18/04/2010 04:04 GMT+7

Ông tiến sĩ giải cứu lục bình

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Tại sao không tìm cách biến hiểm họa thành kho tàng? Câu hỏi của người thầy ở nước Đức năm xưa vẫn ám ảnh cậu học trò Việt suốt 20 năm qua. Cho tới ngày người học trò này tìm ra lời giải cho “hiểm họa lục bình trôi sông”...

AjsqKzEk.jpgPhóng to
Tiến sĩ “biogas” và cộng sự trong dự án bèo - lục bình do Chính phủ Luxembourg tài trợ - Ảnh: Hoàng Lan

Con đường đời của ông đã vạch ra từ thời trẻ bởi bức xúc trước nỗi cực khổ của mẹ. Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh mở đầu câu chuyện về sự gắn bó với rơm rạ, lục bình rất đơn giản: “Tôi có bà mẹ quê mỗi ngày phải nấu một nồi cơm lớn cho mấy chục thợ gặt ăn bằng rơm rạ. Hình ảnh mẹ tôi mồ hôi nhễ nhại và bê bết tro trấu lúc đun nấu cứ ám ảnh tôi suốt mười mấy năm du học ở Đức. Đó là lý do tôi chọn con đường hiếm người chọn thời đó: tạo biogas từ phế phẩm nông nghiệp”.

Chọn lựa đó đã dẫn ông đến dự án bèo - lục bình do Chính phủ Luxembourg tài trợ cho Hậu Giang từ tháng 4-2007 tới tháng 3-2010. Cũng vì vậy các đồng nghiệp trong dự án gán cho ông cái tên “ông biogas” hay tiến sĩ “biogas”.

jWlDdkb1.jpgPhóng to
Tiến sĩ Quỳnh hướng dẫn các cán bộ khuyến nông sử dụng biogas chạy máy phát điện ở Trung tâm nghiên cứu đào tạo thuộc dự án bèo - lục bình Hòa An (Cần Thơ) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đi từ thất bại

"Kỹ thuật phải có lời giải. Lời giải đó chính là những lợi ích mang lại cho người dân nghèo..."

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh

Năm 1979, khi mới về tham quan Trường ĐH Cần Thơ, chàng tiến sĩ 32 tuổi của ĐH Nông nghiệp Hohenheim, thành phố Stuttgart (Cộng hòa liên bang Đức) được giao “nhiệm vụ” trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.

Ông Quỳnh nhớ lại: “Đúng vào đêm 30, tôi được hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ lúc đó là ông Phạm Sơn Khai dẫn đi thăm bà con quanh nơi tôi sắp nhận công tác. Cả vùng quê tối đen như mực, chỉ lập lòe ánh sáng đốt từ rơm rạ của các hộ dân. Lúc đó, ông hiệu trưởng hỏi: Anh là người nghiên cứu khoa học, anh có cách nào mang lại ánh sáng cho bà con nơi đây chưa?”.

Chàng tiến sĩ trẻ chợt nghĩ tới chiếc đèn măngsông thực nghiệm đã trình diễn trước nhóm sinh viên Việt Nam tại ĐH Hohenheim. Đèn thắp sáng bằng khí sinh học (biogas) lấy từ bột cỏ, bột ngũ cốc. Nguồn nguyên liệu tạo ra biogas thắp đèn măngsông ở Việt Nam thì ê hề. Vào thời điểm đó, ở vùng quê này, người ta chỉ biết thắp đèn măngxông bằng dầu phun rất đắt đỏ.

Đó cũng là bài học thực tế đầu tiên mà ông Quỳnh chiêm nghiệm được từ lời dạy của các thầy cô tại trường đại học ở nước ngoài: “Kỹ thuật phải có lời giải. Lời giải đó chính là những lợi ích mang lại cho người dân nghèo...”.

Nhưng khi chính thức về ĐH Cần Thơ, chút bất lực bắt đầu nhen nhóm khi chàng tiến sĩ trẻ hiểu để thay đổi những tập quán của người dân là việc cực khó. Từ năm 1985-1990, Đỗ Ngọc Quỳnh đã tìm ra phương pháp làm hầm ủ CT1 (Cần Thơ 1) đơn giản để tạo ra biogas làm chất đốt cho các hộ nông dân nghèo.

Ban đầu ông muốn dùng phế phẩm từ chăn nuôi như phân heo để làm nguyên liệu. Nhưng do tập quán nuôi heo thả rông và nhỏ lẻ của bà con nên kế hoạch tạo mô hình hầm ủ CT1 chỉ đến với các thầy cô giáo nghèo biết cách ứng dụng kỹ thuật của mô hình từ việc nuôi heo đàn trong nhà. Ngay cả việc tận dụng phân người để thay thế phân heo cũng phá sản do thói quen đi... cầu tõm.

Thất vọng. Kế đó là những lời ong tiếng ve về hiệu quả của công việc hoàn toàn mới: tìm nguồn năng lượng mới từ phế phẩm khiến nhiều lúc “ông biogas” chỉ muốn rời bỏ vị trí đang làm. Nhưng câu chuyện “Hàn Tín nuôi chí chờ thời” mà thầy hiệu trưởng Phan Sơn Khai khuyên nhủ đã khiến ông bình tâm lại.

Sau đó, mô hình VACB (tức vườn - ao - chuồng và biogas) trong sản xuất nông nghiệp tại Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL của ông được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Bài học từ Thái Lan

Anh Khương tiết lộ nếu không có gì thay đổi, trong năm nay anh sẽ nhờ “thầy Quỳnh biogas” làm cố vấn kỹ thuật cho dự án trang trại ở cù lao của Công ty Vạn Phúc. Còn với “ông biogas”, đó là mốc khởi đầu không gì vui bằng để mở đường cho các doanh nghiệp ven sông Vàm Cỏ Đông giải quyết nạn lục bình thành kho nguyên liệu tự nhiên có giá trị kinh tế cao.

Hệ thống sông Vàm Cỏ và kênh rạch của Tây Ninh có tới 70% diện tích mặt nước có lục bình. Cứ 1ha mặt nước sản sinh từ 200-400 tấn lục bình mỗi năm. Đó là lý do lục bình trở thành vấn nạn đối với giao thông đường thủy của các hộ dân sống ven sông và ngành vận tải đường sông.

Từ năm 1985-1990, ông Quỳnh là một trong bảy thành viên của chương trình năng lượng mới do Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam chủ trì. Đây cũng là khoảng thời gian “ông biogas” phát hiện nguồn nguyên liệu quý từ “lục bình trôi sông” thường gây tắc nghẽn giao thông đường thủy ở ĐBSCL, nhờ việc tìm hiểu mô hình hầm ủ biogas do Thái Lan và Đức hợp tác.

Trong dự án của Thái Lan và Đức có nhắc tới nguyên liệu làm hầm ủ biogas từ thân và lá lục bình rất hiệu quả. Khoảng 3.000 hộ dân tại Cần Thơ, Tiền Giang đã áp dụng mô hình hầm ủ TGBP (Thai-German biogas program)kiểu của Thái và Đức do trường ĐH Cần Thơ giới thiệu, hướng dẫn.

Một câu hỏi được đặt ra lúc đó của tiến sĩ Quỳnh là tại sao không tận dụng nguồn lục bình dồi dào của một số tỉnh ĐBSCL để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho từng hộ dân nghèo sống ven sông?

Năm 2007, dự án VIE/020 bèo - lục bình đến với nhóm nghiên cứu Trường ĐH Cần Thơ sau nhiều lần đoàn công tác của Chính phủ Luxembourg khảo sát trong dự án tiền khả thi tại một số tỉnh ĐBSCL. Sau đó, Chính phủ Luxembourg đã chọn tỉnh Hậu Giang, nơi có diện tích mặt nước bị lục bình xâm lấn lớn nhất và cũng là tỉnh nghèo nhất vùng ĐBSCL, để triển khai dự án này.

Được Trung tâm nghiên cứu Hòa An thuộc ĐH Cần Thơ giới thiệu, dự án đã nhờ tiến sĩ Đỗ Ngọc Quỳnh làm cố vấn kỹ thuật. Mức lương 1.000 euro/tháng mà cơ quan điều phối dự án trả cho ông chính là minh chứng cho thành quả của nghiên cứu về biogas hơn 20 năm ở ĐH Cần Thơ.

Không phải dễ dàng để người nông dân bỏ đi tập quán cố hữu là sử dụng lục bình như một kho tàng. Bài học về cầu tõm năm xưa đã giúp “ông biogas” có thêm kinh nghiệm tiếp cận bà con. Không chỉ giải thích cho các hộ nông dân nghèo tính chất bền vững của mô hình VACB khi sử dụng lục bình trong mô hình này để nâng cao thu nhập, ông tiến sĩ bắt tay vào chứng minh từ thực tế.

Với 18 hộ nghèo được dự án hỗ trợ thí điểm bằng 4 triệu đồng vốn ban đầu để xây dựng hầm ủ biogas từ lục bình kết hợp với trồng rau, nuôi cá từ xác lục bình. Kết quả: cuối vụ tỉ suất lợi nhuận trung bình mỗi hộ đạt được là 95%. Cụ thể hơn, tính ra tiền, một hộ nghèo sau khi chi phí tiền thuê đất để thực hiện mô hình VACB, mỗi năm vẫn lời được 10 triệu đồng.

Ngày 31-3-2010, dự án bèo - lục bình đã kết thúc sau ba năm triển khai ở Hậu Giang. Điều khiến “ông biogas” và những cộng sự trong dự án hạnh phúc nhất là làm các hộ nông dân thật sự tự tin với mô hình mà dự án đã triển khai.

Gặp người tâm huyết

Câu chuyện của nước láng giềng Thái Lan rất thành công với quy trình hầm ủ biogas và bài toán thị trường lại ám ảnh ông trong hoàn cảnh mới. Tất nhiên, với dự án của Chính phủ Luxembourg tài trợ, ông đã hoàn thành nhiệm vụ là hướng dẫn người dân nghèo ở Hậu Giang nhận biết giá trị của lục bình cũng như nắm vững quy trình VACB.

Nhưng với những hộ kinh tế cá thể thì lượng lục bình được sử dụng như muối bỏ biển, lục bình vẫn là hiểm họa cản trở giao thông đường thủy cho người dân. Có những ngày mở trang báo ra, đọc tin “lục bình xâm chiếm lòng sông gây ách tắc tàu thuyền...”, ông lại băn khoăn với câu hỏi cũ: “Làm sao biến hiểm họa thành kho tàng?”.

Tình cờ, một lần tham gia hội thảo về vấn nạn lục bình ở Tây Ninh, ông gặp được một giám đốc trẻ ở Tây Ninh có cùng mong muốn được “giải oan” cho lục bình. Đó là anh Trần Phú Khương, giám đốc Công ty cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Vạn Phúc.

Anh Khương bộc bạch: “Cho tới trước khi gặp tiến sĩ Quỳnh, tôi đang đau đầu với lục bình vì chúng tôi là doanh nghiệp đóng tàu, kinh doanh vận tải đường thủy. Tây Ninh có 151km đường sông, cứ từ tháng 1 tới tháng 5 hằng năm lục bình sinh sôi kín mặt sông Vàm Cỏ Đông. Từ tháng 5 trở đi, vào mùa nước lớn, lục bình núp trong các kênh rạch cản trở ghe xuồng nhỏ của bà con ven sông”.

Nhất là với trang trại nuôi heo trên một ốc đảo biệt lập ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, Tây Ninh của công ty anh này lại chưa có mạng lưới điện và lục bình giăng tứ phía, ngăn trở con đường vào cù lao.

Bài toán về hiệu quả kinh tế của lục bình được đặt ra với “một vốn bốn lời - chắc chắn có lợi nhuận nếu mô hình VACB thành công” như anh Khương khẳng định. Mỗi hầm ủ biogas từ lục bình có thể tiêu thụ trung bình 40 tấn lục bình/ngày. Với 20 hầm ủ biogas từ lục bình, vốn của doanh nghiệp bỏ ra chừng 1 tỉ đồng trở lại nhưng có khả năng thu hồi vốn từ 2-3 năm sau.

Nếu nạp đủ lục bình cho mỗi hầm ủ từ 500-1.000 lít biogas/ngày thì lượng biogas đủ sức cung cấp chất đốt cho đun nấu ở một trang trại có quy mô lớn.

Thêm nữa, cứ 1m3 biogas tương đương 1,4kWh điện, với nhiều hầm ủ biogas thành công, vấn đề điện sẽ không còn là trở ngại với các doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu điện hay chưa có mạng lưới điện trong sản xuất.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên