự sửa đổi một lệnh cấm Hồi giáo là đừng đưa ra lệnh cấm Hồi giáo” - Đài Al-Jazeera dẫn lời Omar Jadwat, giám đốc Dự án quyền của người tị nạn tại Liên minh Tự do dân chủ Mỹ (ACLU).

Khi đưa ra sắc lệnh nhập cư đầu tiên vào ngày 27-1, ông Trump đã vấp phải sự phản đối sâu rộng từ khắp nơi. Đặc biệt, thẩm phán James Robart tại thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ) ra phán quyết chống lại lệnh cấm nhập cư trên.

Trong phán quyết sau đó vào tháng 2, Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tiếp tục tuyên bố chính quyền của ông Trump không chứng minh được mối đe dọa khủng bố nào, từ đó không thể buộc các bang tuân thủ sắc lệnh.

Việc chính quyền của ông Trump đưa ra sắc lệnh mới lần này, về cơ bản vẫn không thay đổi lập trường của họ đối với vấn đề tị nạn, vẫn nghiêm ngặt về luật và vấn đề thực thi.

Giáo sư Everett E. Myers, chuyên gia của Trung tâm về quan hệ toàn cầu tại Đại học New York, cho rằng “đây là một trong những lời hứa chính trong chiến dịch của ông Trump với người Mỹ và vì thế, đó vẫn sẽ là một đặc điểm quan trọng trong chính quyền của ông ấy”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-3, giáo sư Myers nhận định: “Chỉ có một phán quyết của Tòa án Tối cao mới lật lại phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9.

Một cách tiếp cận tốt hơn đã thể hiện trong sắc lệnh mới và loại trừ yếu tố tôn giáo nhằm tạo ra cơ hội tốt hơn để thông qua (sắc lệnh) và không vi phạm hiến pháp. Tuy vậy, tất cả còn phải chờ xem sao. Tôi tin rằng sắc lệnh mới vẫn sẽ bị thách thức ở tòa án...”.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên