03/06/2018 11:08 GMT+7

Ông Trần Bắc Hà liên quan 4.700 tỉ trong đại án Phạm Công Danh ra sao?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Ông Trần Bắc Hà được xác định đã vi phạm thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ trong đại án Phạm Công Danh.

Ông Trần Bắc Hà liên quan 4.700 tỉ trong đại án Phạm Công Danh ra sao? - Ảnh 1.

Ông Trần Bắc Hà được xác định là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng vắng mặt trong đại án Phạm Công Danh - Ảnh: T.L

Ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV - vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận có những vi phạm rất nghiêm trọng trong việc cho 12 công ty của Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng - vay 4.700 tỉ đồng.

Tại phiên xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 hồi tháng 1-2018, Trần Bắc Hà là cái tên được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Bởi ông Hà được xem là một trong những người có vai trò rất quan trọng trong vụ án nhưng lại vắng mặt dù đã được tòa triệu tập hợp lệ nhiều lần.

BIDV không thiệt hại nên không bị khởi tố

Trước đó, khi thực hiện tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (VNCB) nhưng không có tiền để tăng vốn điều lệ, ông Phạm Công Danh đã đến Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) gặp phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng để đặt vấn đề về việc vay vốn.

Sau khi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý, ông Danh về chỉ đạo cấp dưới tiến hành lựa chọn 12 công ty để đứng tên trên hồ sơ vay vốn.

Các hồ sơ vay vốn được Phạm Công Danh chỉ đạo lập khống để nộp cho BIDV. Ngoài ra, ông Danh còn dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay này.

Thời điểm đó, ông Trần Bắc Hà đang giữ chức vụ trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV. Với cương vị của mình, ông Hà đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn.

Sau khi BIDV chấp thuận giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỉ đồng, toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.

Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gởi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.

Kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước cho thấy BIDV cho 12 công ty vay tiền khi chưa có đủ cơ sở để xác định các công ty có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay đối với khách hàng, không kiểm tra việc sử dụng vốn sau cho vay…

Với những sai phạm của mình tại BIDV trong việc cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỉ đồng, ông Trần Bắc Hà từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính.

Cơ quan điều tra nhận định ông Trần Bắc Hà có sai phạm trong việc cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền.

Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên ông Hà cũng như các cá nhân tại BIDV không bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Kết quả điều tra cũng chưa đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh.

Ông Trần Bắc Hà liên quan 4.700 tỉ trong đại án Phạm Công Danh ra sao? - Ảnh 2.

Đã làm đúng nhiệm vụ?

Trong quá trình điều tra đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, ông Trần Bắc Hà đã có giải trình gửi đến cơ quan điều tra liên quan đến hành vi của mình.

Theo ông Hà, năm 2013, với cương vị là người đứng đầu Phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV, ông đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Sau đó BIDV chấp thuận cho 12 công ty vay số tiền 4.700 tỉ đồng.

Ông Hà giải trình hồ sơ 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn là do ban chức năng của BIDV thực hiện, cá nhân ông với tư cách là trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư không trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu mà chỉ xem xét trên cơ sở báo cáo, đánh giá đề xuất của các ban chuyên môn.

Ông nhận thấy việc cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường nên mới phê duyệt chủ trương cho vay.

Thừa nhận mình đã làm đúng chức trách nhiệm vụ, ông Trần Bắc Hà cho rằng các chi nhánh BIDV đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá về tình hình tài chính của khách hàng…

"Các thiếu sót trên chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm"- ông Trần Bắc Hà cho biết.

Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa kết luận ông Trần Bắc Hà đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty của Phạm Công Danh.

Những sai phạm này được đánh giá là "rất nghiêm trọng.

Liên quan đến hành vi này, có 3 lãnh đạo, cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định đã phải lãnh án vì bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trần Bắc Hà vi phạm rất nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật Ông Trần Bắc Hà vi phạm rất nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật

TTO - Ông Trần Bắc Hà, nguyên bí thư đảng uỷ BIDV đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên