04/01/2017 13:42 GMT+7

Ông Trump có thể làm gì trước đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống đắc cử Donald Trump dù tuyên bố "không bao giờ có chuyện" Bình Nhưỡng làm được tên lửa đủ sức phóng đến Mỹ, nhưng ông sẽ không thể ngó lơ mối đe dọa này - tờ USA Today đã dẫn ý kiến của một số chuyên gia.

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trình làng trong cuộc diễu binh năm 2013 - Ảnh: Reuters

Phản ứng sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về việc sắp làm được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), ông Donald Trump viết trên Twitter gồm hai ý: một mặt không tin Bình Nhưỡng làm được chuyện đó và mặt khác trách cứ Bắc Kinh không góp sức ngăn chặn.

Có thể thấy, ông Trump xem Trung Quốc là một trong những mấu chốt giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng bởi lẽ Bắc Kinh là đồng minh thân cận và có ảnh hưởng nhất đến quốc gia này. Thế nhưng đó không phải là biện pháp duy nhất Washington có thể áp dụng để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Tờ USA Today đã dẫn ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này. Có thể chia các ý kiến này ra làm hai nhóm: cứng rắn và mềm dẻo, linh hoạt.

"Bắt tay" với Trung Quốc

Chuyên gia Chris Hill, người dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng đây là điều đầu tiên chính quyền Trump nên làm.

"Nếu có giải pháp cho chuyện này, nó nên được gắn liền với Trung Quốc", ông Hill nói và cảnh báo "Tổng thống mới đắc cử nên cẩn trọng không nên khai mào một cuộc đối đầu với Bắc Kinh về thương mại hay chính sách Một Trung Quốc bởi ông ấy sẽ cần nhiều tiền để đối phó với Triều Tiên".

Tăng cường năng lực phòng thủ trong khu vực

Đó là ý kiến của nghiên cứu viên cao cấp Richard Bush tại Viện Brookings của Mỹ. Theo đó, ông Trump có thể tăng cường thêm sự hiện diện quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Á. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chính quyền mới sẽ tiếp tục "di sản" mà chính quyền Obama đã để lại như mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc hay tăng tần suất các cuộc tập trận với Nhật Bản.

Theo ý của chuyên gia Bush, điều này sẽ khiến Triều Tiên phải cảnh giác và dành nhiều nguồn lực để đối phó với các cuộc tập trận của Mỹ với đồng minh từ đó "lơ là" chương trình hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng luôn lên án các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản là các hành động khiêu khích và chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước này.

Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi, bởi nó có thể kích động và đẩy Triều Tiên vào một cuộc phiêu lưu quân sự ngắn ngày. Bình Nhưỡng dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un rất khó đoán định.

Chìa ra "củ cà rốt" kinh tế

Không cứng được thì mềm, đó là ý kiến của chuyên gia James Acton, giám đốc Chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới. Theo đó, chính quyền Trump nên nghĩ đến khả năng viện trợ kinh tế cho Triều Tiên và nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng đồng ý dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Đây cũng là cách mà Mỹ và các nước phương tây đã áp dụng với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran hồi năm 2015. Tuy vậy, chuyên gia Acton thừa nhận, cách làm này đã cũ và không có nhiều khả năng sẽ thành công, bởi lẽ Triều Tiên đã nhiều lần "thất hứa" với các chính quyền trước nhưng nhấn mạnh "đây cũng là một lựa chọn không tệ".

Tấn công hạt nhân 

Cứng rắn và có phần "diều hâu", nhà nghiên cứu Robert Kelley tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho rằng chính quyền Trump nên có một cuộc tấn công hạt nhân trực diện vào thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

"Trong ngắn hạn, một cuộc tấn công như vậy có thể loại bỏ hoàn toàn các mối đe dọa", ông Kelley nhấn mạnh. 

Tuy nhiên ý kiến này lại bị chuyên gia Acton phản bác, cho rằng đây là hành động không cần thiết và có thể đặt nước Mỹ trong một nguy cơ lớn hơn. Thứ nhất, Washington thật sự chưa rõ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng ở mức nào. Thứ hai, một cuộc tấn công vào Triều Tiên có thể kích động sự can thiệp của Trung Quốc, điều đã từng xảy ra cách đây hơn 60 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) khi chí nguyện quân Trung Quốc đối đầu với quân đội Mỹ nhân danh Liên Hiệp Quốc.

Lầu Năm Góc tuyên bố có thể bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc tấn công từ Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo nước này gần tiến đến việc phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới - Ảnh: AFP
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trên truyền hình nhân dịp năm mới - Ảnh: AFP

"Chúng tôi vẫn tự tin vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của chúng tôi và vào hệ thống phòng thủ của đồng minh của chúng tôi và sự bảo vệ tại quê nhà của chúng tôi" - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook thông tin trong cuộc họp báo ngày 3-1.

Trước đó, nhân dịp năm mới, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã có bài diễn văn về việc Bình Nhưỡng "đang ở giai đoạn cuối của việc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa".

"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích" - ông Cook cho biết.

Các nhà phân tích cũng đang tranh cãi về việc liệu Bình Nhưỡng đã tiến xa đến mức nào trong tham vọng hạt nhân của nước này, đặc biệt khi mà nước này chưa từng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc từ chối bình luận về các báo cáo của truyền thông về việc liệu Mỹ đã chuẩn bị những kịch bản nào về các hành động quân sự mang tính răn đe nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân.

"Chúng tôi đang liên tục đương đầu với mối đe dọa của Triều Tiên" - ông Cook nói rõ.

Ông Cook cho rằng Bình Nhưỡng "đã liên tục xem thường cộng đồng quốc tế cùng với các nghĩa vụ quốc tế của mình. Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao vấn đề này" - ông Cook tuyên bố. (ANH THƯ)

 

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên